Giật cô hồn là gì? Ý nghĩa của phong tục giật cô hồn ngày Rằm tháng 7

(VOH) - Phong tục giật cô hồn là gì và có ý nghĩa như thế nào trong văn hóa truyền thống của người Việt? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau!

Theo truyền thống của người Việt, Rằm tháng 7 (15/7 âm lịch) không chỉ là đại lễ Vu Lan báo hiếu mà còn là ngày Xá tội vong nhân. Do đó, trong dịp này, nhiều gia đình tổ chức lễ cúng mời vong linh người thân về nhà, đồng thời cầu siêu, độ vong cho những cô hồn lang thang, không ai thờ tự. Cũng từ đây, phong tục giật cô hồn dần ra đời và trở thành nét đặc trưng trong văn hóa của người Việt. 

1. Giật cô hồn là gì?

Theo Đại đức Thích Nhật Thiện, ban trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM) cho biết, tục cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những Phật tử ở Trung Hoa sẽ gọi lễ cúng này là “Phóng diệm khẩu”, nghĩa là cúng để bố thí và cầu nguyện cho quỷ đói miệng lửa. Tuy nhiên, dân gian lại nói trại đi thành “cúng cô hồn” nghĩa là cúng cho những vong linh vật vờ, không nơi nương tựa, thang lang.

Giật cô hồn là hành động giật đồ cúng lễ của gia chủ sau khi hoàn tất buổi lễ cúng cô hồn vào Rằm tháng 7. Nhiều ý kiến cho rằng, giật cô hồn là phong tục độc đáo của người dân vùng Nam Bộ. 

Giật cô hồn là gì? Giật cô hồn có xui không? 1
Ngày trước, “giật cô hồn” thường là trò chơi của những đứa trẻ con trong xóm

Trước đây, giật cô hồn thường là trò chơi của trẻ con. Theo dân gian, cô hồn rất yêu trẻ con. Vì vậy, khi chứng kiến đám trẻ vui vẻ, hào hứng, cô hồn sẽ không phản ứng. Vì vậy, đám trẻ con thường đợi khi gia chủ cúng xong, nhang tàn sẽ nhào tới giành giật đồ ăn. 

Nếu mâm cúng bị trẻ con “giật” sạch được xem là điều may mắn vì gia chủ cho rằng đã làm hài lòng cô hồn. Ngoài ra, nhiều người cho rằng, trẻ con ăn đồ cúng sẽ luôn mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật. 

Tuy nhiên, theo thời gian, tục giật cô hồn dần “biến chất”, trở thành “miếng mồi béo bở” cho những kẻ hám lợi. 

Xem thêm: Tất tần tật những điều cần biết về lễ cúng Rằm tháng 7

2. Ý nghĩa phong tục giật cô hồn

Theo quan niệm dân gian, cúng cô hồn Rằm tháng 7 nhằm bố thí, giúp đỡ cho những vong linh không được thờ cúng, lang thang vất vưởng. 

Giật cô hồn là gì? Giật cô hồn có xui không? 2
Ý nghĩa phong tục giật cô hồn

Trên thực tế, phong tục này còn có ý nghĩa sâu sắc thấm đượm nhân văn. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhân dân ta xót thương, cảm thông cho những cô hồn không nơi nương tựa nên tiến hành lễ cúng để thí thực, giúp họ được thanh thản và cảm nhận tình thương của người trần. 

Một số người cho rằng, cúng cô hồn mang ý nghĩa “hối lộ” để họ không phá hoại việc làm ăn của người trần; còn tục giật cô hồn là giúp gia chủ lấy đi xui xẻo, không may. 

Xem thêm: Gợi ý mâm cúng Rằm tháng 7 đầy đủ và chi tiết nhất cho các lễ

3. Giật cô hồn có xui không?

Nhiều ý kiến cho rằng không nên giật cô hồn vì sẽ rước xui xẻo về mình. Tuy nhiên, đây là thông tin không có căn cứ. 

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, giật cô hồn là nét đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc ăn đồ sau khi giật cô hồn là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên cần cẩn thận để tránh chen lấn dẫn đến bị thương.

Xem thêm: Văn khấn Rằm tháng 7 cho thần linh, gia tiên, chúng sinh đầy đủ nhất

4. Lưu ý khi giật cô hồn

Tục giật cô hồn mục đích chính là cầu mong sự may mắn và bình an. Để có một nghi thức cúng trọn vẹn, người đi giật cô hồn cần kiêng kỵ việc giật đồ cúng khi gia chủ chưa làm lễ xong. Nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến gia chủ và bản thân vì thất lễ với vong linh. 

Bên cạnh đó, nếu người khác đã lấy được đồ thì không nên cướp và ngược lại, nếu đồ của mình mà bị người khác giật thì không nên kháng cự. Theo dân gian, việc này là do một con quỷ đói đang đòi lại đồ của mình, chúng ta không nên giành giật với nó. 

Giật cô hồn là gì? Giật cô hồn có xui không? 3
Những lưu ý khi giật cô hồn để tránh thất lễ với vong linh

Xem thêm: 'Tháng cô hồn' và tập tục cúng cô hồn tháng 7 âm lịch hằng năm

Rằm tháng 7 là dịp để nhắc nhở con người hướng tới những điều tốt đẹp, thể hiện sự nhân văn trong nét tính cách đặc trưng của người Việt. Tuy nhiên, cần có cái nhìn chính xác về phong tục giật cô hồn để tránh trường hợp kém văn minh từ những kẻ u mê, hám lợi. 

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)