Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ho mãn tính: Nguyên nhân và cách chữa trị

(VOH) - Ho mãn tính là tình trạng ho tái diễn liên tục, nếu không điều trị, tình trạng ho có thể làm hại đến các cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là phổi. Vậy bị ho mãn tính chữa bằng cách nào?

Ho mãn tính là tình trạng ho kéo dài hơn vài tuần hoặc vài tháng, đôi khi vài năm. Tình trạng này chỉ khỏi khi nguyên nhân cơ bản được điều trị.

1. Nguyên nhân gây ho mãn tính

Thực tế, ho là một phản xạ tốt của cơ thể nhằm làm sạch các chất kích thích, chất tiết từ phổi và cũng ngăn ngừa lây nhiễm bệnh. Nếu thỉnh thoảng bạn ho vài tiếng thì điều này là bình thường, nhưng nếu ho dai dẳng trong nhiều tuần không khỏi thì nó có thể do các bệnh lý gây ra. Các nguyên nhân khiến bạn ho dai dẳng (ho mãn tính) phổ biến nhất là:

ho-man-tinh-nguyen-nhan-va-cach-chua-tri-voh

Ho mãn tính, dai dẳng khiến người bệnh vô cùng khó chịu (Nguồn: Internet)

1.1 Chảy mũi sau

Khi mũi hoặc xoang tạo ra nhiều dịch nhầy, chúng có thể chảy xuống mặt sau của cổ họng và kích hoạt phản xạ ho. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng ho đường hô hấp trên.

1.2 Bệnh hen suyễn

Ho do hen suyễn thường xảy ra theo mùa, xuất hiện sau khi bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc khi bạn tiếp xúc với không khí lạnh hay một số hóa chất, nước hoa. Trong bệnh hen suyễn, ho là triệu chứng chính.

1.3 Trào ngược dạ dày

Khi bị trào ngược dạ dày, bạn không điều trị, axit dạ dày liên tục chảy ngược lên thực quản, điều này có thể khiến bạn ho thường xuyên hơn.

1.4 Nhiễm trùng

Mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, cúm, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác của đường hô hấp không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng ho mãn tính.

1.5 Viêm phế quản mãn tính

Tình trạng viêm phế quản lâu ngày có thể khiến bạn bị ho mãn tính, đôi khi ho có đàm. Hầu hết những người bị viêm phế quản mãn tính là những người đang hoặc từng hút thuốc lá. Bệnh này là một phần của bệnh phổi liên quan đến thuốc lá, còn được gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

1.6 Một số nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân trên, ho mãn tính cũng có thể do:

  • Hít sặc.
  • Giãn phế quản (đường dẫn khí bị hư hỏng).
  • Viêm tiểu phế quản.
  • Bệnh xơ nang.
  • Trào ngược hầu thanh quản (axit dạ dày chảy vào cổ họng).
  • Ung thư phổi.
  • Viêm phế quản dị ứng không phải bệnh hen suyễn.
  • Bệnh Sarcoidosis (tập hợp các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, thường là phổi).
  • Thuốc huyết áp (thuốc ức chế men chuyển thường được kê toa đối với bệnh cao huyết áp và suy tim, thuốc này cũng có thể gây ho mãn tính ở một số người).

Như vậy, tình trạng ho mãn tính do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do các bệnh lý ở đường hô hấp trên.

2. Ho mãn tính có chữa được không?

Ho mãn tính thường biến mất khi bạn điều trị dứt điểm nguyên nhân. Vì vậy, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân gây ho mãn tính để chữa dứt điểm tình trạng này.

Nếu nhận thấy cơn ho kéo dài trên 5 ngày không khỏi thì bạn nên đi khám ngay. Sau khi xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn “loại bỏ” nguyên nhân, khi đó ho mãn tính sẽ tự biến mất.

ho-man-tinh-nguyen-nhan-va-cach-chua-tri-voh

Thuốc trị hen dạng xịt (Nguồn: Internet)

Đối với những người bị ho mãn tính, thường việc dùng thuốc chữa ho sẽ không có hiệu quả. Vì vậy, thay vì dùng thuốc ho, bạn nên chuyển hướng điều trị bằng các loại thuốc khác dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Các thuốc thường được bác sĩ chỉ định ho mãn tính bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin và chống sung huyết (khi bị ho kích ứng và chảy dịch mũi sau).
  • Thuốc điều trị hen dạng xịt (hiệu quả nhất trong hen phế quản thể ho).
  • Các thuốc kháng sinh nếu ho do nhiễm khuẩn.
  • Thuốc ức chế tiết dịch vị dạ dày nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản.
  • Các thuốc loãng đờm giúp dễ dàng bài xuất đờm ra ngoài thông qua phản xạ ho.
  • Rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
  • Khí dung tại chỗ bằng thuốc kháng sinh giúp chống viêm, được sử dụng tùy theo biểu hiện và nguyên nhân.

Như vậy, ho mãn tính sẽ được chữa khỏi khi bạn xác định được nguyên nhân và tích cực điều trị để loại bỏ nguyên nhân đó. Khi đó, cơn ho dai dẳng sẽ không còn gây phiền toái đến sức khỏe cũng như cuộc sống của bạn nữa.

3. Làm gì để ngăn ngừa ho tái phát?

Nếu không chú ý vấn đề chăm sóc sức khỏe, cơn ho có thể quay lại “làm phiền” bạn, do đó, bạn cần chú ý một số vấn đề sau để ngăn ngừa ho tái phát:

  • Uống đủ nước mỗi ngày: Nước làm loãng dịch trong họng nên khi uống nhiều nước cổ họng bạn sẽ dễ chịu hơn, không bị kích ứng và ho. Các loại nước ấm sẽ tốt hơn cho cổ họng của bạn.
  • Tránh khói thuốc lá: Hút thuốc hoặc hít khói thuốc lá sẽ gây kích ứng phổi và đường hô hấp khiến bạn bị ho thường xuyên. Vì vậy, hãy ngừng hút thuốc hoặc tránh xa khói thuốc lá để ngăn ngừa cơn ho tái phát.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Nếu cần thiết, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn những thực phẩm lành mạnh và hạn chế các thực phẩm dễ gây kích ứng họng như tiêu, ớt,…Bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
  • Tránh bị nhiễm bệnh: Bạn nên tránh xa bất cứ ai đang mắc bệnh truyền nhiễm để không tiếp xúc với vi khuẩn. Hãy rửa tay thường xuyên và không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
  • Tránh hít khói bụi: Khi đi ra đường nên che chắn cẩn thận để tránh hít phải khói, bụi ô nhiễm để tránh gây hại cho phổi và phòng ngừa ho tái phát.
Bình luận