Cách phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả

(VOH) - Tại TPHCM, không chỉ số ca bệnh sốt xuất huyết tăng mà số ca bệnh nặng do sốt xuất huyết cũng tăng cao.

Sáng 2/8, UBND Quận 11, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận phối hợp với Fumakilla Việt Nam tổ chức lễ phát động chung tay phòng chống sốt xuất huyết năm 2022.

Tại TPHCM, không chỉ số ca bệnh sốt xuất huyết tăng mà số ca bệnh nặng do sốt xuất huyết cũng tăng cao. Đến nay, Sở Y tế Thành phố đã ghi nhận 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 13 ca so với năm 2021. Thực tế đó đòi hỏi các tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho mỗi gia đình, cộng đồng và từng khu dân cư, khu phố.

quan-11-day-manh-tuyen-truyen-phong-chong-sot-xuat-huyet-den-hoi-vien-phu-nu-voh.com.vn-anh1
Hội viên phụ nữ tham dự chuyên đề về phòng, chống sốt xuất huyết.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 11 đã phát động phong trào xuống các cơ sở Hội, hàng tuần ra quân tổng vệ sinh, đông thời tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ vệ sinh nhà ở, khu vực xung quanh nhà không để động nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11 chia sẻ: “Nhằm tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, nhất là nơi có đông lao động nhập cư, công nhân lao động thì hội tập trung tuyên truyền, phát tờ rơi, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, kêu gọi người dân tham gia hưởng ứng, diệt lăng quăng, không để phát sinh muỗi”.

Ông Nguyễn Thành Phước – Giám đốc Kinh doanh của Fumakilla Việt Nam cho biết: “Năm 2022 là chặng đường đánh dấu 10 năm chúng tôi có sự phối hợp rất là thành công với sứ mệnh tuyên truyền và cung cấp những kiến thức cần thiết để nhận biết, phòng ngừa và xử trí bệnh sốt xuất huyết cho người dân Việt Nam trên toàn quốc, với mục đích giảm thiểu số lượng nạn nhân mắc bệnh sốt xuất huyết cũng như là bệnh nhân tử vong”.

Tham gia chương trình, bà Trần Thị Hồng Vân, ngụ phường 14, Quận 11 cho biết: Qua các buổi phát động như thế, giúp chị em hội viên, đặc biệt là chị em công nhân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết: “Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, lây qua trung gian là muỗi. Ở gia đình tôi thì tất cả những cái vại, cái lu chứa nước được úp lại hết, những cái nào mà chúng tôi để chứa nước vì sợ kiến lên thì chúng tôi bỏ muối vô, nhà của chúng tôi lau dọn sạch sẽ”.

Còn chị Phạm Huỳnh Trang chia sẻ, hàng ngày những góc tối, khu vực treo quần áo chị đều xịt muỗi không cho chúng có chỗ trú, nhà cửa dọn dẹp thoáng đãng: “Tôi là người dân ở phường 3, quận 11. Tôi thấy hội thảo này rất có ý nghĩa. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Thường nhà tôi cũng trừ muỗi bằng cách là diệt lăng quăng, lu, chậu không chứa nước. Ngoài ra còn xịt muỗi, phát cây cối cho không có bụi rậm để cho muỗi không cư trú”.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Văn Nhân
Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Văn Nhân - Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM thông tin tại buổi tuyên truyền.

Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Văn Nhân, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM thông tin: Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn gây ra, có thể xảy ra quanh năm nhưng tăng cao vào đầu và cuối mùa mưa. Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh, có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong. Mỗi người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người mắc bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn gồm: Sốt, diễn biến và hồi phục, trong đó, triệu chứng gồm sốt cao, đột ngột, liên tục trên 2 ngày và xuất huyết. Bệnh chưa có thuốc đặc trị nên biện pháp phòng tránh bệnh duy nhất là phòng tránh muỗi đốt. “Chúng ta phải dọn dẹp tất cả những nơi ứ đọng nước trong gia đình của mình và các khu vực xung quanh nhà như: nơi chứa nước trong nhà bếp hay nhà tắm, trước sân, chậu cây cảnh hay tất cả những đồ phế thải xung quanh như nắp chai, cái lon, vỏ hộp, gáo dừa. Giả sử rằng nơi đó bắt buộc phải để có nước thì chúng ta phải bỏ vào đó những chất hay nắp đậy. Chúng ta có thể bỏ muối hay dầu ăn để bít đường hô hấp của lăng quăng. Hoặc là nơi nào có thể thả cá bảy màu được thì chúng ta thả cá bảy màu để diệt lăng quăng. Có thể diệt mũi trong gia đình bằng những bình xịt mũi cá nhân hay hương trừ muỗi chẳng hạn, dùng vợt đuổi muỗi. Chúng ta phải tránh muỗi đốt bằng cách thường xuyên mặc áo dài tay, quần dài và phải ngủ mùng”.

Cũng theo Bác sĩ Lê Văn Nhân việc chăm sóc về dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng, giúp người bệnh nhanh hồi phục: “Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi ở những nơi thoáng mát, cho uống đủ nước và khoáng chất và đặc biệt là phải dùng hạ sốt. Đối với hạ sốt thì chúng ta có thể dùng những biện pháp không dùng thuốc hoặc dùng thuốc. Không dùng thuốc như cho bệnh nhân uống nhiều nước, đầy đủ chất dinh dưỡng, ở nơi thoáng mát. Còn dùng thuốc thì tốt nhất là paracetamol. Còn về dinh dưỡng thì cho người bệnh ăn uống đầy đủ các chất, nên dùng thức ăn lỏng, dễ tiêu, hạn chế những chất kích thích, gia vị gây khó chịu cho người bệnh. Nên tránh loại có màu đỏ hay đen".

Cùng các tổ chức đoàn thể, những hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 11 và các Cơ sở hội đã và đang làm nhằm giúp cho cộng đồng chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, qua đó đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình ở những địa bàn có nguy cơ được kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, không để phát sinh dịch bệnh tại địa bàn dân cư.

Quận Phú Nhuận tăng cường hiểu biết để cộng đồng chung tay phòng sốt xuất huyết

Với phương châm áp dụng kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 để phòng chống sốt xuất huyết, trong đó, đặc biệt coi trọng việc phát hiện sớm, chủ động xử trí từ việc nâng cao hiểu biết của cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận Phú Nhuận đã triển khai đợt tuyên truyền cho hội viên phụ nữ vào chiều 2/8.

Với hình thức sinh động, nhiều kiến thức hữu ích trong phòng ngừa và xử trí bệnh sốt xuất huyết đã được chuyên gia sức khoẻ cộng đồng chuyển đến gần 500 hội viên hội Liên hiệp phụ nữ quận Phú Nhuận. Những sai lầm thường gặp trong phòng chống sốt xuất huyết như đối tượng dễ nhiễm bệnh, khả năng chuyển nặng, thời điểm dễ phát sinh muỗi gây bệnh hay xử trí với bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà như cách hạ sốt đúng, chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh, được bác sỹ giải thích rõ ràng, dễ hiểu. Từ đây, mỗi người sẽ biết cách để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tốt nhất, giảm áp lực cho ngành y tế khi mà sốt xuất huyết đang đạt đỉnh tại TPHCM và đã có 16 người tử vong.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Văn Nhân
Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Văn Nhân hướng dẫn và trình bày những nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Tại lễ phát động, bà Nguyễn Thị Triết, ngụ phường 3, Quận Phú Nhuận chia sẻ: “Sự chia sẻ của bác sĩ ngày hôm nay rất có ích cho cộng đồng, để cho người dân biết cách phòng ngừa. Mình phòng ngừa bằng cách diệt lăng quăng hoặc thả cá 7 màu. Với những hộ xung quanh, mình cũng phải vận động và tuyên truyền cho người dân nhận biết rằng bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên mình phải tuân thủ”.

Là người hướng dẫn và trình bày những nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Văn Nhân - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết: Thực tế khi bị sốt xuất huyết thì triệu chứng đầu tiên phải có đó là sốt cao đột ngột và kéo dài từ 2 đến 7 ngày, cho dù chúng ta uống thuốc hạ sốt và nếu giả sử sau vài ngày mà có những cái nốt xuất huyết ở trên da thì lúc này chúng ta có thể nghĩ sốt xuất huyết và nhanh chóng mang người bệnh đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

“Bởi vì nếu chúng ta chẩn đoán chậm thì có thể dẫn đến một số biến chứng nặng nề hơn và lúc đó cần phải cấp cứu. Tất nhiên là khi bị sốt xuất huyết thì không phải tất cả sẽ được nhập viện nội trú điều trị. Bởi vì lúc đó bác sĩ sẽ xem xét có một số trường hợp, ví dụ chỉ sốt và có một số nốt xuất huyết trên người thôi mà bé vẫn có thể tỉnh thì trong hợp này thầy thuốc có thể chẩn đoán và cho người nhà mang bệnh nhân về chăm sóc tại nhà”, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Văn Nhân cho biết thêm.

Việc cung cấp thông tin cho hội viên Hội Phụ nữ thể hiện quyết tâm của TPHCM là sử dụng biện pháp là tất cả nhân dân cùng chung tay phòng chống dịch, theo bà Nguyễn Thị Bích Quy – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3, Quận Phú Nhuận: Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã tuyên truyền cho hội viên phụ nữ trong 48 tổ hội phụ nữ thực hiện quét dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phun xịt muỗi. Nếu nhà có nước ứ đọng thì đổ ra. Hàng tuần, phường tham gia tuyên truyền tổng vệ sinh, dành 15 phút quét sân trước cửa hoặc trước hẻm để tham gia phòng chống dịch bệnh. Qua đó, cũng phát huy hiệu quả mặt mạnh của tổ hội phụ nữ là tuyên truyền cho các hộ hội viên nắm được những kiến thức mà những người dân nhiều lúc hay vứt rác bừa bãi làm ứ đọng muỗi hoặc những vật dụng tạo ra nhiều muỗi.

“Nếu như địa bàn phường xảy ra tình trạng các ca bệnh sốt xuất huyết thì tổ hội sẽ trực tiếp liên hệ với trạm y tế phường để xuống kiểm tra và đo thân nhiệt. Nếu trường hợp cần kiểm tra thì phải chuyển đi bệnh viện. Và qua đó,  cũng sẽ có lực lượng xuống phun khử xịt trong nhà hoặc trong hẻm trên địa bàn dân cư. Trước tiên, mình phải tập trung tuyên truyền cho cán bộ hội viên và nhân dân thực hiện, biết được và xử lý được những trường hợp là ca bệnh trên địa bàn phường và đẩy mạnh nội dung tuyên truyền tổng vệ sinh hằng tuần trên địa bàn phường mình”, bà Nguyễn Thị Bích Quy cho biết.