Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đi cầu ra máu và những nguyên nhân không thể xem thường

(VOH) – Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đi cầu ra máu. Bài viết dưới đây chia sẻ những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng này và cách xử lý.

Đi cầu ra máu (đi ngoài ra máu, ỉa ra máu) là hiện tượng có thể nói tương đối thường gặp ở rất nhiều đối tượng khác nhau, kể cả trẻ nhỏ lẫn người lớn tuổi. Tình trạng này đôi khi xuất hiện đơn lẻ, không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khiến cho người bệnh chủ quan mà bỏ qua cơ hội phát hiện bệnh sớm, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi cầu ra máu

Đi cầu ra máu là một trong những triệu chứng thường gặp của các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng. Biểu hiện của triệu chứng cũng như mức độ chảy máu khi đại tiện có thể là rất ít và kín đáo, chỉ thấm vào giấy vệ sinh hoặc nặng hơn là máu sẽ chảy thành giọt, thành tia. Tùy theo từng bệnh lý cụ thể sẽ kèm theo các triệu chứng khác như: đau quanh vùng hậu môn, mót rặn, sờ thấy búi trĩ ở rìa hậu môn...

Một số nguyên nhân phổ biến nhất thường gây ra tình trạng đi đại tiện ra máu có thể kể đến là:

  1. Bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Căn bệnh này thường có biểu hiện là đi cầu ra máu tươi dính theo phân hoặc nhỏ giọt. Thăm khám trực tràng sẽ thấy tĩnh mạch trực tràng giãn và nổi ngoằn ngoèo thành từng búi, có máu.

Bệnh trĩ cần được điều trị sớm, giai đoạn nhẹ có thể điều trị bằng nội khoa, bệnh nặng sẽ phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.

  1. Rò ống tiêu hóa

Các lỗ rò xuất hiện giữa hậu môn và trực tràng hoặc hậu môn và da. Rò ống tiêu hóa có thể gây rò rỉ mủ và dịch tiêu hóa hoặc máu ra ngoài cơ thể. Căn bệnh này cần được điều trị bằng phẫu thuật kết hợp với liệu pháp kháng sinh.

  1. Các vết nứt

Vết nứt xảy ra khi các mô nằm ở hậu môn, ruột kết, trực tràng bị rách dẫn đến tình trạng đi ngoài ra máu. Ngâm nước nóng cùng chế độ ăn uống nhiều chất xơ sẽ giúp làm giảm các triệu chứng. Trong trường hợp nặng, bệnh cần được điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ hoặc phẫu thuật.

  1. Polyp đại, trực tràng

di-cau-ra-mau-va-nhung-nguyen-nhan-khong-the-xem-thuong-voh

Polyp đại, trực tràng có thể gây ra tình trạng đi cầu ra máu (Nguồn: Internet)

Polyp là những khối u lồi vào trong lòng ruột kết, được hình thành bởi sự tăng sinh quá mức của niêm mạc ruột kết. Khi khối polyp phát triển trên lớp lót của đại trực tràng, chúng có thể gây kích ứng, viêm và chảy máu nhẹ mỗi khi đi cầu.

Trong nhiều trường hợp, cần loại bỏ polyp để kiểm tra dấu hiệu ung thư và để tránh nguy cơ ung thư.

  1. Viêm đại tràng trực tràng

Viêm đại tràng, trực tràng đều có khả năng gây chảy máu hậu môn mỗi khi đi vệ sinh, lượng máu thường nhiều và có lẫn ít mủ. Các nguyên nhân gây viêm đại tràng trực tràng thường là do nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, hội chứng ruột kích thích, quan hệ qua đường hậu môn, táo bón...

Các phương pháp điều trị viêm đại tràng, trực tràng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Có thể điều trị bằng kháng sinh hoặc bằng phẫu thuật.

  1. Sa trực tràng

Sa trực tràng là căn bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Căn bệnh này thường dẫn đến đau và đi cầu ra máu. Bệnh sa trực tràng cần phải được điều trị bằng phẫu thuật, điều trị nội khoa chỉ mang tính chất hỗ trợ vào một phần kết quả của điều trị.

  1. Viêm túi thừa

Viêm túi thừa là tình trạng một túi nhỏ phồng lên đẩy ra ngoài thành ruột kết. Tình trạng viêm túi thừa thường gặp ở những người có chế độ ăn ít chất xơ. Viêm túi thường có thể gây chảy máu hậu môn nhưng sự chảy máu này thường sẽ tự ngừng.

Trong trường hợp chảy máu kéo dài và liên tục thì đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đang có những chuyển biến nghiêm trọng, cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi thừa.

  1. Viêm dạ dày ruột

Nhiễm khuẩn có thể gây viêm đại tràng và dạ dày, gây tiêu chảy và chứa chất nhầy cũng như các đốm máu trong lúc đi đại tiện. Điều trị viêm dạ dày ruột thường bao gồm: bù chất lòng, nghỉ ngơi, sử dụng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.

  1. Xuất huyết tiêu hóa

Bất kỳ một tổn thương trầm trọng nào ở các cơ quan đường tiêu hóa cũng đều có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và gây nên tình trạng đi cầu ra máu. Biểu hiện thường là đi ngoài phân đen với mùi đặc trưng.

  1. Ung thư đại tràng hoặc ung thư trực tràng

Ung thư đại, trực tràng thường gây kích ứng, viêm và chảy máu hậu môn mỗi khi đại tiện. Máu thường chảy sau phân hoặc lẫn trong phân, màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm hoặc thâm đen.

di-cau-ra-mau-va-nhung-nguyen-nhan-khong-the-xem-thuong-1-voh

Tất cả các trường hợp bị ung thư đại, trực tràng đều cần phải được điều trị sớm (Nguồn: Internet)

Tất cả các trường hợp ung thư đại tràng hoặc trực tràng đều cần phải được chẩn đoán, thực hiện xét nghiệm và điều trị sớm, thường là sự kết hợp của hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.

Cần làm gì khi bị đi cầu ra máu?

Nếu bạn thỉnh thoảng thấy xuất huyết nhẹ ở hậu môn thì có thể là do táo bón và thường không cần sự chăm sóc y tế hoặc điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng đi cầu ra máu tươi diễn ra liên tục và thường xuyên, gây đau đớn thì có thể là một dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cần được đánh giá bởi bác sĩ.

Vì thế, hãy tới gặp bác sĩ khi bạn có những dấu hiệu sau đây:

  • Chảy máu hậu môn kéo dài hơn 2 hoặc 3 tuần.
  • Trẻ em đi cầu ra máu tươi hoặc chảy máu trực tràng.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi, yếu.
  • Sờ và cảm nhận có khối u trong bụng.
  • Phân mỏng hơn, dài hơn hoặc mềm hơn bình thường trong 3 tuần hay nhiều hơn.
  • Táo bón kéo dài hoặc thay đổi thói quen đại tiện.
  • Có sự rò rỉ không kiểm soát từ hậu môn.
  • Các triệu chứng kèm theo: Sốt, buồn nôn hoặc nôn, đau, sưng hoặc bị đau bụng....

Có thể phòng ngừa đi cầu ra máu bằng cách nào?

Để hạn chế và phòng ngừa tình trạng đi cầu ra máu, bạn cần chủ động xây dựng một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh. Cụ thể:

Chế độ ăn uống

  • Cần tăng cường ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để cung cấp chất xơ, ngăn ngừa táo bón.
  • Uống đủ nước (từ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày).
  • Dừng ngay những thói quen ăn uống có thể gây hại cho sức khỏe như: ăn nhiều các chất cay nóng như riềng, ớt, tiêu hay sả...
  • Hạn chế các loại thức uống có chứa cồn và cafein như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá...

Thói quen sinh hoạt

  • Tăng cường vận động cơ thể khỏe mạnh với các bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng như bơi lội hay đi bộ...
  • Không nên đứng quá nhiều hay ngồi quá lâu hoặc bê vác những vật quá nặng.
  • Tạo thói quen đi đại tiện đều đặn. Tuyệt đối không nên nhịn đi cầu vì điều này sẽ làm cho phân cứng hơn và hiện tượng bị táo bón nặng hơn. Ngoài ra, không nên rặn mạnh khi đi cầu.
  • Giữ gì vệ sinh ở vùng hậu môn, lau nhẹ hậu môn sau khi đi đại tiện.
  • Cố gắng duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Cuối cùng, khi có những bất thường về đường tiêu hóa, hậu môn, trực tràng, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được kịp thời thăm khám và điều trị.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang suckhoedoisong.vn
  2. Trang vinmec.com

Táo bón lâu ngày nguy hiểm như thế nào? : Táo bón là bệnh được hình thành chủ yếu từ những thói quen xấu hàng ngày mà rất nhiều người mắc phải. Nếu không sớm khắc phục, táo bón sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho sức khỏe.

Tại sao bé bị nứt hậu môn trị hoài không khỏi? : Nứt hậu môn ở trẻ em mang đến nhiều đau đớn, phiền toái trong sinh hoạt và cuộc sống của trẻ. Vậy điều trị tình trạng trẻ bị nứt hậu môn như thế nào để mau khỏi bệnh?

Bình luận