Kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ khi ký kết TPP

(VOH) - Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ mới chỉ dừng ở con số rất khiêm tốn, chiếm 1% nhưng chiếm khoảng 17-18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, nếu Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vào cuối năm nay, sẽ có 4 thị trường thực sự tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đó là Mỹ, Mexico, Canada và Peru. Trong số này, Mỹ sẽ là thị trường được mong đợi nhất do có sức tiêu thụ khổng lồ với kim ngạch nhập khẩu hằng năm ở mức 2.000 tỷ USD.

Mỹ là thị trường hấp dẫn đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thị trường mà mặt hàng nào cũng có nhu cầu nhập khẩu. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để cạnh tranh với các sản phẩm các nước khác hay không.

Ông Chu Ngọc Biên, Giám đốc kinh doanh công ty xuất nhập khẩu thủy sản Baseafood bày tỏ: "Khó khăn nhất là công ty FDI, công ty này kiểm tra hàng khi nhập khẩu vào Mỹ, được thì cho vào còn không trả về. Trước đây mình chủ yếu chỉ làm qua mạng, mò mẫm trên mạng, qua đầu mối liên hệ chứ chưa bao giờ được gặp trực tiếp. Thực ra không phải chỉ riêng DN Việt Nam mà cả thế giới đều muốn hợp tác với Mỹ vì đây là thị trường rất lớn; là nước giàu, nhu cầu cao nên mức giá mua tốt.  Tuy nhiên, làm như thế nào để vào được thị trường này và nâng cao thị phần của mình lên, điều này đòi hỏi DN phải nỗ lực rất nhiều".

Dẫu biết rằng, TPP là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm của Việt Nam bứt phá ở thị trường đầy sức hấp dẫn như Mỹ, khi mà thuế suất sẽ về 0%, nhưng vấn đề đặt ra vẫn là chúng ta có tận dụng được lợi thế này hay không. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị sẵn các điều kiện để có thể tận dụng ngay cơ hội khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

"Khi gia nhập TPP rồi, doanh nghiệp phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đó là yếu tố tiên quyết bởi khi đó chất lượng sản phẩm sẽ quyết định tất cả, vấn đề giá cả không phải là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp phải tự đầu tư, tự nâng cao năng lực sản xuất về chất lượng sản phẩm, hậu mãi… phải làm thật tốt những việc này. Ngoài những khách hàng đang có thì doanh nghiệp cũng cần tìm những kênh phân phối mới, thường xuyên cải tạo hệ thống quản lý chất lượng và nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của mình", ông Trần Vũ Bảo, Phòng chất lượng Công ty xuất nhập khẩu Cầu Tre, chia sẻ. 

Không chỉ với các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng Việt Nam đã có nhiều chương trình, hành động để đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp tiếp cận vào thị trường chung rộng lớn TPP, trong đó có mảnh đất giàu tiềm năng từ thị trường Mỹ. Bà Bùi Hoàng Yến, Phó trưởng đại diện Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại TP HCM cho hay: "Hiện tại Cục Xúc tiến thương mại chúng tôi có một số hoạt động chuẩn bị cho TPP như: tổ chức những hội thảo phổ biến thông tin về TPP để các doanh nghiệp VN có cơ hội và có thông tin trước nhằm chuẩn bị nguồn cũng như lên kế hoạch đầu tư cho chuỗi cung ứng vào TPP; tận dụng tối đa những điều kiện đàm phán từ TPP để doanh nghiệp định hướng trước được kế hoạch sản xuất cũng như xuất khẩu của mình phù hợp với thông lệ quốc tế và các yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế".

Đóng gói xuất khẩu chôm chôm đi Mỹ tại Công ty Rồng Đỏ (TP.HCM) - Ảnh: TTO.

Kết quả bước đầu của các chương trình xúc tiến đã mang lại hiệu quả khả quan. Cùng với trái thanh long, chôm chôm, nhãn và vải mới đây đã chính thức được Mỹ cho nhập khẩu vào thị trường này. Ngược lại, thông qua TPP, Mỹ cũng đang hợp tác để thiết lập một khuôn khổ thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ Hoa Kỳ tạo việc làm bằng cách mở rộng thương mại là lĩnh vực chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong 5 năm qua.

Mỹ cũng có nhiều chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu thêm những yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa phải đảm bảo khi thâm nhập vào thị trường này. Ông David Lennarz, nguyên chuyên gia kỹ thuật Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDI) nhấn mạnh: "Một trong những điều quan trọng mà các doanh nghiệp VN cần phải làm để có thể xuất khẩu trực tiếp, hiệu quả sang Mỹ là phải xây dựng được mối quan hệ đối với doanh nghiệp tại thị trường Mỹ. Quan trọng nhất là ngay bây giờ phải gia hạn đăng ký hàng nhập khẩu sang Mỹ với FDI từ 1/10 đến trước 31/12".

Cơ hội Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương kết thúc đàm phán và tiến đến ký kết được kỳ vọng nhiều vào cuối năm 2014 đầu năm 2015. Để mở được cánh cửa cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị thật tốt, khẳng định thế mạnh của mình; có chiến lược kinh doanh hiệu quả; đặc biệt là chú trọng vào hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm ra thị trường; tự thay đổi, phát triển thích ứng với thị trường chính là sức mạnh giúp doanh nghiệp vươn xa hơn.