90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam Quang vinh ra đời

(VOH) - Cách đây tròn 90 năm, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra tại Hồng Công.

Trong những năm đầu thế kỷ 20, dưới tác động của chính sách cai trị và chính sách kinh tế, văn hoá, giáo dục thực dân, xã hội Việt Nam đã diễn ra quá trình phân hoá sâu sắc. Giai cấp địa chủ cấu kết với thực dân Pháp tăng cường bóc lột, áp bức nông dân. Trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, xuất hiện hai mâu thuẫn cơ bản đó là giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, và mâu thuẫn vừa cơ bản vừa chủ yếu đó là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược.

Xã hội Việt Nam vào thời điểm đầu thế kỷ 20 là xã hội thuộc địa nửa phong kiến đặt ra hai yêu cầu: Đó là, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; và xoá bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân, giành ruộng đất cho nông dân. Tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta, nhiều phong trào yêu nước chống pháp từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nổ ra nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại.

Ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đi qua nhiều nước trên thế giới và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Năm 1917, Người trở lại nước Pháp, đến Paris và năm 1919 gia nhập Đảng Xã hội Pháp.

Nguyễn Tất Thành

Nguyễn Tất Thành tại Hội nghị Versailles, Pháp

Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi. Nguyễn Ái Quốc đã rút ra một kết luận rằng: cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trên toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

Sau cách mạng tháng 10 Nga, Quốc tế Cộng sản được thành lập với nhiệm vụ giải phóng dân tộc các quốc gia bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới với giai cấp vô sản là nòng cốt. Ngày 27/10/1929 Quốc tế Cộng sản gửi thư cho những người Cộng sản tại Đông Dương về việc thành lập một Đảng Cộng sản tại Đông Dương: "Việc thiếu 1 Đảng Cộng sản duy nhất trong lúc phong trào công nhân và nông dân ngày càng phát triển, đã trở thành một điều nguy hiểm vô cùng cho tương lai trước mắt cuộc cách mạng ở Đông Dương". Và Quốc tế Cộng sản nhấn mạnh: "Nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả những người Cộng sản Đông Dương là thành lập một Đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương".

Đứng trước các nhu cầu cấp bách phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất của giai cấp công nhân, căn cứ vào Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản trong nội dung thư gửi các nhóm cộng sản ở Đông Dương. Đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ, từ ngày 3 -7/2/1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản đã họp tại căn nhà của một công nhân ở bán đảo Cửu Long (Hồng Công) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản.

Hội nghị đã nhất trí tán thành hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một chính đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, và Điều lệ vắn tắt của Đảng (do Nguyễn Ái Quốc soạn) và của các tổ chức Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phản đế Đồng minh, Hội Cứu tế.

Ngày 24/2/1930, Đông Dương cộng sản liên đoàn cũng chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời chính thức chấp thuận đề nghị. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập từ 3 tổ chức Đảng: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Các đại biểu  dự hội nghị

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3/2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị được xây dựng ngay từ khi được thành lập. Trong đó xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết tốt nhất tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra đầu thế kỷ XX, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Đây cũng là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển, con đường cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua.

TPHCM họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng và trao tặng huy hiệu Đảng - (VOH) -  Tại buổi lễ, đã trao Huy hiệu kỷ niệm cho 102 đảng viên có 75 năm, 70 năm và 65 năm tuổi Đảng.

Bình luận