Tiêu điểm: Nhân Humanity

8 cách chữa đau dạ dày tại nhà và các loại thuốc trị bệnh hiệu quả

(VOH) - Đau dạ dày là một căn bệnh khá phổ biến và gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Vậy chữa đau dạ dày như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau.

1. Các loại thuốc chữa đau dạ dày

Sau đây là các loại thuốc chữa đau dạ dày hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

1.1 Thuốc kháng axit (antacids)

Thuốc kháng axit (antacids) là thuốc trung hòa axit dạ dày để giảm chứng ợ nóng, đau dạ dày, khó tiêu,... Tuyệt đối không dùng thuốc quá liều sẽ gây ra các tác dụng phụ không đáng có.

1.2 Thuốc ức chế bơm proton (PPIs)

Thuốc ức chế bơm proton giúp ngăn chặn các vị trí sản xuất axit trong tế bào thành của dạ dày. Ngoài ra, loại thuốc này còn ức chế bơm proton hiện đang được dùng. 

1.3 Thuốc ức chế thụ thể H2

Thuốc ức chế thụ thể H2 được sử dụng thường xuyên để điều trị đau dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra, loại thuốc này còn giảm các chứng ợ nóng, buồn nôn, khó nuốt của bệnh trào ngược dạ dày

1.4 Thuốc kháng sinh để tiêu diệt H. pylori

Khi sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt H. pylori, bác sĩ sẽ đề nghị bạn phối hợp với nhiều loại thuốc khác như Biaxin, Amoxil, Augmentin hoặc Flagyl để đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn. 

8-cach-chua-dau-da-day-nhanh-nhat-tai-nha-va-cac-loai-thuoc-tri-benh-hieu-qua-voh-1
Vi khuẩn HP gây đau dạ dày (Nguồn:Internet)

Xem thêm: Đây là lý do vì sao đau bao tử và nhiễm vi khuẩn HP cứ tái phát nhiều lần

1.5 Các thuốc giảm đau dạ dày khác

Ngoài ra, còn có các loại thuốc chữa đau dạ dày khác, bao gồm: 

  • Sucralfate: loại thuốc này tạo thành một lớp phủ bảo vệ trên vết loét, nhằm ngăn ngừa và phục hồi tình trạng loét dạ dày; 
  • Bismuth: được sử dụng điều trị cho nguyên nhân nhiễm trùng của vi khuẩn Helicobacter pylori;
  • Misoprostol: là một nhóm thuốc được sử dụng để làm giảm nguy cơ loét dạ dày thường ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid. 

2. Cách chữa đau dạ dày tại nhà

2.1 Chuối xanh

Nhờ các loại chất xơ, khoáng chất, vitamin cần thiết trong chuối xanh giúp tăng chất dịch nhầy, từ đó ức chế những tổn thương ở phần niêm mạc dạ dày. Do đó, bổ sung chuối xanh vào thực đơn hằng ngày sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của đau dạ dày gây ra. 

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng chuối xanh:

  • Bước 1: Chuối xanh cắt lát, rửa sạch, đem phơi hoặc sấy khô;
  • Bước 2: Đem chuối khô tán thành bột mịn;
  • Bước 3: Sau đó, bạn đem chuối trộn với mật ong. 

Bạn sử dụng bài thuốc này mỗi ngày ăn 2 lần, các triệu chứng đau dạ dày sẽ được thuyên giảm.

2.2 Cách chữa đau dạ dày bằng mật ong và tinh bột nghệ

Với khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn cao, nghệ và mật ong kết hợp quả thật là một phương thuốc hữu ích dành cho người đau dạ dày. Bài thuốc này có tác dụng ức chế vi khuẩn HP, giảm tiết dịch vị và giảm đau dạ dày. Bên cạnh đó, các loại Vitamin B1, B2, B6, E… có trong bài thuốc này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện hệ tiêu hóa

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng tinh bột nghệ và mật ong:

  • Bước 1:  Tán mịn nghệ thành tinh bột;
  • Bước 2: Trộn đều nghệ với mật ong;
  • Bước 3: Vo tròn thành các viên nhỏ cho dễ uống.

Để đạt kết quả tốt nhất, mỗi ngày bạn nên uống 2 lần, mỗi lần uống từ 2 - 3 viên.

Xem thêm: Nghệ và mật ong tốt cho dạ dày, vậy nếu ăn nghệ ngâm mật ong nhiều có tốt không?

2.3 Cách chữa đau dạ dày bằng dừa và nghệ

Ngoài mật ong, bạn cũng có thể kết hợp nghệ với dừa để chữa đau dạ dày an toàn. Mặc dù cả 2 nguyên liệu này không sử dụng cùng lúc nhưng hiệu quả đem lại rất khả thi. Trong dừa chứa nhiều loại muối khoáng, vitamin và khoáng chất như clo, kali, canxi,...có tác dụng tốt cho người có tiền sử đau dạ dày. Ngoài ra, các enzyme trong dừa còn có khả năng kháng khuẩn, tiêu diệt các virus gây hại cho đường ruột, từ đó giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. 

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng nghệ và dừa:

  • Đối với dừa: Dừa bạn đem chặt phần đầu, đục thủng 1 lỗ nhỏ. Tiếp theo, bạn đặt dừa lên bếp, đun ở lửa nhỏ trong 30 phút. Qua 30 phút, bạn đổ nước dừa vào nạo cùi dừa ra bát, chia bát nước và cùi đó thành 2 phần để uống trước khi ăn 30 phút vào các buổi sáng, trưa, tối;
  • Đối với nghệ: Bạn giã nát và lấy nước, bỏ bã. Dùng nước nghệ đó vào thời điểm 4 giờ sáng. Khi ngủ lấy gối kê ngang thắt lưng, ngủ tiếp.

Bài thuốc này sử dụng liên tục trong 3 ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt, tình trạng đau dạ dày sẽ được giảm bớt.

2.4 Cây xăng sê chữa đau dạ dày

Để chữa đau dạ dày, nhiều người sử dụng cây xăng sê để giảm đau nhức, khó chịu nhanh chóng, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn có hại và ngăn ngừa một số triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, ợ đắng, ợ chua,...

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng cây xăng sê:

  • Đối với dạng lá khô: Bạn sắc đặc thành thuốc, kiên trì trong 10 ngày liên tục để giảm nhanh các triệu chứng đau dạ dày; 
  • Đối với dạng lá tươi: Người bệnh có thể dùng nhai sống trực tiếp với chút muối ăn. Duy trì liên tục trong 2 tuần, mỗi ngày từ 2 – 3 lần.

2.5 Lá đu đủ

Theo Đông y, lá đu đủ có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa, kích thích đào thải độc tố và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, nhờ vào hợp chất papain.

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng lá đu đủ:

  • Bước 1: Rửa sạch lá đu đủ;
  • Bước 2: Cắt thành khúc nhỏ;
  • Bước 3: Cho vào đun khoảng 15 phút.

Bạn dùng bài thuốc này khi đã nguội, uống 3 lần/ ngày sau mỗi bữa ăn sáng, trưa, tối. Nước có vị đắng nhưng nếu bạn kiên trì thực hiện sẽ đem lại hiệu quả không ngờ.

8-cach-chua-dau-da-day-nhanh-nhat-tai-nha-va-cac-loai-thuoc-tri-benh-hieu-qua-voh-2
Lá đu dủ giúp chữa đau dạ dày (Nguồn:Internet)

2.6 Chườm nóng giúp giảm đau dạ dày nhanh chóng

Việc chườm nóng sẽ giúp lượng máu được lưu thông tới vùng bụng nhằm giảm các triệu chứng gây đau bụng.

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng chườm nóng:

  • Dùng nước nóng: Bạn cho nước ấm vào chai thủy tinh rồi chườm lên bụng. Hoặc có thể dùng khăn nhúng vào nước ấm, vắt ráo và đặt lên vùng bụng cũng có tác dụng giảm đau dạ dày; 
  • Chườm muối: Sau khi rang muối, bạn cho muối vào khăn rồi bọc lại và chườm lên bụng.  

Xem thêm: Tìm hiểu cách chườm nóng và chườm lạnh phù hợp với từng cơn đau

2.7 Massage vùng bụng

Phương pháp này giúp nhanh chóng ổn định dạ dày, thuyên giảm đau nhức đồng thời kích thích dạ dày hoạt động tốt hơn.

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng massage: 

  • Bước 1: Thoa ít dầu lên vùng bụng;
  • Bước 2: Dùng tay massage xung quanh vùng rốn, quay theo chiều kim đồng hồ. 

Để tăng thêm hiệu quả, bạn có thể kết hợp các loại tinh dầu như khuynh diệp, quế, đinh hương,...khi massage. Sự kết hợp này nhằm tăng khả năng kháng viêm, giúp người bệnh cảm thấy giảm đau an toàn.  

2.8 Hít thở sâu

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp hít thở sâu giúp giảm các cơn đau dạ dày cho người bệnh. Cụ thể, khi áp dụng cách này, quá trình tiêu hóa bị co thắt lại, lượng axit dư thừa trong dạ dày sẽ được giảm đi, từ đó hạn chế các triệu chứng đầy hơi, buồn nôn, đau bụng,... 

Hướng dẫn cách thực hiện chữa đau dạ dày bằng hít thở sâu:

  • Bước 1: Người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái nhất;
  • Bước 2: Tiến hành đặt tay lên bụng và từ từ hít một hơi thật sâu qua mũi và giữ hơi lại trong bụng từ 3 – 5 giây, rồi thở chầm chậm ra bằng miệng.

3. Những lưu ý khi chữa đau dạ dày tại nhà

Những cách chữa đau dạ dày trên đây chỉ có thể hiệu nghiệm cho những trường hợp mới khởi phát. Do đó, đối với trường hợp bệnh nặng, bạn không thể áp dụng các cách chữa đau dạ dày tại nhà. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng các mẹo chữa từ thảo dược tự nhiên. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý những vấn đề sau đây khi chữa đau dạ dày tại nhà:

  • Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, sữa chua, cá, ngũ cốc, nước,…;
  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ,...;
  • Kiêng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas,...;
  • Nghỉ ngơi, thư giãn, tránh để căng thẳng, mất ngủ, âu lo quá mức;
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục thường xuyên.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn đọc những kiến thức cần thiết về các cách chữa đau dạ dày. Tuy nhiên, đây là những thông tin mang tính tham khảo, do đó người bệnh cần thăm khám bác sĩ để xác định được nguyên nhân chính xác, từ đó có phương hướng điều trị phù hợp. 

Bình luận