Hướng dẫn cách sắm lễ và văn khấn Ban Công Đồng

VOH - Tứ phủ Công Đồng thờ các vị thần cai quản núi sông non nước gắn với từng vùng đất. Tham khảo bài viết sau để biết thêm về văn khấn Ban Công đồng, cách sắm lễ và hạ lễ đúng chuẩn.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Ban Công Đồng là nơi linh thiêng thờ phụng các vị thần linh thuộc hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ. Không chỉ là biểu tượng của sự tôn kính, nơi đây còn diễn ra các nghi lễ quan trọng, thể hiện lòng thành của con nhang, đệ tử và du khách thập phương khi đến dâng hương và cầu nguyện. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH tìm hiểu về cách sắm lễ và văn khấn Ban Công Đồng chi tiết. 

Ban công đồng thờ ai?

Tọa lạc ở chính điện hoặc cung đệ nhất, Ban Công Đồng được xem là trung tâm của ngôi đền. Các vị thần sẽ được đặt theo thứ tự nhất định, từ thần linh cao quý nhất đến các vị thần linh phụ trợ.

Tùy thuộc vào phong tục truyền thống của từng địa phương mà các đền thờ có thể lựa chọn thờ phụ một số hàng cụ thể hoặc lược bớt một số vị thần. 

Tam Phủ Công Đồng gồm ba phủ (Thượng Thiên - Thượng Ngàn - Thoải Phủ).

  • Hàng thứ nhất: Phía trên cùng là Quán Âm Bồ Tát (dân gian hay gọi là Phật Bà Quán Âm), hai bên có kim đồng ngọc nữ hầu cận.
  • Hàng thứ hai: là tam phủ ba vua (tam vị đức vua, ba vị vua cha...) gồm: Thiên Phủ Thần Vương (áo đỏ), Nhạc Phủ Thần Vương (áo xanh), Thoải phủ long vương (áo trắng) cùng hai vị quan hầu cận.
  • Hàng thứ ba: là tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên ( áo đỏ), Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn (áo xanh) Mẫu Đệ Tam Thoải Cung (áo trắng)
voh-van-khan-ban-cong-dong-2
Sơ đồ ban thờ Tam Phủ - Ảnh: Internet

Tứ Phủ Công Đồng

  • Hàng đầu tiên là sự thờ phụ của Phật, với đại diện là Quan Thế Âm Bồ Tát, đại diện cho Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
  • Hàng thứ hai là sự thờ phụ các vị vua cha, với Ngọc Hoàng Thượng Đế là đại diện chính, được hai bên bảo hộ bởi Quan Nam Tào và Bắc Đẩu.
    Có nhiều nơi thờ Tam Phủ ba Vua (ba vị Vua Cha) ứng với Tam Phủ Thiên, Địa, Thoải là Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiên Phủ), Diêm Vương (Địa Phủ), Bát Hải Long Vương (Thoải Phủ). Thông thường, trong tam vị Vua Cha thì Vua Cha Ngọc Hoàng và Vua Bát Hải là có ghi chú thích danh hiệu, còn vị Vua thứ ba thường để trống và không có chú thích gì. Vị này có thể coi là Địa Phủ Thần Vương (Diêm Vương) hay Nhạc Phủ Thần Vương (Nhạc Phủ) đều được.
  • Hàng thứ ba là sự thờ phụ của Tam Tòa Thánh Mẫu, bao gồm Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên (áo đỏ), Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn (áo xanh) và Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ (áo trắng).
  • Hàng thứ tư thể hiện sự tôn vinh Ngũ Vị Tôn Quan, đại diện cho năm dinh quan lớn, mỗi vị quan có vai trò quan trọng trong cai quản các miền và các phủ gồm: Quan Đệ Nhất (áo đỏ), Quan Đệ Nhị (áo xanh), Quan Đệ Tam (áo Trắng), Quan Đệ Tứ (áo vàng), Quan Đệ Ngũ (áo xanh da trời đậm).
  • Hàng thứ năm là sự thờ phụ của tứ phủ Chầu Bà, gồm các vị đại diện như Chầu Đệ Nhất (áo đỏ), Chầu Đệ Nhị (áo xanh), Chầu Đệ Tam (áo trắng), Chầu Đệ Tứ (áo vàng), và có thể bổ sung thêm Chầu Lục ( phía ngoài cùng bên phải), Chầu Bé (phía ngoài cùng bên trái).
  • Hàng thứ sáu là sự thờ phụ của tứ phủ Quan Hoàng, với các vị đại diện như Quan Hoàng Cả (áo đỏ), Hoàng Bơ (áo trắng), Hoàng Bảy (áo xanh lam đậm) và Hoàng Mười (áo vàng).
  • Cuối cùng, hàng thứ bảy thể hiện sự thờ phụ của tứ phủ thánh cô và thánh cậu, với các vị đại diện như Cô Bơ, Cô Tư, Cô Chín, Cô Bé Thượng Ngàn (phía bên trái) và Cậu Cả, Cậu Bơ, Cậu Tư, Cậu Bé (phía bên phải).
voh-van-khan-ban-cong-dong-1
Sơ đồ Ban thờ Tứ Phủ Công Đồng - Ảnh: Internet

Cách sắm lễ Ban Công Đồng

Theo phong tục cổ truyền, khi đến Đình, Đền, Miếu, Phủ, bạn nên sắm lễ vật, ít hay nhiều tùy thâm và quan trọng nhất là lòng thành. 

Mặc dù nơi đây thờ Thánh, Thần, Mẫu nhưng vẫn có thể sắm các lễ chay như hương, hoa quả, oản,… để dâng cúng.

Sau đây là cách sắm lễ tại đình, đền, miếu theo sách Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam do tác giả Nguyễn Bích Hằng tuyển chọn, Hòa thượng Thích Thanh Duệ - Nguyên Phó viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam thẩm định và hiệu đính. 

Lễ Chay: Gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản… dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát (nếu có).

Lễ chay cũng dùng để dâng ban Thánh Mẫu. Trong trường hợp này sắm thêm một số hàng mã để dâng cũng như: tiền, vàng, nón, hia…

Lễ Mặn: Gồm gà, lợn, giò, chả… được làm cẩn thận, nấu chín. Nếu có lễ này thì đặt bàn thờ Ngũ vị quan lớn tức là ban công đồng.

Lễ đồ sống: Gồm trứng, gạo, muối hoặc thịt mồi (một miếng thịt lợn khoảng vài lạng).

Đây là lễ dành riêng cho việc dâng cúng quan Ngũ Hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ.

Theo lễ thường thì gồm 5 quả trứng vịt sống đặt trong một đĩa muối, gạo, hai quả trứng gà sống đặt trong hai cốc nhỏ, một miếng thịt mồi được khía (không đứt rời) thành năm phần, để sống.

Kèm theo lễ này cũng có thêm tiền vàng.

Cỗ mặn sơn trang

Gồm những đồ đặc sản Việt Nam: cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả…

Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào lễ này.

Theo lệ thường, khi sắm lễ mặn sơn trang, người ta thường sắm theo con số 15: 15 con ốc, cua, 15 quả ớt, chanh hoặc có thể chỉ cần 1 quả nhưng được khía ra làm 15 phần… Con số 15 này tương ứng với 15 vị được thờ tại ban sơn trang:

  • 1 vị chúa
  • 2 vị hầu cận
  • 12 vị cô sơn trang

Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu:

Thường gồm oản, quả, hương hoa, hia, hài, nón, áo… (đồ hàng mã) gương, lược…, nghĩa là những đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ.

Những lễ vật này cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bao trong những túi nhỏ xinh xắn, đẹp mắt.

Lễ thần Thành Hoàng, Thư điền:

Thường dùng lễ mặn: chân giò lợn luộc, xôi, rượu, tiền, vàng…

voh-van-khan-ban-cong-dong-4
Ban Công Đồng - Ảnh: Internet

Hướng dẫn hạ lễ Ban Công Đồng

Lễ kết thúc, mọi người đợi hết một tuần nhang. Sau đó có thể thắp thêm một tuần nhang nữa. Thắp nhang xong, vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi hạ sớ đem ra hóa vàng. Cuối cùng mới hạ lễ dâng cúng khác.

Lưu ý, khi hạ lễ phải hạ từ ban ngoài cùng vào đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở bàn thờ Cô, thờ Cậu như gương, lược... thì để nguyên hoặc giả nơi đặt bàn thờ này có nơi để riêng thì nên gom vào đó mà không đem về.

Văn khấn Ban Công Đồng

Dưới đây là bài văn khấn lễ Ban Công Đồng mà bạn có thể tham khảo.

Bài khấn theo Sách "Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam"

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

- Con lạy chín phương trời, mười phương Chư phật, Chư phật mười phương

- Con lạy đức Vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế

- Con lạy Tam Toà Thánh Mẫu

- Con lạy Tam phủ Công Đồng, Tứ phủ Vạn linh

- Con lạy Tứ phủ Khâm sai

- Con lạy Chầu bà Thủ Mệnh

- Con lạy Tứ phủ Đức Thánh Hoàng

- Con lạy Tứ phủ Đức Thánh Cô

- Con lạy Tứ phủ Đức Thánh Cậu

- Con lạy cộng đồng các Giá, các Quan, mười tám cửa rừng, mười hai cửa

bể.

- Con lạy quan Chầu gia.

Hương tử con là:...............................................................................

Cùng đồng gia quyển đẳng, nam nữ tử tôn

Ngụ tại:.............................................................................................

Hôm nay là ngày….. tháng….. năm Tín chủ con về Đền…………… thành

tâm kính lễ, xin Chúa phù hộ độ trì cho gia đình chúng con sức khoẻ dồi dào,

phúc thọ khang ninh, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an,

vạn sự hanh thông, gặp nhiều may mắn.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Văn khấn Ban Công Đồng cho người ít đi lễ

Với các con nhang, đệ tử đi lễ không thường xuyên có thể đọc bài khấn sau.

Đối với các con nhang, đệ tử đi lễ không thường xuyên thì nên khấn ngắn gọn như sau:

Nam mô a di đà phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư phật mười phương, mười phương chư phật.

Con lạy toàn thể chư phật, chư tiên, chư thánh.

Con lạy:.............. (tên thánh chủ bản đền. Ví dụ, đến đền Cô Chín ta khấn:

Con lạy Cô Chín tối linh.

Đệ tử con tên là:............... tuổi:.............

Ngụ tại:.................................

Hôm nay là ngày ……. Tháng………năm Canh Tý, Chúng con đến đây có chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (chú ý dâng gì thì kêu đó - không có lễ mặn mà kêu lễ mặn là phải tội, nên nhớ không bày lễ mặn ở cung Phật) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ độ trì cho chúng con suốt thời gian qua.

Vừa qua, được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc (Nếu đã xin việc cụ thể mà thành công thì xin trình bày) của con đã hanh thông vẹn tròn.Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các Ngài.

Hôm nay, chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc sau: (Nêu cụ thể các việc cần xin, các khó khăn có thể gặp phải và có thể cả hướng định giải quyết ra sao).

Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài giang tay cứu giúp cho chúng con. Chúng con xin đa tạ............................ (tên vị thánh bản đền) và toàn thể các chư tiên, chư thánh.

Nam mô a di đà phật (3 lần).

Trên đây là cách sắm lễ và bài văn khấn Ban Công Đồng đầy đủ nhất. Qua đó, con người bày tỏ lòng thành kính, đồng thời cầu mong Thần Linh phù hộ cho bản thân cùng gia đình, cộng đồng được an khang thịnh vượng. 

*Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận