Chờ...

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào?

(VOH) - Không chỉ Việt Nam, một vài quốc gia trên thế giới cũng tổ chức lễ cúng chúng sinh Rằm tháng 7 với nhiều ý nghĩa và hoạt động đặc sắc.

Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn và quan trọng trong đời sống tâm linh của các nước Á Đông. Bởi ngày này trùng với ngày “Xá tội vong nhân” và đại lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ tín ngưỡng Phật giáo. Do đó, các quốc gia chịu ảnh hưởng của đạo Phật như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… đều có tập tục cúng chúng sinh trong "tháng cô hồn". Hãy cùng chúng tôi khám phá những phong tục và nghi thức độc đáo ở các quốc gia sau!

1. Lễ Trung Nguyên của người Trung Quốc

Tại Trung Quốc, các Phật tử sẽ tổ chức Tết Trung Nguyên từ ngày đầu tháng 7 cho đến hết ngày 30, ngày cúng có thể lựa chọn sao cho hợp lý. Tại nhiều địa phương, sau khi đã đón được linh hồn tổ tiên về nhà vào ban đêm thì ban ngày phải dâng lễ cúng ba bữa và không thể thiếu món dưa, từ mùng 1 tới hết tháng, mỗi lần dâng lễ đều phải đốt tiền vàng quần áo.

Trong dịp này, người dân còn tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc, nổi bật nhất là thả đèn lồng hoa sen giúp dẫn đường cho cô hồn ngạ quỷ. Các buổi lễ cầu nguyện cho những vong linh đã quá vãng, bị đói khát giày vò nơi cảnh giới địa ngục diễn ra suốt cả ngày lẫn đêm. 

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 1
Vào ngày cuối cùng của tháng cô hồn, người Trung Quốc sẽ thả đèn lồng xuống các con sông để dẫn đường cho vong linh trở về cõi âm.

Còn tại Đài Loan sẽ diễn ra lễ cúng chúng sinh, cô hồn vào ngày 15/7 âm lịch với 3 phần khác nhau gồm: mời các vong hồn, cúng tế cho họ ăn vào ngày 15/7 và đưa tiễn họ vào ngày 29/7. Trong ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị thịt, hoa quả, hoa tươi và các thứ khác để cúng trên chùa hoặc thực hiện ngay trước sân nhà mình. Với những gia đình có điều kiện có thể mời các vị sư về nhà làm lễ cầu siêu cho vong linh tổ tiên nhà mình và các linh hồn không nơi nương tựa khác. Trong dịp này, người dân Đài Loan cũng tổ chức nhiều lễ hội khác như lễ hội rước ma, thả đèn hoa đăng với quy mô lớn. 

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 2
Xe rước ma chở đầy hình nộm diễu hành trên phố ở Keelung, Đài Loan.

Tại Hồng Kông, lễ cúng cô hồn được tổ chức theo phong tục của người Trung Quốc và kéo dài cả tháng 7 âm lịch. Sự kiện này đã được tổ chức trong suốt 100 năm qua và được xem là di sản văn hóa phi vật thể của Hồng Kông. Người dân sẽ đến những khu vực như công viên, quảng trường, ven sông hay vùng đất rộng lớn để tế tổ tiên và những bóng ma lang thang. Bên cạnh đó, họ thường đốt vàng, hương, phân phát gạo miễn phí, biểu diễn nhạc kịch hoặc phát một bộ phim để phục vụ người âm.

(xong) Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 3
Dấu hiệu đầu tiên của lễ hội cúng cô hồn tại Hồng Kông là mùi giấy cháy xen lẫn với hương nhang và nến thơm trên bàn cúng thức ăn.

Xem thêm: Tất tần tật những điều cần biết về lễ cúng Rằm tháng 7

2. Lễ hội Obon của Nhật Bản

Tại Nhật Bản, lễ Obon báo hiếu sẽ diễn ra vào 3 ngày trong tháng 8 dương lịch hằng năm. Đây được xem là lễ hội linh thiêng của toàn nước Nhật được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng.

Người ta tin rằng, vào dịp này, linh hồn tổ tiên sẽ quay lại dương thế để thăm người thân. Do đó, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, người Nhật sẽ đến thăm và trang trí lại ngôi mộ của người thân bằng các loại trái cây, bánh và lồng đèn. Ngày thứ 2, họ sửa soạn bàn thờ ở nhà với phía trên cùng đặt những vật tưởng niệm về tổ tiên và cúng những món ăn chay. Các con vật làm từ dưa chuột hay cà tím tượng trưng cho phương tiện đón rước các linh hồn cũng được đặt lên bàn thờ. 

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 4
Ngày cuối cùng, người Nhật mặc bộ Kimono mùa hè (Yukata) và cùng nhau tham gia điệu múa Obon (Bon Odori) theo vòng tròn.

Nhiều hoạt động tín ngưỡng sẽ được tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Đặc sắc nhất chính là Lễ dâng lửa để soi đường cho những linh hồn người đã khuất quay về với trời vào đêm 16/8. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 dải lửa được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ. 

Các đám lửa này được sắp theo hình dạng các chữ Hán ở 5 ngọn núi, bắt đầu bằng ngọn núi chữ Đại (Daimonji), Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với Chùa Vàng và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii (có nghĩa là Cổng lên trời).

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 5
Lễ dâng lửa trong dịp Obon tại Nhật Bản.

Đồ thờ cúng trong dịp này tại Nhật Bản thường là những chiếc bánh khảo có hình hoa sen làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng… cùng những giỏ hoa quả gồm nhiều loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ. Đồ cúng sẽ được thay đổi mỗi ngày. Trong đó, ngày 13 là bánh đón linh hồn; ngày 14 là một loại bánh bột gạo; ngày 15 là bún làm bằng bột mì và ngày 16 là bánh tiễn linh hồn.

Xem thêm: Gợi ý mâm cúng Rằm tháng 7 đầy đủ và chi tiết nhất cho các lễ

3. Lễ hội Trung Nguyên hay Ngày lễ rửa liềm của người Hàn Quốc

Rằm tháng 7 âm lịch tại Hàn Quốc được gọi là Bách Trung (Baekjung) hay Bách Chủng (Baekjong), tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc. Bởi đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả được thu hoạch. 

Ngoài ra, đây còn là lễ Trung Nguyên hoặc Vu Lan Bồn của Hàn Quốc nhằm mục đích tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính đối với bậc sinh thành. Ở nhiều vùng nông thôn, vào ngày Bách Chủng, sau khi hoàn thiện công việc đồng áng, người nông dân có thể nghỉ ngơi và chờ đến khi lúa chín, nên không cần sử dụng đến cái liềm.

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 6
Vào ngày này, người nông dân Hàn Quốc sẽ mặc trang phục Hanbok truyền thống, tay cầm gậy và mang mặt nạ (hoặc không) nhằm xua đuổi tà thần

Vì vậy, ngày Rằm tháng 7 âm lịch còn được người dân Hàn Quốc gọi là “Ngày lễ rửa liềm”. Lúc này, mọi người sẽ tổ chức diễu hành với trang phục Hanbok truyền thống, tay cầm gậy và mang mặt nạ (hoặc không) nhằm xua đuổi tà thần, cầu xin mùa màng bội thu. 

Xem thêm: Văn khấn Rằm tháng 7 cho thần linh, gia tiên, chúng sinh đầy đủ nhất

4. Phong tục cúng cô hồn ở Campuchia

Khác với Việt Nam, “tháng cô hồn” của Campuchia là tháng 9 dương lịch. Trong tháng này sẽ diễn ra ngày lễ Pchum Ben kéo dài 15 ngày. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer. Người Campuchia sẽ mặc quần áo trắng, tập trung tại chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cúng dường phẩm vật lên chùa để các vị chư tăng “gửi” cho linh hồn của người đã khuất. Họ tin rằng, thời điểm diễn ra lễ hội, các linh hồn sẽ tìm về người thân còn sống để chuộc lại lỗi lầm từ kiếp trước. 

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 7
Vào 'tháng cô hồn', người dân Campuchia sẽ tập trung lên chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cúng dường phẩm vật

Xem thêm: Nguồn gốc, ý nghĩa rằm tháng Bảy và những việc nên làm, nên tránh

5. Lễ hội ma xó của Thái Lan

Lễ hội ma xó hay còn gọi là Pee Ta Khon (Phi Ta Khon) diễn ra vào cuối tháng 6 hàng năm tại tỉnh Loei thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Lễ hội này tương tự như lễ hội Halloween vì mọi người đến ngày này thường mặc những trang phục kỳ quái.

Theo quan niệm của người dân địa phương, do người dân ăn mừng lễ hội quá lớn nên làm kinh động và đánh thức các hồn ma. Vì vậy vào ngày này, người dân thường mặc trang phục như ma quỷ và đeo mặt nạ. 

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 8
Trong lễ hội ma xó (Pee Ta Khon), người dân thường mặc trang phục như ma quỷ và đeo mặt nạ

Nhiều thanh niên múa và biểu diễn các động tác chiến đấu với các hồn ma hiện thân qua những chiếc mặt nạ làm từ thân cây dừa. Lễ hội rực rỡ sắc màu này đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến đây mỗi năm. 

Xem thêm: Vì sao rằm tháng 7 là rằm lớn?

6. Lễ cúng cô hồn ở Singapore 

Lễ cúng chúng sinh, cô hồn ở Singapore cũng được tổ chức vào tháng 7 âm lịch với các hoạt động thờ cúng tổ tiên, đốt vàng mã cho vong linh. Trong thời gian này, người dân sẽ kiêng kỵ việc chuyển nhà, văn phòng để tránh làm các linh hồn đang trú ngụ nổi giận; không nên sát sinh hoặc mặc áo đỏ vì như vậy ma quỷ sẽ bám theo. Những buổi diễn kịch ở sân khấu ngoài trời vào tháng này luôn được để trống hàng ghế đầu dành riêng cho các hồn ma. 

Các quốc gia trên thế giới tổ chức lễ cúng chúng sinh như thế nào? 9
 Buổi diễn kịch được tổ chức ở sân khấu ngoài trời trong 'tháng cô hồn' tại Singapore

Xem thêm: Lễ Vu Lan báo hiếu - Nguồn gốc, ý nghĩa những điều nên làm và cấm kỵ

Sau khi tìm hiểu đôi nét về lễ cúng chúng sinh ở một vài quốc gia trên thế giới, có thể thấy rằng, việc thờ cúng Phật, Thần linh, tổ tiên và cô hồn trong Rằm tháng 7 được người dân rất mực xem trọng và trở thành nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của các nước. 

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)