Chuyển đổi số: Con người giữ vai trò trung tâm

(VOH) - Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng.

TPHCM xác định tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, thành phố sẽ trở thành Đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xem là yếu tố “sống còn” cho một doanh nghiệp, trong quá trình hội nhập với xu thế tất yếu toàn cầu. Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.

chuyen-doi-so-con-nguoi-giu-vai-tro-trung-tam-voh.com.vn-anh1
Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở TPHCM. (Ảnh: hcmcpv)

Nhìn lại thời kỳ khó khăn hai năm vừa qua, theo ông Phan Thanh Huy Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ IoT Đại Việt, chính nhờ sự linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp mình, đã mang lại hiệu quả trong kinh doanh, giúp doanh nghiệp trụ vững đến ngày hôm nay: “Thứ nhất là tạo ra bộ sản phẩm có thể thu thập dữ liệu từ xa cũng có thể hướng dẫn người vận hành cho nhà máy về xử lý thực phẩm để có nguồn thực phẩm trong thời kỳ đó, cho công việc được trơn tru hơn, đó là một trong những giải pháp mình đã kiểm soát vận hành, hướng dẫn, chăm sóc khác hàng được tốt hơn từ xa”.

Còn ở góc nhìn từ doanh nghiệp cung cấp các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, ông Đỗ Trần Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Farmtech Vietnam phân tích, quá trình chuyển đổi số trong một doanh nghiệp nên bắt đầu từ dữ liệu: “Các doanh nghiệp số hóa được dữ liệu của họ là bước đầu tiên, sau đó là quy trình hóa được quy trình, nghiệp vụ của từng doanh nghiệp. Và dựa trên quy trình hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp đó, họ mới chọn ra được bộ giải pháp để chuyển đổi số. Quy trình của các phòng Marketing, phòng bán hàng như thế nào. Trong tâm thế thường là các bộ ISO hoặc là quy trình hoạt động nội bộ thì các quy trình đó họ sẽ chọn được gói chuyển đổi số phù hợp với doanh nghiệp của họ”.

Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tốt nghiệp mỗi năm còn khá khiêm tốn so với nhu cầu. Nguồn nhân lực có chất lượng, rất cần sự đồng hành và các chính sách khuyến khích từ nhà nước, sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, quan trọng hơn là sự chủ động linh hoạt từ các cơ sở đào tạo. Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho hay: “Đối với những chương trình không dính nhiều công nghệ thì một năm ít nhất thay đổi từ 10 đến 15% nội dung để cho phù hợp và lấy tiến bộ công nghệ đưa vào trong đó để bổ sung cho chương trình, gọi là cập nhật với sự phát triển. Đối với những ngành liên quan công nghệ thì chúng tôi bắt buộc 20% trở lên, đó là chương trình đào tạo, như vậy khoảng 5 năm là gần như là mới, tại vì phải cập nhật công nghệ, nếu không cập nhật chúng ta sẽ đi rất chậm”.

Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh Tế Số Việt Nam cũng chỉ ra một số vấn đề cốt lõi xung quanh thách thức của quá trình chuyển đổi số: “Định hình các nhóm mục tiêu thì hiện nay tập trung vào phát triển 3 trụ cột, một là phát triển chính phủ số, hai là kinh tế số, ba là xã hội số. Trong đó loại hình doanh nghiệp thì phát triển 4 loại hình, thứ nhất là các doanh nghiệp lớn chuyển sang hoạt động về công nghệ số, thứ hai là các doanh nghiệp về công nghệ thông tin tiên phong trong nghiên cứu và phát triển. Thứ ba là các doanh nghiệp khởi nghiệp, thứ tư là các doanh nghiệp ươm mầm. Phải chuẩn bị bốn cốt lõi này nên việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số cũng là một thách thức rất lớn”.

Bình luận