Chờ...

Sỏi amidan là gì, có cần chữa không?

( VOH ) - Tìm triệu chứng và nguyên nhân gây sỏi amidan để chủ động nhận biết và phòng tránh là điều rất cần thiết. Dưới đây là những kiến thức hữu ích về bệnh sỏi amidan mà ai cũng cần biết.

1. Sỏi amidan là gì?

Sỏi amidan (tên tiếng Anh là Tonsil stone) còn gọi là bã đậu amidan là những khối nhỏ màu trắng hoặc vàng xuất hiện xung quanh 2 túi amidan trong vòm họng.

Đa số các trường hợp sỏi amidan gây ra nuốt vướng, rất khó chịu, đôi lúc có cảm giác giống như hóc xương, đau nhói lan lên tai và cũng là một trong những nguyên nhân làm hơi thở có mùi.

soi-amidan-la-gi-co-can-chua-khong-voh-1

Hình ảnh sỏi amidan trong vòm họng (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân bị sỏi amidan?

Sỏi amidan hình thành chủ yếu do ở thành sau họng xuất hiện các khoáng chất lắng cặn, tạo nên các tinh thể. Trong đó canxi là thành phần chính, ngoài ra còn chứa một lượng nhỏ amoniac, photpho, magie cacbonat.

Do kết cấu bề mặt amidan có nhiều chỗ lồi lõm, dễ dung nạp những chất lắng cặn, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Khi amidan bị kết sỏi sẽ gây hôi miệng.

Ở bệnh nhân bị viêm amidan mạn tính, dễ gặp sỏi amidan.

3. Sỏi amidan có nguy hiểm không?

Bệnh sỏi amidan hầu như không nguy hiểm cho sức khỏe ngay cả khi chúng gây khó chịu. Kích thước một hạt sỏi thường rất nhỏ, bạn có thể loại bỏ chúng bằng cách súc miệng nước muối hay “cạy” ra bằng tay. Tuy nhiên, nếu trong cổ họng có một lượng lớn sỏi amdian và không xử lý kịp thời thì kích thước sỏi amidan sẽ không ngừng phát triển. Mặc dù sỏi amdian không gây nguy hiểm nhưng cũng gây ra một số tác hại lớn đến cuộc sống sinh hoạt như:

  • Sỏi amidan gây hôi miệng: Trong quá trình xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ gặp sỏi amidan sống xung quanh 2 túi amidan ở vòm họng. Sỏi amidan có thể là thức ăn của vi khuẩn, từ đó làm gia tăng sự phát triển của chúng, dẫn đến hậu quả là amidan bị viêm và sưng tấy nghiêm trọng. Trong quá trình này, một số vi khuẩn khi tiêu hóa sỏi sẽ thải ra khí sulfur có mùi thối đặc trưng, khiến hơi thở của bạn bị nặng mùi.
  • Gây đau họng: Kích thước sỏi amidan càng to, tình trạng viêm amidan càng trở nên trầm trọng hơn, đồng thời gây ra các triệu chứng khó chịu như viêm họng, sốt cao,…
  • Khó nuốt: Sỏi amidan có thể gây trở ngại cho quá trình nuốt thức ăn.
  • Đau tai, ù tai: Do có dây thần kinh liên kết amdian với tai nên khi amidan bị viêm, tai cũng có thể bị ảnh hưởng. Bạn có thể bị đau tai, ù tai trong trường hợp sỏi amidan to.

4. Sỏi amidan có tự khỏi không?

Sỏi amidan cần được bạn chủ động loại bỏ thông qua một số phương pháp tự nhiên dưới đây:

4.1 Súc miệng bằng nước muối

Bạn nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối hoặc dùng loại nước súc miệng bán sẵn ở các hiệu thuốc (không chứa cồn) để súc miệng. Cách này giúp ngăn chặn các khoáng chất, các thành phần chất kết sỏi không bị lắng cặn nữa.

Việc dùng nước muối súc miệng cũng thích hợp cho những người bị viêm đau họng, hỗ trợ giúp giảm các triệu chứng đau họng.

4.2 Uống nhiều nước

Cách đơn giản để loại bỏ sỏi amidan là uống nhiều nước. Việc uống nhiều nước có tác dụng giúp sỏi amidan bị tan nhỏ ra, tránh sự tích tụ hình thành sỏi trong amidan.

4.3 Uống nước chanh

soi-amidan-la-gi-co-can-chua-khong-voh-2

Uống nước chanh để loại bỏ sỏi amidan (Nguồn: Internet)

Trong nước chanh rất giàu vitamin C có thể hỗ trợ loại bỏ tình trạng kết sỏi amidan. Bạn có thể dùng 3 muỗng nước cốt chanh pha với nước ấm, vừa uống, vừa súc miệng, việc này giúp làm sạch các khu vực xung quanh amidan và họng cũng như khoang miệng rất tốt.

4.4 Ăn tỏi

Trong tỏi có chất ức chế sự sinh sản của vi khuẩn, giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại trong miệng. Sở dĩ amidan bị kết sỏi là do vi khuẩn gây ra các phản ứng viêm. Vì vậy có thể thực hiện việc ăn tỏi sống để ức chế vi khuẩn phát triển. Mỗi ngày chỉ cần ăn một vài lát tỏi nhỏ cũng giúp cải thiện tình hình.

Lời khuyên: Hàng ngày bạn cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thay bàn chải định kỳ. Một ngày nên đánh răng 3 lần: buổi sáng khi thức dậy, sau khi ăn trưa và trước khi đi ngủ tối để phòng tránh bị kết sỏi amidan và giữ sạch răng miệng.