VOH vang mãi những khúc ca tự hào

(VOH) - Tiếp nối sứ mệnh lịch sử của Đài Phát thanh Giải phóng, 42 năm qua, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) đã kế thừa và phát triển nhiều thành quả, xây dựng Đài vươn lên cả về lượng lẫn về chất, xứng tầm là tiếng nói đại diện của nhân dân thành phố đi đầu của cả nước. 

Ngày 30/4/1975, sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn đã phát đi các thông báo của chính quyền cách mạng lâm thời về giao nộp vũ khí, ổn định nhân dân.

Trong chương trình phát thanh đặc biệt lúc 20h ngày lịch sử 30/4/1975, giọng đọc của các phát thanh viên thật hùng hồn, truyền cảm đã kịp thời thông báo cho cho cả thế giới và toàn quốc biết được kết cục của cuộc kháng chiến kéo dài hơn 30 năm đã chấm dứt. Sài Gòn thật sự được giải phóng.

Nghe nội dung bài viết

Trung tướng Phạm Xuân Thệ (thứ ba từ trái sang) tham quan phòng truyền thống của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Ảnh: K.Huân

Sáng ngày 01/5/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng – Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định được phát đi trên làn sóng AM 610KHz, khẳng định từ nay, tiếng nói của chính quyền cách mạng, của chiến thắng tự do, độc lập và thống nhất sẽ vang lên khắp cả năm châu bốn biển.

Nhớ lại buổi phát sóng đầu tiên trong ngày giải phóng ông Nguyễn Hữu Phước – một trong những phát thanh viên thế hệ đầu tiên kể: "Đoàn bắt đầu ở chiến khu ra để tham gia việc giải phóng vào ngày 28/4, mục đích làm sao phát thanh được tiếng nói càng sớm càng tốt ở Đài phát thanh Sài Gòn (nay là Đài TNND TPHCM) là nhiệm vụ của cả đoàn. Thứ nhất là chiếm lĩnh Đài phát thanh Sài Gòn, thứ hai phát sóng ngay càng sớm càng tốt để mọi người biết là ta đã giải phóng được Sài Gòn. Và khi bên ngoài người ta nghe các tin tức đó người ta thấy yên tâm".

Ngay trong ngày đầu tiếp quản, các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên Đài Phát thanh Giải phóng đã phải lăn lộn trong bom rơi, đạn lửa khẩn trương chuẩn bị nội dung cho chương trình thời sự đầu tiên. Nhà báo Nguyễn Hồng Thắng - nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: suốt 10 năm làm phóng viên ở trong rừng, khi đi viết bài luôn đem theo bên mình cây súng ngắn, nếu có đụng độ thì chiến đấu luôn.

Rồi sau ngày 30/4/1975, ông được phân công là người thực hiện biên tập chương trình phát thanh đầu tiên của bản tin phát vào sáng sớm ngày 01/5/1975 khi Sài Gòn vừa giải phóng một ngày. Ông xúc động nói: Những kỷ niệm đó, hình ảnh đó mãi không phai mờ qua năm tháng trong cuộc đời làm báo của ông. Đối với ông đó là những ngày gian khổ nhưng tất cả cán bộ nhân viên của Đài vượt mọi khó khăn làm việc với tinh thần lạc quan, tất cả vì làn sóng, vì truyền thống mà các thế hệ làm báo phát thanh đã tiếp nối.

"Buổi phát thanh đầu tiên do đội xung kích chúng tôi làm, phát chính thức vào ngày 1/5. Tất cả mọi người đều mừng vì đã ngưng tiếng súng, khí thế lúc đó sôi động lắm, cuộc đời mình chưa bao giờ từng có một ngày như thế. Dù gian nan cực khổ và thiếu thốn nhưng anh em ở Đài tiếp quản có vài ba chục người nhưng vẫn làm việc hăng say, phát thanh liên tục", ông Hồng Thắng cho biết.

Đã 42 năm trôi qua, chương trình phát trên Đài Phát thanh Giải phóng vẫn còn in đậm trong ký ức của bà Đoàn Thanh Thủy, kỹ thuật viên của Đài TNND TPHCM, suốt mấy chục năm gắn bó với Đài, với bà cũng như với những người làm kỹ thuật luôn tự nhắc nhở mình, dù bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào vẫn đảm bảo không mất sóng. Vì thế, sự kiện trưa ngày 30/4/1975 lịch sử đã được Đài thông tin nhanh nhất cho đồng bào cả nước vui mừng, cùng nhân dân tiến bộ thế giới biết về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà đã kết thúc toàn thắng.

Với tinh thần chủ động, thần tốc của Chiến dịch mùa Xuân 1975, đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài được sự giúp sức của anh chị em công nhân kỹ thuật của Đài cũ, đã làm việc suốt đêm 30/4, để đúng 6 giờ sáng hôm sau, ngày 01/5/1975, trong chương trình phát thanh đầu tiên của thành phố Sài Gòn giải phóng đã vang lên dõng dạc, gây phấn chấn cho hàng triệu người dân: “Đây là Đài phát thanh Giải phóng – tiếng nói của nhân dân Sài Gòn Gia Định phát thanh từ Sài Gòn” khẳng định chính quyền cách mạng và tiếng nói của nhân dân Sài Gòn Gia Định phát lên thay thế cho Đài Sài Gòn cũ.

Những ngày đầu thiết bị còn lại không bao nhiêu mà thời đó mình bị cấm vận, không mua được linh kiện, băng từ để thay thế cho các thiết bị. Phải nói là hồi đó làm rất cực nhưng anh em rất gắn bó, làm việc với tinh thần cao và có trách nhiệm cao. Thời gian đó Đài đã làm được rất nhiều việc và có những chương trình rất hay".

Ngay buổi phát sóng đầu tiên Đài đã được đồng bào, chiến sỹ miền Nam đón nhận với niềm xúc động sâu sắc và với niềm tin chiến thắng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông Đỗ Xuân Kỳ - nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập của VOH từ năm 1995 đến năm 2007, rất tự hào khi nói về những chiến công mà các chiến sỹ làm báo nói năm xưa mãi mãi được các thế hệ sau ghi nhớ và học tập. Họ chính là những con người sống mãi cùng lịch sử ngành phát thanh Việt Nam và lịch sử dân tộc: "Đài TNND TPHCM có tiếng nói đối với nhân dân Nam bộ rất đặc biệt, vì có truyền thống và hiếm lạ, từ trong chiến tranh người ta đã yêu mến và tìm đến yêu thương Đài. Cho tới Sài Gòn giải phóng và bây giờ là Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đối với đồng bào Nam bộ và TPHCM. Đài đặc biệt lắm thậm chí đối với cả ngành phát thanh và báo chí của đất nước mình".

Đánh giá về vai trò của VOH trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của TP, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: "Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) đã làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, tích cực đưa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, nhất là nông dân, ngư dân vùng sâu vùng xa. Đài phản ánh sinh động, phong phú các mặt hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội và đời sống người dân, thực sự là tiếng nói quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố. Từ tiếng nói của Đài, người dân cả nước đã hình dung được diện mạo một thành phố đang đổi mới, phát triển từng ngày".

Sau 42 năm giải phóng, Sài Gòn - Gia Định - TPHCM đã thay da đổi thịt, đi lên cùng cả nước. Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài TNND TPHCM khẳng định VOH luôn phấn đấu làm mới mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: "Dấu ấn của một tờ báo nói tại TPHCM là chuyển tải một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời, các đường lối chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật của nhà nước, của trung ương cũng như của TPHCM. Và không dừng lại ở đây, với trào lưu phát triển của báo chí nói chung và của phát thanh hiện đại thì Đài phải có những cải tiến, cơ cấu để làm sao phát huy tốt nhất năng lực, trình độ, trang thiết bị, cơ cấu kỹ thuật của Đài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển mới".

Kỷ niệm ngày phát sóng đầu tiên của Đài TNND TPHCM, thế hệ cán bộ, nhân viên của Đài hôm nay chung một cảm xúc vinh dự và tự hào về sự ra đời và trưởng thành của Đài Phát thanh Giải phóng - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH). Đây là dịp để thế hệ hôm nay nhắc nhở nhau cùng phát huy truyền thống, phấn đấu rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với những thành quả to lớn được đánh đổi bằng công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đi trước.