Viêm xoang dị ứng là gì? Cách nhận biết và phòng ngừa

(VOH) - Viêm xoang dị ứng là một trong những bệnh dị ứng xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này? Liệu pháp điều trị, các phòng ngừa bệnh là gì? Cùng tìm hiểu nhé.

1. Bệnh viêm xoang dị ứng là gì?

Viêm xoang dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị sưng tấy, ửng đỏ, viêm nhiễm, các hốc mũi xoang bị bội nhiễm. Đồng thời, các lỗ thông xoang cũng nhanh chóng bị bít tắc. 

Bệnh thường có 2 loại: theo chu kỳ và không theo chu kỳ. Nếu người bệnh bị viêm xoang dị ứng không theo chu kỳ thì bệnh sẽ xuất hiện không theo mùa mà chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết.

viem-xoang-di-ung-la-gi-cach-nhan-biet-va-phong-ngua-voh
Viêm xoang mũi dị ứng (Nguồn: Internet)

Người có tiền sử gia đình bị viêm xoang dị ứng có thể sẽ nhạy cảm với một số loại thực phẩm và các chất gây dị ứng trong nhà và ngoài trời. Với những người không bị dị ứng bẩm sinh, nếu tiếp xúc nhiều lần với các chất gây dị ứng, có thể sẽ dẫn đến viêm xoang cấp tính, kéo dài dưới 4 tuần hoặc viêm xoang mãn tính, kéo dài trên 8 tuần.

2. Nguyên nhân viêm xoang dị ứng 

Cũng như các loại bệnh viêm xoang khác, viêm xoang dị ứng xuất hiện khi có sự xâm nhập của các tác nhân gây hại mà chủ yếu là vi khuẩn. Bên cạnh đó, nó còn một số nguyên nhân đặc thù khác như:

  • Dị nguyên đường thở: Nếu người bệnh tiếp xúc trực tiếp với một số chất dị nguyên từ môi trường bên ngoài như phấn hoa, lông thú, cỏ khô, hóa chất,… sẽ làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang và nhiễm trùng.
  • Thời tiết thay đổi: Với những người có sức đề kháng yếu sẽ bị viêm xoang mũi dị ứng khi độ ẩm trong không khí. Khi nhiệt độ thay đổi sẽ khiến cho niêm mạc mũi thích nghi không kịp.
  • Sử dụng thuốc: Tình trạng dị ứng với các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mũi, thuốc thông mũi,… sẽ khiến cơ thể phản ứng lại bằng cách gây viêm xoang.
  • Cơ địa dị ứng: Cơ địa nhạy cảm, dễ kích ứng với các loại thức ăn như hải sản, trứng, socola, …
  • Do bệnh lý: Một số bệnh lý như viêm amidan, viêm họng có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng.
  • Cấu trúc mũi dị thường: Cấu trúc mũi không bình thường như mào vách ngăn, lệch vách ngăn, mũi bị vẹo.

2.1 Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang dị ứng

Tất cả mọi người đều có thể bị viêm xoang dị ứng. Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong nhóm các đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Có cơ địa dị ứng.
  • Sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt là những người cao tuổi và trẻ em.
  • Có cấu trúc vách ngăn của mũi dày, vẹo hoặc lệch.
  • Thường xuyên làm việc trong môi trường khói, bụi, nấm mốc, hóa chất… 
  • Nhiễm trùng các vùng lân cận xoang như viêm tai, viêm mũi, thường xuyên nghẹt tắc mũi, viêm amidan, viêm họng mãn tính, viêm VA quá phát.

Xem thêm: Thờ ơ với bệnh viêm xoang, bạn sẽ nhận lấy 8 biến chứng nguy hiểm này

3. Triệu chứng viêm xoang dị ứng 

Viêm xoang dị ứng hay bị nhầm lẫn với các viêm xoang không dị ứng vì các triệu chứng thường giống nhau. Điểm khác biệt điển hình chính là viêm xoang không dị ứng sẽ không gây ngứa mũi, mắt hoặc cổ họng. 

Các triệu chứng bệnh thường thay đổi theo mùa có thể bao gồm:

viem-xoang-di-ung-la-gi-cach-nhan-biet-va-phong-ngua-1-voh
Ngứa mũi, hắt hơi không kiềm chế được (Nguồn: Internet)
  • Ngứa mũi, hắt hơi: ngứa mũi, hắt hơi từng hồi không kiềm chế được; chảy nước mũi loãng, trong, nhiều sau cơn hắt hơi. Cảm giác ngứa thường xuất hiện ở da, cổ họng, mắt, cảm thấy ngứa nhiều hơn khi thay đổi thời tiết, khi gặp lạnh hoặc khi gặp khói bụi.
  • Ngạt mũi: chất dịch trong mũi xuất hiện nhiều, niêm mạc mũi bị tổn thương sẽ gây ra tình trạng phù nề, xuất tiết. Người bệnh bị ngạt mũi, khó thở khiến khí huyết khó lưu thông.
  • Đau đầu thường xuyên: vì nước mũi chảy nhiều nên không thể lưu thông không khí. Lượng oxy lên não ít dẫn đến tình trạng đau đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt.
  • Thay đổi hành vi bao gồm cáu kỉnh, mệt mỏi, mất tập trung.
  • Các vấn đề khác như: ngứa mắt và cổ họng, mất ngủ, mộng du, giảm khứu giác và vị giác.

4. Chẩn đoán và điều trị viêm xoang dị ứng

4.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh

Viêm xoang dị ứng có thể được chẩn đoán bằng cách khai thác tiền sử bệnh lý và thực hiện khám sức khỏe lâm sàng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sẽ được yêu cầu thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như:

  • Nội soi mũi: một ống mỏng nội soi với một ánh sáng quang chèn vào mũi cho phép bác sĩ để kiểm tra trực quan bên trong xoang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): hình ảnh chụp bằng cách sử dụng chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể hiển thị chi tiết của xoang mũi và khu vực. Đây có thể xác định viêm sâu hoặc trở ngại vật lý khó phát hiện bằng cách sử dụng nội soi.
  • Tiến hành xét nghiệm: trong trường hợp các điều kiện không đáp ứng với điều trị hoặc đang tiến triển, xét nghiệm có thể giúp chỉ ra nguyên nhân, như xác định một mầm bệnh vi khuẩn.
  • Kiểm tra dị ứng trên da: nếu nghi ngờ rằng tình trạng này có thể gây nên bởi dị ứng, một thử nghiệm da dị ứng có thể được khuyến khích. Từ các xét nghiệm về dị ứng da có thể xác định được chất gây dị ứng mũi 

4.2. Cách điều trị viêm xoang dị ứng

Đối với các trường hợp dị ứng xoang nhẹ theo mùa và dị ứng với lông thú cưng, việc tránh phải tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, nếu mức độ bệnh nặng thì cần phải tiến hành điều trị.

Phương pháp Tây Y 

Tây Y hầu hết sử dụng các loại thuốc, có thành phần là các chất hóa học để giảm triệu chứng và chữa bệnh. Một số cách sau đây có thể tham khảo và xin ý kiến bác sĩ để áp dụng.

🔴 Thuốc kháng histamin

Đây là loại thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu nhờ ngăn chặn hiện tượng giải phóng histamin quá mức. Histamin là một chất trung gian trong phản ứng dị ứng. Khi các tác nhân dị ứng xâm nhập cơ thể, histamine được tiết ra gây ra phản ứng dị ứng.

🔴 Thuốc súc rửa mũi

Sử dụng dung dịch nước muối loãng rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi, thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối.

viem-xoang-di-ung-la-gi-cach-nhan-biet-va-phong-ngua-2-voh
Thông rửa mũi (Nguồn: Internet)

🔴 Thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi

Các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Loại thuốc này có thể dùng dưới dạng uống hay xịt, tuy nhiên chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, nếu không có tiến triển cần tạm sử dụng. 

🔴 Nong lỗ thông xoang

Nong xoang bằng bóng sử dụng các quả bóng nhỏ để mở rộng các lỗ thông của xoang. Thủ thuật này ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống để khôi phục hệ thống dẫn lưu xoang bình thường và nhanh hơn. 

🔴 Phẫu thuật xoang

Trong trường hợp áp dụng các phương pháp trên trong một thời gian nhưng không hiệu quả, sẽ cần tiến hành phẫu thuật xoang. Thực hiện phẫu thuật xoang nhằm mở thông đường thoát của các xoang và giải quyết sự tắc nghẽn ở các hốc xoang. 

Phương pháp Đông Y 

Điều trị bằng Đông y thường không mang đến tác dụng tức thời. Do đó, bệnh nhân phải thực hiện thường xuyên và trong thời gian dài.

🔴 Bôi/nhỏ thuốc

Một số hỗn hợp thuốc đông y đặc trị được bào chế có thể được sử dụng trực tiếp bằng cách bôi hoặc nhỏ vào mũi. Tuy nhiên khi sử dụng bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu và cay vùng mũi một chút.

🔴 Sắc thuốc uống 

Sử dụng thuốc đông y sẽ giúp lưu thông khí huyết, bồi bổ cơ thể và tăng cường sức đề kháng để chống chọi lại vi khuẩn gây bệnh.

Xem thêm: Giới thiệu 2 bài thuốc chữa viêm xoang rất hay bằng cây hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn)

🔴 Châm cứu

Châm cứu tập trung vào việc kích thích các huyệt đạo liên quan để cải thiện chức năng tuần hoàn quanh liên mũi, giúp giảm được các triệu chứng tức thì như đau đầu, chảy dịch nhiều.

🔴 Tập luyện 

Tham gia tập dưỡng sinh, yoga là một phương pháp có thể cải thiện được bệnh nhờ nâng cao khả năng đề kháng. Cần lưu ý chọn thời điểm phù hợp, không để cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc để nhiệt độ cơ thể nóng quá.

5. Bệnh viêm xoang dị ứng có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm và xảy ra biến chứng đối với bệnh viêm xoang dị ứng có thể nhẹ hơn so với các loại viêm xoang khác, tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây ra biến chứng nếu tình trạng bệnh kéo dài.

Các biến chứng có thể gặp phải là:

  • Viêm xoang mãn tính: Viêm xoang dị ứng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang, gây ra bởi vi trùng, siêu vi trùng hay dị ứng dẫn tới phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài, gây ra viêm xoang mãn tính.
  • Làm nặng thêm viêm kết mạc dị ứng: Khi hệ thống miễn dịch xác định một chất gây dị ứng. Điều này làm cho hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức và sản xuất các kháng thể được gọi là globulin miễn dịch. Những kháng thể này đi đến các tế bào và giải phóng các hóa chất trung gian gây ra phản ứng dị ứng.

6. Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang dị ứng

6.1. Phòng ngừa viêm xoang dị ứng 

Viêm xoang dị ứng để lại cảm giác khó chịu, thiếu tập trung trong công việc và làm gián đoạn sinh hoạt hàng ngày. Để tránh mắc phải căn bệnh đường hô hấp phiền phức này, bạn cần lưu ý một vài biện pháp phòng ngừa cần thiết dưới đây. 

  • Giữ âm cơ thể: Vào mùa lạnh luôn giữ ấm là điều quan trọng nhất, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời trở lạnh.
  • Theo dõi dị ứng: Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, làm việc với bác sĩ để giữ cho các triệu chứng dưới sự kiểm soát.
  • Sử dụng khẩu trang: Luôn đeo khẩu trang khi đi ra đường, hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.
  • Làm ấm vùng mũi: Mỗi sáng thức dậy, hãy nhớ dùng 2 bàn tay chụp lại 2 bên cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào.
  • Vệ sinh cơ quan hô hấp: Vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi thức dậy, sau mỗi bữa ăn. Giữ họng và miệng không bị viêm.
  • Trang bị máy tạo độ ẩm: Nếu không khí trong nhà khô, thêm độ ẩm cho không khí có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang. Hãy đảm bảo máy sạch sẽ, thường xuyên làm sạch nấm mốc kỹ lưỡng.

6.2. Bệnh viêm xoang dị ứng nên ăn gì?

Bên cạnh việc bảo vệ cơ thể từ tác nhân môi trường bên ngoài, bạn cần chủ động bổ sung thêm một số dưỡng chất trong khẩu phần ăn hàng ngày như:

  • Thực phẩm giàu Omega - 3 như cá hồi, cá nục, các mòi, giúp cải thiện các triệu chứng đau nhức.
  • Thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt, ổi, chanh, táo. Vitamin C chỗ trợ cải thiện viêm nhiễm niêm mạc mũi, xoa dịu vùng mũi. Đồng thời giúp làm loãng chất dịch nhầy, hỗ trợ giúp thông mũi dễ dàng hơn.
  • Thực phẩm có chứa chất kháng sinh tự nhiên như mật ong, chanh, quất, gừng, tỏi,  làm dịu niêm mạc họng, cải thiện tình trạng tổn thương ở xoang mũi.
viem-xoang-di-ung-la-gi-cach-nhan-biet-va-phong-ngua-3-voh
Bổ sung hoa quả trong thực đơn hàng ngày (Nguồn: Internet)

6.3. Bệnh viêm xoang dị ứng kiêng ăn gì?

Khi mắc viêm xoang dị ứng, cần phải loại trừ các loại thực phẩm mà cơ thể dị ứng khi sử dụng. Dưới đây là một số loại thực phẩm thuộc nhóm dễ gây dị ứng cho cơ thể:

  • Hải sản: là các động vật dưới nước có chất đạm cao, chứa nhiều protein lạ dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá biển, ốc, mực, hải sâm.
  • Thịt bò: chứa hàm lượng protein cao nhưng cũng là thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao nên cần thận trọng.
  • Thịt gà: thuộc tính phong lạnh nên khi ăn thịt gà cũng dễ làm tăng tình trạng dị ứng
  • Nhộng tằm, côn trùng, nấm.
  • Đồ uống có cồn, chất kích thích, đồ cay nóng.

Mặc dù viêm xoang dị ứng không gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh nhưng sẽ làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, Vì thế, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.