Người dân châu Á ăn món gì trong ngày Tết Nguyên đán

(VOH) - Vào dịp Tết Nguyên đán, nếu như Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, dưa hành, thịt kho… thì tại các quốc gia châu Á khác, họ cũng có những món ăn đặc trưng chào đón năm mới.

Mỗi vùng miền của Việt Nam lại có những món ăn mang nét đặc trưng riêng trong dịp Tết Nguyên đán. Nếu như miền Bắc không thể thiếu dưa hành, giò lụa, nem rán thì miền Trung lại có dưa món, tôm chua, chả bò… Miền Nam không thể thiếu bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua, lạp xưởng…

Xem thêm: Ý nghĩa mâm ngũ quả và từng loại quả chưng Tết trong văn hóa 3 miền Bắc, Trung, Nam

Với các quốc gia châu Á cùng đón Tết Nguyên đán, họ cũng có những món ăn đặc trưng trong dịp Tết để cầu mong cho một năm mới bình an và may mắn.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Trung Quốc

Tết Nguyên đán hay còn gọi là lễ hội mùa xuân là ngày lễ lớn nhất trong năm không chỉ đối với người Trung Quốc. Biểu tượng cho sự may mắn của những món ăn truyền thống trong năm mới của Trung Quốc dựa trên cách phát âm tên gọi hoặc hình dáng.

món ăn truyền thống, tết nguyên đán
Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Trung Quốc

* Bánh nếp ngọt (nian gao) được làm từ bột gạo nếp, có thể ngọt hoặc mặn tùy theo vùng. “Nian” nghĩa “năm”, là từ đồng âm của từ “黏 Nián – dính”. “Gao” có nghĩa là “cao hơn”, vì vậy có thể ngầm hiểu rằng “nian gao” là hi vọng năm mới thành công cao hơn. Bánh thường được gói trong giấy bạc và ăn vào đêm giao thừa.

* Cá nguyên con là một trong những món ăn biểu tượng quan trọng nhất cho Tết Nguyên đán của Trung Quốc. Cá cũng là món ăn được yêu thích bởi nhiều gia đình Trung Quốc với nhiều cách chế biến khác nhau. 鱼 yú -cá có cách phát âm giống với 余 yú-nhiều, dư dả. Vì thế người Trung tin rằng ăn cá nhiều thì năm mới sẽ dư dả, nhiều tiền hơn.

* Gà nguyên con thể hiện tình đoàn kết và hình ảnh gà nguyên ngon là một biểu hiện trực quan khác của sự thống nhất đó.

* Sủi cảo (Jiaozi) có hình dạng giống thỏi vàng và bạc được dùng làm tiền trong thời cổ đại. Vì thế nó cũng là biểu trưng cho sự thịnh vượng. Ăn sủi cảo với hi vọng nhiều tiền bạc trong năm mới.

* Bánh trôi tàu (汤圆 Tangyuan) có hình tròn với ý nghĩa đoàn tụ, vẹn tròn. 汤圆 cũng có phát âm gần giống với “团圆” (tuányuán-đoàn tụ). Người dân Trung Quốc ăn “tangyuan” cùng bạn bè và người thân trong ngày đoàn tụ, mong muốn gắn kết tình thân.

Bên cạnh đó, chiếc bánh trôi tàu là hình tròn, giống như đồng tiền, vì vậy nó mong muốn khi ăn sẽ có nhiều tiền hơn.

* Nấm đông cô om với cải ngọt (một loại cải của Trung Quốc) là một món về rau mà một số gia đình Trung Quốc truyền thống ăn trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp đặc biệt khác, đặc biệt là các gia đình Thượng Hải.

* Quýt và cam: 桔 (jú, quýt) có phát âm gần giống với “吉” (jí, may mắn), vì thế người ta tin rằng ăn quýt ngày tết sẽ đem lại nhiều may mắn. Dịp tết, quýt là món ăn tráng miệng thường có trên bàn ăn hoặc là cũng là món quà được đem đi biếu dịp tết.

* Mì trường thọ thường có trong mâm cơm ngày tết của người dân ở miền nam Trung Quốc. Sợi mì dài và mỏng kết hợp với nước dùng hoặc với nước sốt. Món ăn có ý nghĩa mong muốn sống lâu trăm tuổi.

* Kẹo cùng các đồ ăn ngọt (như trái cây khô), đều rất phổ biến trong dịp Tết Nguyên Đán vì nó tượng trưng cho một cuộc sống ngọt ngào, viên mãn.

* Táo tàu cũng là một món ăn nhẹ truyền thống trong Tết Nguyên Đán. Vì nó có màu đỏ, và màu đỏ là màu của sự thịnh vượng và hạnh phúc. Bạn có thể bắt gặp màu đỏ khắp ngày tết trong đồ trang trí và thậm chí cả đồ ăn cũng mang màu đỏ.

* Chả giò là món ăn khoái khẩu trong dịp tết của người Trung. Cũng rất giống với món nem của người Việt - món ăn này có ý nghĩa mong sự giàu có với gia chủ. Một câu nói may mắn liên quan đến món ăn này đó là 黄金万两, nghĩa là một tấn vàng, gợi ý rằng những chiếc nem giống với những thỏi vàng.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Singapore

Vào dịp Tết Nguyên đán, mâm cỗ của người dân Singapore tập hợp rất nhiều món ăn truyền thống (trong đó có nhiều món giống Trung Quốc), giàu ý nghĩa dành cho gia đình như Gỏi Yu Sheng, bánh Nian Gao, mì trường thọ...

món ăn truyền thống, tết nguyên đán
Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Singapore

* Gỏi Yu Sheng là món ăn mà người Singapore ăn trong năm mới với niềm tin sẽ được may mắn, tốt lành. Đây là món gỏi làm từ 27 nguyên liệu như cá hồi, các loại rau, củ, nhiều loại nước sốt và gia vị.

* Bánh tổ Nian Gao được bày bán quanh năm nhưng mỗi khi Tết đến, lượng tiêu thụ thường tăng vọt. Người dân Singapore đặc biệt thích thưởng thức bánh này trong những ngày đầu năm mới với niềm tin sẽ mang đến sự ngọt ngào, gắn kết phát triển cho nhau.

* Lẩu bao gồm một nồi nước dùng lớn. Mỗi thực khách sẽ tự nấu phần ăn của mình bằng cách nhúng các nguyên liệu như cá, rau hoặc thịt vào nước dùng. Nước dùng phong phú có thể làm từ gà đến hải sản. Đây cũng là một món ăn mùa đông lý tưởng cho bữa đoàn viên vào đêm giao thừa ở Singapore.

* Quýt đại diện cho sự thịnh vượng và may mắn. Loại quả ngon ngọt này vừa là quà tặng năm mới truyền thống, món tráng miệng phổ biến trên mâm cơm của người Singapore vào dịp năm mới, vừa là thức ăn nhẹ được dùng trong cuộc nói chuyện cùng các thành viên gia đình và bạn bè thân thiết.

* Thịt khô Bak Kwa dùng để ăn chơi rất phổ biến tại Singapore và cũng được xem là ẩm thực truyền thống trong ngày Tết. Có nguồn gốc từ ẩm thực Trung Hoa, theo thời gian, hương vị của Bak Kwa được biến tấu nhiều kiểu theo khẩu vị của người dân Singapore và nguyên liệu được mở rộng thêm như khô thịt heo, bò, gà…

* Mì trường thọ được sử dụng trong nhiều lễ kỷ niệm, không chỉ vào dịp năm mới. Bởi hình dạng dài nên món ăn này tượng trưng cho sự trường thọ. Trong các bữa tiệc trang trọng, mì được sử dụng thay thế cơm, thường được phục vụ trước khi tráng miệng.

* Lạp xưởng là một trong những món ăn năm mới phổ biến và được yêu thích nhất ở Singapore, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Nó có thể là nguyên liệu trong nấu nướng, hoặc được phục vụ như một món ăn chính trên bàn tiệc. Tại các khu chợ sầm uất, vào những ngày cận kề năm mới, lạp xưởng thường được bày bán rất nhiều.

* Cá cũng là món ăn phổ biến trong dịp Tết ở Singapore. Món cá biểu tượng cho sự phong phú dồi dào trong năm mới. Vì ý nghĩa đó, món ăn này rất phổ biến ở Singapore, đặc biệt với những người làm kinh doanh. 

* Thạch trái cây là món ăn mới mẻ, được bán phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán tại Singapore. Món ăn nhẹ này có sẵn các hương vị, nhân ngọt nên rất phổ biến với trẻ em.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Malaysia

Có một vài món ăn người Malaysia tin rằng, nếu ăn vào ngày đầu năm mới sẽ mang đến sự may mắn và giàu có.

món ăn truyền thống, tết nguyên đán
Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Malaysia

Cá nguyên con trong tiếng Quan Thoại, phát âm của từ cá giống như từ “dồi dào”. Do vậy, người Malaysia rất thích ăn cá vào dịp Tết Nguyên đán. Cá được để nguyên đầu và đuôi, tượng trưng cho sự khởi đầu và kết thúc. Nó có thể được hấp hoặc chiên, miễn là được chế biến nguyên con.

Tôm trong tiếng Quảng Đông tương tự như âm thanh của tiếng cười "ha ha". Vì vậy, người ta tin rằng, ăn tôm sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình cả năm. Vì lý do tương tự như cá, tôm nên được phục vụ với đầu và đuôi nguyên vẹn. 

Nấm đông cô, hải sâm, bào ngư - 3 nguyên liệu này thường được chế biến bằng cách om hoặc hầm, xuất hiện trong các bữa cơm vào dịp Tết, được cho là biểu tượng của sự thịnh vượng. Ngoài ra, hải sâm còn tượng trưng cho khả năng sinh sản vì trong tiếng Quan Thoại, với mong muốn thuận lợi về đường con cái.

Bánh cuốn thịt ngũ vị Lor Bak thường được phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán như một biểu tượng của sự may mắn, vì các cuộn thịt giống như những thỏi vàng. Thay vì gói trong bánh tráng gói chả giò, những cuộn thịt này được làm bằng da đậu, bên trong là thịt được tẩm ướp với 5 loại gia vị, sau đó đem chiên giòn.

Thịt lợn quay Siew Yoke: Kể từ thời nhà Thanh, người ta đã có phong tục phục vụ cả một con lợn quay trong các bữa tiệc của triều đình, vì đó là một dấu hiệu tốt lành.

Theo thời gian, nó đã được sử dụng thành một món ăn năm mới của những người gốc Hoa tại Malaysia. Trong những thập kỷ gần đây, món thịt lợn quay ngày càng được đưa chuộng vì vị ngon của nó.

Gỏi cá sống Yushen thường bao gồm các dải cá sống trộn với rau cắt nhỏ và loại nước sốt gia vị. Món ăn này có ý nghĩa mang lại sự tăng trưởng dồi dào, tượng trưng cho tài lộc và may mắn.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Indonesia

Là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới nhưng ở Indonesia, người dân vẫn coi Tết Nguyên đán là một trong những lễ hội quan trọng nhất năm.

Đối với người Indonesia, Tết Nguyên đán không chỉ là lễ hội kết hợp giữa văn hóa Java - Trung Hoa mà còn là biểu hiện của lòng khoan dung và sự hòa hợp dân tộc.

Người dân châu Á ăn món gì trong ngày Tết Nguyên đán 4
Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Indonesia

Vào dịp đầu năm mới Âm lịch, người Indonesia, người Trung Quốc và người Indonesia gốc Hoa lại tưng bừng tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán, nổi bật nhất là ở thành phố Solo. Theo Indonesia Pod, phong tục đón Tết Nguyên đán ở Indonesia mang đậm dấu ấn Trung Hoa, nhưng vẫn có sự pha trộn với văn hóa bản địa.

Bánh tổ có nguồn gốc từ Trung Quốc là món ăn phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên đán ở Indonesia. Món bánh này được chế biến từ bột gạo nếp, đường nâu và gừng. Ăn bánh tổ ngày Tết được cho là có thể đem lại may mắn cho cả năm.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc

Miến trộn Hàn Quốc (Japchae) là món miến xào của Hàn Quốc. Nguyên liệu chính để làm món ăn này là miến và các loại rau theo mùa và thịt. Người Hàn dùng dầu mè để xào. Gia vị chính là xì dầu và ớt cùng hạt vừng. Japchae có thể ăn nóng hoặc nguội. Japchae có thể dùng như thức ăn kèm với cơm.

Japchae được làm với mì thủy tinh Bouncy và các loại rau nhiều màu sắc khác nhau và thịt, mang lại hương vị mặn ngọt cân bằng, rau giòn và mỳ Bounchy không quá mềm. Đây là món khai vị và món ăn phụ rất nổi tiếng của Hàn Quốc và cũng có thể sử dụng như một món ăn chính.

món ăn truyền thống, tết nguyên đán
Món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc

Súp bánh gạo Hàn Quốc (Tteokguk) ít phổ biến với thế giới hơn nhưng vẫn là một món ăn thường thấy ở Hàn Quốc, đặc biệt là trong những ngày đầu năm mới.

Nguyên liệu chính là bánh gạo có màu trắng tượng trưng cho sự thịnh vượng về tiền bạc và của cải. Ngoài ra, vào dịp năm mới người ta sẽ chọn bánh gạo có dạng dài thể hiện cho sức khỏe và sự trường họ. Do đó, Tteokguk được chọn là món ăn hàng đầu trong dịp năm mới.

Thịt bò BBQ Hàn Quốc (bulgogi) được chế biến từ thịt lưng của bò được xắt lát mỏng hoặc từ các loại thịt bò xắt lát khác. Thịt được ướp với một hỗn hợp của nước tương, đường, dầu mè, tỏi và các gia vị khác như hành lá, hoặc nấm, đặc biệt là nấm nút trắng hoặc nấm hương. Là món ăn ưa thích không chỉ với ngừơi Hàn Quốc mà còn cả khách du lịch quốc tế.

Bánh trà mè đen, trắng và nâu (dasik) được nhào trộn kỹ và đóng khuôn rồi in hoa văn. Tùy thuộc vào nguyên liệu, dasik có thể có các màu sắc khác nhau như trắng, vàng, đen, lục, nâu hoặc đỏ.

Sườn om (Galbi Jjim) thường được phục vụ trong các ngày lễ hội như âm lịch năm mới của Hàn Quốc (seollal) và ngày lễ hội thu hoạch (chuseok) hoặc vào ngày sinh nhật của ai đó hoặc trong tiệc cưới. Nó chắc chắn là một trong những món ăn nổi bật trong thời gian này.

Galbi jjim - món sườn bò Hàn Quốc cực kỳ mềm và ngon. Nó được phủ với nước sốt mềm, mặn, ngọt kết hợp với hạt dẻ. Nó cực kỳ gây nghiện! 

Đồ uống quế Hàn Quốc (Sujeonggwa) là một đồ uống truyền thống của người Hàn Quốc, có vị ngọt, cay và ấm. Nguyên liệu làm sujeonggwa là các loại quả ngọt phơi khô, nhất là quả hồng, và các thứ tạo hương vị như quế, và gừng; hạt thôngthường được dùng để trang trí và tạo vị cay. Sujeonggwa có màu đỏ nâu sẫm.

Gạo ngọt Hàn Quốc với trái cây khô và các loại hạt (Yaksik) có nghĩa là thực phẩm thuốc. Một trong những thành phần chính được sử dụng là mật ong và mật ong được coi là một loại thuốc trong những ngày xưa ở Hàn Quốc.

Yaksik có độ ngọt vừa phải và có kết cấu dính. Tuy nhiên, đây là món tráng miệng nổi tiếng của Hàn Quốc thường được phục vụ trong các dịp lễ hội.