Sốt tinh hồng nhiệt ở trẻ là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

(VOH) – Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh có khả năng lây truyền cao nên các bậc cha mẹ cần phải hết sức quan tâm nếu thấy trẻ mắc phải căn bệnh này.

1. Sốt tinh hồng nhiệt là bệnh gì?

Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của amidan hay nhiễm trùng da, thường gặp ở những người trước đó có viêm họng hoặc bị chốc. Bệnh do vi khuẩn thuộc chủng liên cầu tan huyết nhóm A, đôi khi là do tụ cầu vàng gây ra. Bệnh đặc trưng bởi các chấm màu đỏ - hồng, bóng, bao phủ toàn bộ cơ thể. Độc tố của vi khuẩn liên cầu nhóm A gây ra ban trong sốt tinh hồng nhiệt.

Bệnh sốt tinh hồng nhiệt thường xảy ra ở trẻ em từ 2 – 10 tuổi. Khoảng 80% trẻ trên 10 tuổi có kháng thể kháng độc tố liên cầu suốt đời, trẻ dưới 2 tuổi vẫn còn kháng thể kháng ngoại độc tố có được từ mẹ. Tỷ lệ giữa nam và nữ bị sốt tinh hồng nhiệt là như nhau.

2. Nguyên nhân và con đường lây truyền sốt tinh hồng nhiệt

Nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A chính là nguyên nhân gây ra sốt tinh hồng nhiệt. Loại vi khuẩn này tiết ra một chất độc và tạo ra những phản ứng trong cơ thể gây ban đỏ. Đôi khi những bệnh liên quan đến da như bệnh chốc cũng có thể dẫn đến sốt tinh hồng nhiệt.

Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh truyền nhiễm. Liên cầu khuẩn nhóm A lây từ người này sang người khác qua các giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp do ho, hắt hơi,...

Nguồn bệnh cũng có thể có ở người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng bệnh. Theo thống kê, khoảng 15 – 20% trẻ em trong lứa tuổi đi học thuộc nhóm người lành mang vi khuẩn. Người mang vi khuẩn phải có cơ địa nhạy cảm với độc tố liên cầu khuẩn mới phát bệnh. Vì vậy, trong gia đình có 2 trẻ cùng mang vi khuẩn nhưng chỉ có 1 trẻ tiến triển thành số tinh hồng nhiệt.

sot-tinh-hong-nhiet-o-tre-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-voh

Sốt tinh hồng nhiệt có thể lây qua những tổn thương ở da (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây do có những tiếp xúc trực tiếp với những thương tổn ở da, dùng chung quần áo, vật dụng nhiễm khuẩn...

2.1 Các yếu tố nguy cơ

  • Trẻ đang sống trong các khu tập thể đông đúc như trường học, nhà trẻ...
  • Trẻ trên 2 tuổi.
  • Trẻ có tiếp xúc với người bị viêm họng hoặc nhiễm khuẩn da.

3. Dấu hiệu và triệu chứng sốt tinh hồng nhiệt

Sốt tinh hồng nhiệt thường có thời gian ủ bệnh từ khoảng 1 – 4 ngày. Các triệu chứng thường là:

  • Bắt đầu với dấu hiệu sốt cao đột ngột kèm theo đau bụng, nổi hạch vùng cổ sưng to, đau đầu, buồn nôn, ăn không ngon miệng, lưỡi sưng đỏ, mệt mỏi.
  • Ban tinh hồng nhiệt sẽ xuất hiện sau khi có dấu hiệu sốt từ 12 – 48 giờ. Vị trí xuất hiện đầu tiên sẽ là vùng dưới tai, cổ, ngực, nách, háng. Sau đó sẽ lan ra các vùng khác của cơ thể sau 24 giờ tiếp theo. Ban dạng thô, nhỏ, bóng, đồng đều, có nơi tập trung thành mảng. Khi thưởng tổn da lan rộng, sờ vào da có cảm giác như sờ vào giấy nhám.
  • Các nếp gấp của cơ thể, đặc biệt là ở vùng nách và khủy, các mạch máu mỏng manh có thể vỡ, tạo thành các đường đỏ (gọi là đường pastia), tồn tại 1 – 2 ngày sau khi ban đỏ đã biến mất.
  • Gây ngứa ngáy.

Nếu không được điều trị, tình trạng sốt và ban đỏ sẽ tiến triển nghiêm trọng vào ngày thứ 2 và từ từ về bình thường trong 5 – 7 ngày tiếp theo. Sau đó, các ban đỏ bắt đầu mờ, bong da, giống như diễn biến của bỏng nắng. Ở các vùng như nách, háng, đầu ngón tay, chân, da sẽ bong lâu hơn, thậm chí kéo dài đến 6 tuần.

4. Chẩn đoán và điều trị sốt tinh hồng nhiệt

Thông thường việc chẩn đoán trẻ bị sốt tinh hồng nhiệt thường dựa vào diễn biến của bệnh và các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, có thể dựa vào các xét nghiệm như:

  • Nuôi cấy vi khuẩn hoặc xét nghiệm nhanh liên cầu từ bệnh phẩm vùng hầu hoặc từ hạch amidan.
  • Định lượng kháng thể kháng deoxyribonuclease và kháng thể kháng streptolysin O (ASLO).

sot-tinh-hong-nhiet-o-tre-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Sốt tinh hồng nhiệt có thể được chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng (Nguồn: Internet)

Sau khi chẩn đoán, nếu xác định nguyên nhân là do nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh cho trẻ đủ liều và đủ thời gian. Thời gian điều trị khoảng 10 ngày.

Thông thường, tình trạng sốt sẽ cải thiện sau 12 – 24 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện da có thể kéo dài trong vài tuần.

Lưu ý: Các triệu chứng có thể sẽ thuyên giảm rất nhanh sau khi dùng thuốc. Song, không vì thế mà cha mẹ ngừng thuốc ở trẻ, vì thuốc cần phải uống đủ liều lượng để tránh các biến chứng.

5. Sốt tinh hồng nhiệt có thể dẫn đến biến chứng nào?

Mặc dù hiện nay, sốt tinh hồng nhiệt đã có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và hầu như đã được loại bỏ ở những nước phát triển. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp trẻ bị sốt tinh hồng nhiệt có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm xoang, viêm tai, viêm phổi, viêm não... Ngoài ra, bé cũng có thể gặp một số biến chứng nghiêm trọng hơn sau vài tuần như viêm cầu thận, viêm tủy xương...

6. Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh sốt tinh hồng nhiệt

Trẻ bị sốt tinh hồng nhiệt cần có một chế độ chăm sóc tốt, vì thế cha mẹ cần:

  • Điều chỉnh nhiệt độ phòng bé phù hợp.
  • Đừng cho bé mặc quá nhiều quần áo khi bé đang bị sốt.
  • Duy trì độ ẩm của cơ thể trẻ bằng cách cho bé uống nhiều nước.
  • Cho bé ăn những món ăn mềm và lỏng như: cháo thịt bằm với hành, súp...

6.1 Biện pháp phòng ngừa

Sốt tinh hồng nhiệt là bệnh dễ lây nhiễm. Do đó, cha mẹ nên chú ý những điều sau để tránh lây lan cho các thành viên khác trong gia đình:

  • Dùng ly, tách và đồ dùng ăn uống riêng, phải rửa với nước nóng và xà phòng trước và sau khi sử dụng.
  • Tạm thời cho bé nghỉ học.
  • Dạy bé cách sử dụng khăn giấy che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho để tránh sự lây lan. Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
  • Cắt móng tay cho bé để ngăn việc bé gãy khi vết ban gây ngứa.