Người cán bộ hội và đôi chân không mỏi

(VOH) - Bà Thái Thị Thu Em là người phụ nữ bình dị mà gan góc, không nề hà bất cứ việc nặng, việc khó nào nếu mang lại điều tốt cho mọi hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Suốt 11 năm giữ trọng trách Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, bà Thái Thị Thu Em, 65 tuổi đã đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay, từng bước “thay áo” cho phong trào phụ nữ địa phương ngày càng khởi sắc. Từ đó, lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp phụ nữ về lối sống đẹp, việc làm ý nghĩa, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Là một nhà giáo về hưu, năm 2011, bà Thu Em chính thức bén duyên với Hội. Lúc bấy giờ, khu phố 1, phường Bình Trị Đông tập trung đông lao động nhập cư, chị em đa phần là nội trợ, buôn bán nhỏ hoặc làm công nhân, đầu tắt mặt tối lo cơm áo, không mấy ai mặn mà phong trào địa phương.

Vào các ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà mạnh dạn tổ chức cho cán bộ, hội viên khu phố đi du lịch, về nguồn, tìm hiểu các di tích lịch sử hoặc thực hiện hoạt động an sinh xã hội nhằm kết nối chị em gắn bó với tổ chức Hội.

Bà Thái Thị Thu Em chia sẻ về cơ duyên đến với Hội: “Vào Hội tự nhiên mình say với công việc Hội. Ngoài công việc gia đình thì công việc Hội chiếm khá nhiều thời gian nhưng khi tham gia rồi, mình góp phần giải quyết một số việc có ích cho chị em phụ nữ, dù chỉ 1 người, 2 người thì mình cũng cảm thấy vui và niềm vui đó là động lực giúp mình tiếp tục làm nữa.

Chị em hội biết, tìm tới mình khi họ khó khăn. Họ cần giải bày thì mình lắng nghe, tùy theo khả năng có thể mình giải quyết được hoặc giới thiệu một vài cơ quan chức năng giải quyết để họ an tâm trong cuộc sống gia đình”.

Người cán bộ hội và đôi chân không mỏi 1
Bà Thái Thị Thu Em.

Song song đó, ngay trong năm 2011, bà đã tiến hành rà soát rồi đề xuất Hội cấp trên cho 30 hội viên phụ nữ vay 5.000.000 -10.000.000 đồng/chị làm kinh tế nhỏ.

Đến nay, qua 10 năm, đã có gần 100 lượt hội viên được bà giới thiệu vay trung bình 5.000.000 đến 50.000.000 đồng/chị/lượt với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng từ các nguồn của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, Quỹ trợ vốn xã viên Hợp tác xã (CCM), Quỹ tín dụng nhân dân An Lạc...

Nhiều gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ những đồng vốn này. Chẳng hạn, chị Vũ Thị Hậu, ngụ Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, được hỗ trợ vay vốn mở tiệm uốn tóc. Có vốn đầu tư, cộng với tính cần cù, việc làm ăn của chị ngày càng thuận lợi: “Chị Thu Em tốt lắm, ở đây bà con có khó khăn hay cần vốn làm ăn là chị Thu Em giúp liền.

Sau khi tôi được chị Thu Em giúp tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách để đầu tư đồ dùng, máy móc cho tiệm đến nay làm cũng ổn định. Hiện nay mỗi tháng đóng hơn 600.000 đồng tiền lãi và đóng tiết kiệm là 2 triệu đồng. Bên Hội cũng hỗ trợ mình có vốn làm ăn để phát triển kinh tế. Khi mình ốm đau, bệnh tật thì cũng được thăm hỏi. Dịch bệnh khó khăn cũng được quan tâm”.

Ở khu phố, vợ chồng chị Huỳnh Thị Bạch Yến, 52 tuổi, hoàn cảnh ngặt nghèo. Chị Yến se nhang thuê, chồng chạy xe ôm, con trai đi bốc vác, tuy vất vả, nhưng gia đình nương tựa nhau sống đầm ấm. Bỗng một ngày, chiếc xe “cần câu cơm” mà anh Bùi Văn Hùng, chồng chị Yến, chạy đón khách bị kẻ gian lấy mất.

Đồng lương se nhang bữa có bữa không của chị Yến chẳng đủ trang trải chợ búa và thuốc men cho mẹ già đã hơn 80 tuổi. Cả nhà hoang mang, không khí nặng nề bao trùm.

Hay chuyện, bà Thu Em tìm đến thăm, nhìn quanh quất căn nhà chưa tròn 20m2, 7 người ở (gia đình em gái chị Yến cũng sống tại đây) chẳng có đồ vật gì giá trị.

Ngay lập tức, bà vận động các 3 tổ trưởng phụ nữ, đồng thời viết đơn đề nghị Hội LHPN phường Bình Trị Đông giúp thêm kinh phí mua xe máy tặng anh Hùng.

Bà Thu Em tâm tình, ở chi hội, mọi người vẫn thường nói với nhau, giúp “cần câu” thiết thực hơn cho "con cá". Chính vì vậy, ngoài đề xuất Hội cấp trên tiếp sức cho các trường hợp đặc biệt khó khăn, Chi hội cũng thành lập Quỹ tương trợ, mỗi thành viên đóng vài trăm ngàn, gom lại cho chị em vay không lãi để kịp thời trang trải khi rơi vào tình huống ngặt nghèo, người trước, cứ “góp gió thành bão”, nguồn quỹ này ngày càng tăng: “Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, chúng tôi hỗ trợ để giúp đỡ họ có việc làm. Ví dụ việc làm tại nhà. Đặc biệt, khu phố 1 là một địa bàn có nhiều cơ sở gia công may mặc, từ đó hội viên phụ nữ họ giới thiệu với nhau, giúp nhau nhận hàng về may gia công tại nhà, vừa giải quyết được thu nhập vừa chăm lo được con cái”.

Cuối năm 2015, bà Thu Em thành lập Nhóm tự quản cộng đồng khu phố 1 với 20 thành viên. Mọi người tập hợp lại để chia sẻ với nhau kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, cách làm ăn, rèn các kỹ năng tự vệ, chống trộm, cướp... Đây cũng là nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật hiệu quả tại khu phố.

Mỗi khi quận, phường có đợt tập huấn các chuyên đề trên, dù đêm hay ngày, bà đều đi dự, sau đó in tài liệu, mượn màn hình, máy chiếu về phổ biến lại cho cả nhóm.

Với tinh thần ham học hỏi và luôn trong tâm thế tương trợ mọi người, nhóm tự quản cộng đồng đã giúp hóa giải mâu thuẫn giữa nhiều cặp vợ chồng, khuyến khích họ cùng vun vén mái ấm hạnh phúc.

Bà Phạm Thị Bền, Tổ trưởng Phụ nữ tổ 12, khu phố 1, thổ lộ, chị Thu Em đã thổi một luồng gió mới vào phong trào phụ nữ khu phố. Các buổi sinh hoạt Hội luôn tràn ngập tiếng cười và những tranh luận sôi nổi về kinh tế, hôn nhân, cách nuôi dạy con. Trong mùa dịch chị đã đi vận động các chị em, mạnh thường quân chăm lo cho chị em nữ công nhân trong các khu nhà trọ: “Chị Thu Em đã giúp chị em đoàn kết. Chị nhiệt tình, giúp đỡ những chị em làm ăn, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Những chị em khó khăn thì chị giúp đỡ cho vay vốn, tiếp cận vay vốn ngân hàng, quỹ”.

Hiện tại, bà Thu Em nhận thỉnh giảng 2 buổi/ tuần tại Trường Cao đẳng Sài Gòn Gia Định, nhưng vẫn không ngơi nghỉ việc Hội. Cuốn sổ tay của bà chi chít chữ, mỗi trang là một câu chuyện về hành trình tiếp sức phụ nữ nghèo.

Có lẽ, chính bởi cái tình bà trao mà nhiều chị ban đầu không phải hội viên, về sau đã tình nguyện đăng kí vào Hội và còn rủ thêm người thân tham gia, giúp nâng số hội viên toàn khu phố từ mấy chục người lên 292.

Chị Mai Thị Bạch Lan - Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường Bình Trị Đông cho biết: “Chị Thu Em làm công tác có tâm lắm, tuy lớn tuổi nhưng chị vẫn tham gia tất cả các hoạt động, từ phường cho đến quận. Trong mùa dịch, chị cũng giữ cho tất cả chị em mình được an toàn. Ngoài hỗ trợ mua dịch ra chị cũng có nhiều công tác hỗ trợ cho các hội viên trong khu phố được tiếp cận vay vốn để buôn bán cải thiện cuộc sống từ nguồn quỹ CCM, chị phát vốn cho tất cả hội viên vay để không ai phải ra ngoài vay lời nặng lãi”.

Bà Thái Thị Thu Em là người phụ nữ bình dị mà gan góc, không nề hà bất cứ việc nặng, việc khó nào nếu mang lại điều tốt cho mọi hội viên phụ nữ trên địa bàn. Hành động của bà đã góp phần lan tỏa những lối sống đẹp, việc làm ý nghĩa, giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ ngày càng nhận thức sâu sắc hơn giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ, nhiều năm liền, bà Thu Em đều được nhận giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ và hoạt động hội.