Rằm tháng 7 hay còn gọi là Tết Trung Nguyên, là một trong 3 ngày Rằm lớn nhất trong năm cùng Thượng Nguyên (15/1 Âm lịch) và Hạ Nguyên (15/10 Âm lịch). Đây là ngày lễ vô cùng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân Việt Nam, vì nó trùng với lễ Vu Lan báo hiếu và ngày Xá tội vong nhân. Tham khảo bài viết sau của VOH để hiểu thêm về nghi thức cúng Rằm tháng 7 theo phong tục truyền thống.
Rằm tháng 7 là ngày gì?
Lễ cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc, về sau mới lan rộng đến những nước khác ở châu Á. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa mà mỗi quốc gia sẽ tổ chức nghi thức lễ khác nhau.
Theo đó, vào thời cổ đại, việc cúng "ngày Rằm tháng bảy" vốn là lễ cúng tổ tiên của người dân Trung Quốc, có nguồn gốc từ Đạo giáo thời hậu Đông Hán. Quan niệm của đạo này cho rằng, tiết Trung Nguyên bắt đầu từ ngày mùng 1/ 7 Âm lịch (ngày “mở cửa quỷ môn”) cho đến ngày 30/7 (ngày “đóng cửa quỷ môn”).
Đầu tháng, cửa địa ngục mở ra cho các cô hồn bị chết oan, chết bất đắc kỳ tử hay chết mà không có người thân thờ cúng… lên dương thế thọ hưởng sự cúng tế và nhận đồ thế chấp của người trần gian, cũng như tìm người thế mạng.
Do đó, người trần gian muốn tránh cô hồn phá rối hay làm hại mình sẽ làm lễ bày các vật phẩm, đồ ăn thức uống và những loại vàng mã, hình nộm để cúng các cô hồn vào ngày Rằm tháng 7. Trước là cho cô hồn ăn uống, sau là cầu mong cô hồn đừng làm hại mình.
Ở Trung Quốc, lễ cúng cô hồn được gọi là Tiết Trung Nguyên, người Việt đọc trại thành Tết Trung Nguyên, tất cả những điều này đều được ghi rõ trong Huyền Đô Đại Hiến kinh của Đạo Giáo.
Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng 7 thường được tổ chức ở chùa (thờ Phật) trước, rồi sau mới đến cúng tại gia và được thực hiện vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn.
Theo truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dân gian, Rằm tháng 7 còn là ngày "Xá tội vong nhân". Do đó, nhiều nhà sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng trước nhà, để cúng những vong linh bơ vơ không gia đình, còn gọi theo dân gian là "cúng cô hồn", "cúng thí thực" (tặng thức ăn).
Vì vậy, vào tháng 7 Âm lịch, dân gian còn hay gọi là "tháng cô hồn", gắn với những điều xui xẻo, cần kiêng kỵ, cũng như khuyến khích ăn chay và làm việc thiện. Ngoài ra, Rằm tháng 7 còn là lễ Vu Lan Báo Hiếu để con cái báo đáp công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo và được người dân khá coi trọng.
Cúng Rằm tháng 7 năm 2024 thời gian nào đẹp nhất?
Theo lịch vạn niên 2024, Rằm tháng 7 sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 18/8 Dương lịch, tức ngày 15/7 Âm lịch.
Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào đẹp nhất?
Với các ngày Rằm khác trong năm, lễ cúng sẽ được tổ chức vào đúng ngày 15 Âm lịch. Tuy nhiên, lễ cúng Rằm tháng 7 sẽ không diễn ra vào ngày này. Vậy cúng Rằm tháng 7 ngày nào đẹp nhất?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, thực tế việc cúng Rằm tháng 7 xuất phát từ các truyền thuyết dân gian.
Theo đó, người xưa quan niệm, từ mùng 2 đến ngày 14/7 Âm lịch là thời điểm Diêm Vương mở Quỷ Môn Quan để các vong hồn được về với dương giới và thọ hưởng những lễ vật mà người dân cúng tế. Riêng ngày 15/7 Âm lịch là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa” nên người âm sẽ rất khó để “trở về” hoặc không thể nhận được đồ thờ cúng.
Cũng có truyền thuyết kể lại, trong “thế giới tâm linh” có một dòng sông chở hàng của người trần gửi cho người âm, đó là Sông Chở Mã. Sau ngày 15/7 Âm lịch, “thuyền chở mã” đã rời bến nên đốt mã sau ngày đó sẽ không có giá trị cho người âm nữa.
Thói quen tổ chức lễ cúng Rằm tháng 7 từ mùng 2 đến ngày 14 Âm lịch mà không cần xem ngày tốt hay xấu dần được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Cúng Rằm tháng 7 lúc mấy giờ?
Ngày 15/7 Âm lịch cũng là lễ Vu Lan và ngày Xá tôi vong nhân nên nhiều người vẫn chưa nắm rõ giờ cúng Rằm tháng 7 chuẩn xác.
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng gia tiên và lễ cầu siêu Vu Lan nên được tổ chức vào ban ngày, tốt nhất là khoảng 11h - 12h trưa. Vì đây là giờ hoàng đạo, ít ma quỷ. Lúc này, vong linh là người thân sẽ được Thổ Thần cho vào nhà để hưởng lộc mà không bị các cô hồn dạ quỷ khác quấy phá.
Với lễ cúng cô hồn, chúng sinh, gia chủ nên tiến hành cúng vào chiều tối. Các linh hồn trở về từ âm phủ rất yếu ớt và sợ ánh sáng mặt trời nên không thể nhận được đồ cúng Rằm tháng 7 vào ban ngày. Do đó, thời gian cúng Rằm tháng 7 tại nhà cho chúng sinh tốt nhất nên thực hiện vào giờ Dậu (17h - 19h). Đây là thời gian nhập nhoạng, tranh sáng tranh tối nên các cô hồn có thể ăn uống được.
Dưới đây là một số ngày đẹp phù hợp để tổ chức lễ cúng như:
- Ngày 11/7 Âm lịch (tức 14/8 Dương lịch), với các khung giờ: 7h - 9h, 9h - 11h và 15h - 17h;
- Ngày 12/7 Âm lịch (tức 15/8 Dương lịch), với các khung giờ: 7h - 9h và 13h - 15h;
- Ngày 13/7 Âm lịch (tức 16/8 Dương lịch), với các khung giờ 5h - 7h và chiều từ 15h -17h, 17h - 19h. Đây là ngày Nhâm Tý, những tuổi Mão, Ngọ, Dậu và tuổi có năm sinh âm lịch tận cùng là số 6 như 1946, 1956, 1966, 1976, 1986, 1996, 2006, 2016 không thích hợp để cúng bái.
- Ngày 14/7 Âm lịch (tức 17/8 Dương lịch) sẽ ưu tiên các khung giờ: 5h - 7h, 9h - 11h và 15h-17h.
- Ngày 15/7 Âm lịch (tức 18/8 Dương lịch), gia chủ có thể chọn dâng lễ vào các giờ sau: 7h - 9h, 9h - 11h và 13h - 15h.
Bài cúng Rằm tháng 7 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin), văn cúng Rằm tháng 7 sẽ bao gồm các bài khấn sau.
- Văn khấn cúng Rằm tháng 7 thần linh
- Bài cúng Rằm tháng 7 gia tiên
- Bài cúng Rằm tháng 7 ngoài trời cho chúng sinh
- Văn khấn Rằm tháng 7 Thổ Công
- Văn khấn Thần Tài Rằm tháng 7
- Văn khấn Rằm tháng 7 tại cửa hàng, công ty
- Văn khấn hóa vàng Rằm tháng 7
- Văn khấn phóng sinh Rằm tháng 7
Mâm cơm cúng Rằm tháng 7
Nhiều người cho rằng nên làm các món ăn chay cúng Rằm tháng 7 vì lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân xuất phát từ tín ngưỡng Phật Giáo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, mâm cúng lễ Phật và chúng sinh nên chuẩn bị cỗ chay, trong khi mâm cúng lễ thần linh, gia tiên chuẩn bị chay mặn tùy ý.
Trên thực tế, không có quy định về việc này. Chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng 7 phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện gia đình, phong tục của địa phương mà cốt là ở tấm lòng thành của mỗi người. Vậy chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng 7 gồm những gì?
Cúng bàn Phật
Bàn Phật là bàn thờ Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, thường được thờ ở nhiều gia đình. Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn đối với những người theo đạo Phật, cũng là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ.
Đối với bàn cúng Phật, các gia đình cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật và thường nên cúng vào buổi sáng. Sau khi cúng, mâm cúng Phật thường sẽ được gia đình thụ lộc ngay tại nhà.
Mâm cơm chay cúng Rằm tháng 7 dâng lên bàn thờ Phật gồm: hương, hoa, trà, quả, thực, xôi chè hoặc bát cơm trắng (nếu gia đình chưa có ban thờ Phật, thì khi bạch cúng lễ, sẽ hướng tâm tới Phật để cúng, mà không sắm lễ).
Các món chay trong mâm lễ cúng Phật thường có: xôi trắng ruốc nấm hương hoặc xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi vò hạt sen, giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc canh rau củ, canh bóng chay, cải thìa sốt nấm hương, đậu hũ non sốt nấm…
Cúng trong nhà
Cúng trong nhà còn gọi là cúng thần linh và gia tiên thường đặt ở dưới lễ cúng Phật. Gia đình nên chuẩn bị mâm cúng tươm tất, các món ăn tươi sạch, để thể hiện cho lòng thành kính, biết ơn tổ tiên. Mâm cúng Rằm tháng 7 gia tiên có thể chuẩn bị cỗ chay hoặc mặn tùy ý.
Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm,... cùng với trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép,...
Cúng ngoài trời
Cúng ngoài trời còn được gọi là cúng chúng sinh, cúng cô hồn, cúng thí thực nhằm bố thí cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không nhà cửa hay nơi nương tựa.
Mâm cúng chúng sinh thường bao gồm các lễ vật như sau:
- Muối gạo (1 dĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong).
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ).
- Hoa quả, các loại bỏng ngô, bỏng gạo, bánh, kẹo (đều được bóc hết ra, sau khi cúng thì thả xuống sông bố thí cho loài thủy tộc).
- Tiền trần (là tiền thật, thường là tiền lẻ).
- 3 chung nước (hay 3 ly nhỏ ), nhang và nến.
Lưu ý khi cúng cô hồn:
- Mâm cúng cô hồn thường nên cúng chay. Bởi theo quan niệm dân gian, cúng đồ mặn sẽ khơi dậy tham, sân, si của các vong hồn.
- Đặt lễ cúng trước cửa nhà (hay nơi đang buôn bán).
- Sau khi cúng xong, các vật phẩm cúng cô hồn không được đem vào nhà, cũng không được mang đồ cúng đó chia lộc cho bất cứ trẻ em hay hàng xóm, người thân nào trong gia đình để tránh chúng sinh đi theo đòi lại. Vẩy chút nước, cháo, toàn bộ đĩa muối, gạo rải ra tám hướng. Toàn bộ đồ ở trong mâm cúng chúng sinh còn lại (bỏng, bánh kẹo, hoa quả, cháo loãng còn lại..) đều được bóc hết ra rồi mang đến hồ hoặc ao mát mẻ gần đó để bố thí cho chúng sinh ở dưới nước.
Cúng Rằm tháng 7 Ông Thần Tài Thổ Địa
Cúng ban Thần Tài, Thổ Địa là một nghi thức quan trọng trong Rằm tháng 7. Lễ vật dâng lên như một lời cảm tạ các vị đã che chở, bảo hộ cho gia đình suốt thời gian qua; đồng thời cầu mong cuộc sống bình an và công việc kinh doanh thuận lợi. Vậy cúng Rằm tháng 7 ban Thần Tài gồm những gì?
Với lễ chay, gia chủ có thể chuẩn bị: hương, hoa tươi, bánh kẹo, trầu cau, trái cây, tiền vàng, gạo, muối, nước đồ uống.
Với lễ mặn, gia chủ có thể chuẩn bị: một bộ cỗ tam sên gồm 1 miếng thịt heo quay hoặc heo luộc, 1 con tôm luộc, 1 quả trứng gà luộc và một số đồ ăn tùy theo khẩu vị của gia đình.
Ngoài ra, gia chủ có thể chuẩn bị thêm một bộ vàng mã bao gồm quần áo, giày dép, các vật dụng cho hai vị Thần Tài và Thổ Địa cùng các thứ cúng cần thiết khác.
Cúng Rằm tháng 7 tại cơ quan
Mâm cúng Rằm tháng 7 tại cơ quan thường bày lễ tại bàn thờ, nếu không có bàn thờ, bạn có thể bày lễ trên bàn (mâm)… và cắm hương chung với lọ hoa hoặc cốc gạo.
- Mâm cơm cúng Phật: hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng (Nếu không có ban thờ Phật, thì khi bạch cúng lễ, sẽ hướng tâm tới Phật để cúng, mà không sắm lễ).
- Mâm cơm cúng chư Thiên, Thần linh: hương, hoa, trà, quả, thực: xôi chè hoặc bát cơm trắng, cốc nước chè.
- Mâm cúng cô hồn (chúng sinh): hương, hoa, trà, quả, thực: mâm cơm chay hoặc xôi, chè hoặc bát cơm trắng (nếu nơi thờ chỉ có bát hương Thần linh, thì sắm lễ để một bên bàn thờ để cúng).
Cúng Rằm tháng 7 tại mộ
Mâm cúng Rằm tháng 7 tại mộ được sắm thành 2 lễ gồm:
- Mâm cúng Rằm tháng 7 Thần linh: nến, hoa, quả, xôi, nước (số lượng tùy duyên).
- Mâm cúng Rằm tháng 7 gia tiên (cúng vong linh của người thân trong gia đình và thí thực cô hồn): nến, hoa, quả, xôi, nước, bánh kẹo, khoai, ngô… (số lượng tùy duyên).
Vàng mã cúng Rằm tháng 7 gồm những gì?
Theo quan niệm dân gian, người dân sẽ sắm vàng mã cúng Rằm tháng 7 để tỏ lòng thành kính của người còn sống đối với người đã khuất.
Tiền vàng cúng Rằm tháng 7 gia tiên
Vàng mã cúng gia tiên trong mâm cúng Rằm tháng 7 gồm:
- Giấy vàng mã.
- Xe, nhà, quần áo, giày dép, mũ nón, tiền âm phủ,…
- Hoặc những đồ người đã khuất lúc còn sống thích để gửi cho họ.
Tiền vàng cúng Rằm tháng 7 chúng sinh
Vàng mã cúng chúng sinh trong mâm cúng Rằm tháng 7 gồm:
- Tiền vàng: phải từ 15 lễ trở lên.
- Quần áo chúng sinh: cần chuẩn bị từ 20 - 50 bộ.
- Tiền chúng sinh: càng nhiều càng tốt.
Lưu ý khi cúng chúng sinh:
- Gia chủ không nên cúng đồ mặn, xôi cho chúng sinh, cô hồn
- Bày tiền vàng trên mâm theo 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc.
- Mỗi hướng từ 3 - 5 - 7 cây hương
- Bày lễ và cúng ở ngoài trời.
Rằm tháng 7 có nên đốt vàng mã không?
Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người chọn cách đốt nhiều vàng mã để tỏ lòng thành, cảm tạ đối với người đã khuất. Tuy nhiên, trong đạo lý nhà Phật không có việc hóa vàng mã cúng tế người mất. Do đó, bạn không cần quan trọng hình thức này mà nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh.
Thứ tự cúng Rằm tháng 7 chuẩn xác nhất
Rằm tháng 7 cũng là lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong hồn nên thứ tự cúng đầu tiên phải ở Chùa xong mới đến tại gia.
Nhà nào có bàn thờ Phật thì đặt mâm cúng lễ Phật lên bàn thờ Phật. Nhà nào không có bàn thờ Phật thì đặt mâm cúng lễ Phật ở vị trí cao nhất, gần bát hương nhất. Tiếp đến sẽ là mâm cúng thần linh, tổ tiên. Các mâm cúng phải được làm từ thực phẩm tươi sạch, bày biện đẹp mắt để tỏ lòng thành.
Với mâm cúng chúng sinh, gia chủ đặt ở ngoài sân hoặc trước cửa chính của ngôi nhà. Sau khi cúng xong, tuyệt đối không được mang đồ cúng cô hồn vào nhà.
Nhà nào có bàn thờ Phật thì đặt mâm cúng lễ Phật lên bàn thờ Phật. Nhà nào không có bàn thờ Phật thì đặt mâm cúng lễ Phật ở vị trí cao nhất, gần bát hương nhất. Tiếp đến sẽ là mâm cúng thần linh, tổ tiên. Các mâm cúng phải được làm từ thực phẩm tươi sạch, bày biện đẹp mắt để tỏ lòng thành.
Với mâm cúng chúng sinh, gia chủ đặt ở ngoài sân hoặc trước cửa chính của ngôi nhà. Sau khi cúng xong, tuyệt đối không được mang đồ cúng cô hồn vào nhà.
Hình ảnh mâm cỗ cúng Rằm tháng 7
Dưới đây là một số hình ảnh mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 đầy đủ và bày trí đẹp mắt.
Cúng Rằm tháng 7 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Trong ngày này nói riêng và các ngày khác trong năm, bạn nên hành thiện tích đức, làm tròn đạo hiếu với đấng sinh thành, những người có công ơn dưỡng dục.
Đừng quên cập nhật những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.