Đối với các sinh viên mong muốn được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến mà không có điều kiện đi du học thì lựa chọn học chương trình đào tạo liên kết quốc tế là phù hợp. Tuy nhiên, trước khi chọn học các liên kết quốc tế, sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ.
Chương trình đào tạo liên kết quốc tế là gì?
Chương trình đào tạo liên kết quốc tế là chương trình hợp tác đào tạo giữa trường đại học trong nước và các trường uy tín trên thế giới.
Chương trình liên kết quốc tế có nhiều hình thức đào tạo khác nhau, phổ biến nhất hiện nay là chương trình du học chuyển tiếp. Theo đó, một phần chương trình học sẽ được đào tạo trong nước, một phần sẽ học tại nước ngoài và sau đó sinh viên sẽ được nhận bằng của trường đại học liên kết.
Chẳng hạn, chương trình 2+2 (học 2 năm tại Việt Nam và 2 năm tại trường đại học liên kết ở nước ngoài); chương trình 3+1 (học 3 năm ở Việt Nam và 1 năm ở nước ngoài); chương trình 4+0 (chương trình đào tạo với 2 giai đoạn nhưng được học hoàn toàn tại Việt Nam trong suốt khóa học)…
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng tốt nghiệp của trường đại học nước ngoài - giống như sinh viên học toàn thời gian tại nước ngoài (không có phân biệt trong bằng tốt nghiệp giữa sinh viên học toàn thời gian hay chỉ học giai đoạn ngắn tại nước ngoài).
Lợi thế của các chương trình đào tạo liên kết quốc tế
Ngành học đa dạng
Hiện nay, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế vô cùng đa dạng về ngành đào tạo. Do đây là các chương trình chuẩn quốc tế, nên các ngành đào tạo cũng thuộc danh sách các ngành “hot” hiện nay.
Chẳng hạn, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đào tạo các ngành liên kết quốc tế như Kỹ thuật Điện – Điện tử; Kỹ thuật Cơ Điện tử; Kỹ thuật Hóa học; Kỹ thuật Hóa Dược; Kỹ thuật Môi trường...
Trong khi đó, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) đào tạo các ngành liên kết như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ sinh học, Quản trị Kinh doanh…
Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đào tạo các ngành liên kết như Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Trí tuệ nhân tạo, Quản lý Cảng và Logistics…
Chương trình liên kết đào tạo quốc tế của trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo các ngành như Quản trị nhà hàng khách sạn, Quản trị kinh doanh quốc tế, Khoa học máy tính & công nghệ tin học, Tài chính và kiểm soát…
Điểm chuẩn thấp hơn so với các chương trình đại trà
Hầu hết các chương trình đào tạo liên kết quốc tế có đầu vào xét tuyển gọn nhẹ hơn và không gây áp lực cho các em học sinh khi chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học. Ngoài ra, điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào các ngành cũng thấp hơn so với các chương trình đại trà.
Chẳng hạn, với trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), các ngành đào tạo liên kết quốc tế có mức điểm chuẩn từ khoảng 16 – 18 điểm, đều thấp hơn điểm chuẩn các ngành tương tự do trường cấp bằng.
Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM tuyển sinh các chương trình liên kết theo hình thức xét học bạ. Theo đó, điều kiện xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT, điểm trung bình lớp 12 trên 6,5 hoặc điểm tổ hợp 3 môn (5 học kỳ: kỳ 1, 2 lớp 10, kỳ 1,2 lớp 11. Kỳ 1 lớp 12) trên 19,5... Yêu cầu trình độ tiếng Anh IELTS 5.5, nếu chưa đạt trình độ Tiếng Anh – sinh viên sẽ học chương trình dự bị Tiếng Anh trước khi vào học chuyên ngành.
Theo thống kê tại Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế (IEC) (thuộc trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM), khoảng 60 - 70% sinh viên nhập học chương trình Liên kết quốc tế chưa đạt IELTS 5.5. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian 3 – 6 tháng hoặc tối đa 1 năm học chương trình tăng cường tiếng Anh, có đến 95% sinh viên đạt mục tiêu IELTS dù nhiều bạn có năng lực tiếng Anh đầu vào khá thấp.
Cơ hội nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng sống
Trong chương trình liên kết quốc tế, sinh viên sẽ học cùng giảng viên quốc tế, chương trình giảng dạy và học liệu bằng tiếng Anh. Ngoài ra, sinh viên có thể được học thêm các ngoại ngữ khác tùy theo chương trình của trường liên kết.
Đặc biệt, trong chương trình, thay vào các môn học đại cương sẽ là các môn học phát triển kỹ năng xã hội như: hội họa, âm nhạc... Bên cạnh đó, môi trường học tập sẽ có những bạn đến từ nước khác nên sinh viên sẽ trở nên năng động hơn. Điều này là nhờ vào các hoạt động phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng cá nhân.
Cơ hội việc làm cao
Do sinh viên học chương trình liên kết, bằng cấp có giá trị quốc tế, nên cơ hội việc làm trong và ngoài nước rất cao. Đây là điều mà các phụ huynh và sinh viên quan tâm.
Đối với sinh viên của các chương trình liên kết quốc tế, sau khi ra trường, với tấm bằng tốt nghiệp do đại học nước ngoài cấp và chứng chỉ tiếng Anh hơn IELTS 6.0 cùng sự tự tin và những kỹ năng mềm đã được trang bị, họ có những cơ hội việc làm tại các công ty nước ngoài và các tập đoàn trong nước, quốc tế.
Theo thống kê của IEC, đối với chương trình liên kết quốc tế ngành Logistics, khoảng 90% sinh viên đang công tác tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu, vận tải trong và ngoài nước. 10% sinh viên còn lại hoạt động trong những lĩnh vực khác với chuyên ngành mình được đào tạo nhưng vẫn đáp ứng tốt những yêu cầu công việc đề ra…
Những điều cần cân nhắc khi chọn học các chương trình đào tạo liên kết
Cân nhắc mức học phí
Đây là điều mà các phụ huynh cần đặc biệt cân nhắc trước khi cho con theo học các ngành này.
Học phí của chương trình không quá cao so với các chi phí đi du học tại các nước phát triển. Theo tính toán, việc học chương trình liên kết quốc tế sẽ tiết kiệm chi phí lên đến 40-60% so với du học toàn phần.
Tuy nhiên, so với các chương trình đại trà, học phí chương trình liên kết sẽ cao hơn nhiều. Nhất là, trong giai đoạn học chuyển tiếp tại nước ngoài - học phí và chi phí khác sẽ tăng. Do đó, trước khi chọn học các ngành liên kết, sinh viên và phụ huynh cần cân đối nguồn tài chính trong từng giai đoạn để có thể theo học được các ngành này.
Hiện, học phí chương trình liên kết quốc tế của trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM hiện nay khoảng từ 59 triệu đồng/năm (Học phí 2 năm đầu tại Việt Nam); từ 76 triệu đồng/năm (2 năm cuối tại Hàn Quốc). Trong khi đó, đối với chương trình liên kết quốc tế của trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), học phí 2 năm đầu tại Việt Nam khoảng 63 – 67 triệu đồng/năm. Các năm tiếp theo học phí tùy thuộc theo mức học phí của các trường đại học liên kết…
Dù vậy, với các sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng có năng lực học tập tốt hoàn toàn có thể nghĩ tới việc theo học các ngành liên kết bởi với kết quả học tập cao, sinh viên có thể được trao học bổng toàn phần để học "đến nơi đến chốn".
Lấy ví dụ như tại trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, sinh viên học ngành liên kết quốc tế có thể được trao mức học bổng 30 - 100% học phí, không giới hạn số lượng. Nếu học sinh nỗ lực hết sức, học phí của các chương trình liên kết quốc tế sẽ không phải là gánh nặng quá lớn đối với gia đình.
Cân nhắc tìm hiểu về trường đại học liên kết
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm 2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam. Nếu phân loại theo quốc gia, nước Anh đang dẫn đầu về số lượng chương trình liên kết với các trường của Việt Nam (101 chương trình); tiếp sau là Mỹ 59 chương trình; Pháp 53 chương trình; Úc 37 chương trình và Hàn Quốc 27 chương trình.
Nếu phân loại theo nhóm ngành đào tạo thì ngành Kinh tế và Quản lý vẫn chiếm đa số với 64%. Nhóm ngành Khoa học và Công nghệ chiếm 25%; nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn chiếm 8% và các ngành khác chỉ chiếm 3%.
Đáng chú ý, trong gần 180 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài liên kết với 86 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, không có nhiều cơ sở xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới.
Có tới 62,7% cơ sở giáo dục đại học đối tác không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo bảng xếp hạng của QS World University Ranking và Times Higher Education năm 2021), 6,2% cơ sở xếp hạng 1.000+.
Chỉ có 9% số cơ sở xếp hạng 501-1.000; 9% số cơ sở xếp hạng 301-500; 9,6% số cơ sở xếp hạng trong 100-299; có 6 cơ sở được xếp hạng trong top 100 thế giới tại bảng xếp hạng của QS Ranking năm 2021.
Do đó, với các thí sinh đang có định hướng và mong muốn theo học bậc đại học chương trình liên kết quốc tế, ngoài việc cân nhắc về học phí thì cần lưu ý tìm hiểu kỹ xem chương trình đã được cấp phép vận hành chưa, độ uy tín của trường đào tạo và trường nước ngoài liên kết đào tạo, cũng như chất lượng đầu ra và cơ hội việc làm của các ngành mà mình mong muốn theo học.