Thoát vị bẹn là bệnh gì, điều trị như thế nào?

(VOH) - Thoát vị bẹn là bệnh lý phổ biến nhưng ít ai có hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thoát bị bẹn để chủ động nhận biết và điều trị kịp thời.

1. Thoát vị bẹn là bệnh gì?

Thoát vị bẹn là túi phình ở vùng bẹn. Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mềm – thường là một phần của màng tế bào lót các khoang bụng (mạc nối) hoặc một phần của ruột bị trồi ra và chui vào túi thoát vị. Bệnh có thể gây đau, đặc biệt là khi ho, cúi xuống hoặc nhấc một vật nặng.

thoat-vi-ben-la-benh-gi-dieu-tri-nhu-the-nao-voh

Thoát vị bẹn là bệnh bẩm sinh hoặc xảy ra đột ngột do yếu tố nguy cơ tác động (Nguồn: Internet)

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh chiếm 0.8 – 4.4% bệnh lý ở trẻ em. Ngoài ra, thoát vị bẹn cũng có thể gặp ở người trưởng thành, nam giới nhiều hơn nữ giới.

2. Nguyên nhân thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn có thể bị ngay từ khi mới sinh hoặc xảy ra một cách đột ngột. Thoát vị được gây ra bởi sự kết hợp của yếu cơ vùng bẹn và tăng áp lực xảy ra tại chỗ thoát vị.

Thoát vị bẹn gián tiếp xảy ra khi khối thoát vị chui qua nơi yếu nhất của thành bụng là hố bẹn ngoài, thường gặp ở người trưởng thành. Loại thoát vị bẹn này xảy ra ở nam giới. Các yếu tố gây áp lực lên các cơ bụng và gây thoát vị bẹn là: có sự xoắn đột ngột co kéo hoặc thủng cơ, khiêng vác vật nặng, táo bón lâu ngày, tăng cân và bệnh ho mạn tính. Vị trí thoát vị nằm sát gốc dương vật, gần đường giữa và dưới vùng nếp gấp thấp nhất của vùng bụng dưới, có thể xuống tới bìu.

Thoát vị bẹn trực tiếp thường là thoát vị bẹn bẩm sinh, loại này cũng phổ biến ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ cao thoát vị bẹn:

  • Giới tính: Thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng nơi này khá yếu. Nữ giới thường ít gặp thoát vị bẹn và thường chỉ bị khi có bệnh lý làm tăng áp lực ổ bụng hoặc sau phẫu thuật.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ thoát vị bẹn tăng nếu bạn có một người thân, như cha mẹ hoặc anh chị em bị tình trạng như vậy.
  • Bị xơ nang: Những người bị xơ nang, một bệnh lý gây tổn thương phổi nghiêm trọng, thường bị ho mãn tính và tăng khả năng mắc thoát vị bẹn.
  • Táo bón mãn tính: Rặn khi đi ngoài là một yếu tố nguy cơ phổ biến của chứng thoát vị bẹn.
  • Thừa cân: Tình trạng này tạo thêm áp lực lên bụng của người bệnh, làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn.
  • Mang thai: Điều này có thể làm suy yếu cả các cơ bụng và gây tăng áp lực trong ổ bụng.
  • Một số ngành nghề: Có một số công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn.
  • Trẻ sinh non.

3. Nhận biết triệu chứng thoát vị bẹn bằng cách nào?

Thoát vị bẹn có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Đôi khi, người bệnh cảm thấy đau hoặc căng tức vùng bẹn. Thông thường, người bệnh có thể tự đẩy chỗ túi thoát vị trở vào trong hoặc túi thoát vị này có thể biến mất khi người bệnh nằm xuống.

Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh thường nhận biết bằng cách: gia đình kiểm tra và phát hiện có một khối phồng ở vùng bẹn, bìu đối với bé trai và vùng mu – môi lớn đối với bé gái. Khối phồng này thường có từ nhỏ, có thể có ngay sau khi đẻ. Khối phồng này to lên khi trẻ ho, khóc, chạy nhảy và thường tự mất khi nằm yên, khi ngủ. Trẻ thường được đưa đi khám trong tình trạng đau, nôn, khối thoát vị không lên được.

4. Thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

Thoát vị bẹn nếu không điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng gồm có:

thoat-vi-ben-la-benh-gi-dieu-tri-nhu-the-nao-voh

Thoát vị bẹn không điều trị sẽ gây nghẹt hoại tử ruột (Nguồn: Internet)

  • Thoát bị bẹn nghẹt: Khoảng 20% số bệnh nhân có thể bị nghẹt hoại tử ruột do thoát vị bẹn, nhưng thường gặp nhất là trẻ em trong 3 tháng đầu sau đẻ. Thoát vị bẹn nghẹt xảy ra khi các mô trong túi thoát vị bị xoắn lại. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi và không được cung cấp đủ máu. Thoát vị bẹn nghẹt có thể gây ra các triệu chứng như sốt và vùng thoát vị bị sưng, đỏ, viêm và rất đau.
  • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ bị thoát bị bẹn sẽ bị rối loạn tiêu hóa gây chậm lớn.

Ngoài ra, thoát vị bẹn còn có thể gây ra biến chứng như xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn.

Thực tế, nhiều gia đình của bệnh nhân chia sẻ rằng, biết con mình có bệnh nhưng nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên. Vì vậy, các trường hợp đó thường đến bệnh viện điều trị trong tình trạng bị nghẹt ruột, có trường hợp hoại tử ruột và có cả bệnh nhân bị nghẹt hoại tử cả tinh hoàn.

5. Điều trị thoát vị bẹn bằng cách nào?

Bác sĩ chuyên khoa II. Nguyễn Thanh Tùng – Phụ trách khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) cho biết, mổ thoát vị bẹn là phương pháp duy nhất điều trị bệnh lý thoát vị bẹn. Thực tế có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn được áp dụng trên thế giới và cả Việt Nam. Tuy nhiên, đa số các kỹ thuật này còn nhiều hạn chế như bệnh nhân đau sau mổ, thiếu máu nuôi lớp khâu, sẹo lành không tốt, tỷ lệ tái phát cao.

thoat-vi-ben-la-benh-gi-dieu-tri-nhu-the-nao-voh

Mổ thoát vị bẹn là phương pháp điều trị duy nhất (Nguồn: Internet)

Ngày nay, để giảm tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật, người ta sử dụng mổ nội soi đặt tấm lưới nhân tạo để vá vào chỗ yếu của vùng bẹn nhằm làm tăng cường sự vững chắc của thành sau ống bẹn.

Với kỹ thuật mổ hiện nay, bệnh nhân sẽ có vết mổ nhỏ, nằm theo nếp lằn bụng dưới nên thẩm mỹ đẹp. Thời gian nằm viện điều trị trung bình là 2 ngày.

6. Lời khuyên

Vì bệnh thoát vị bẹn phổ biến ở trẻ em hơn nên khi phát hiện thấy các khối u vùng bẹn, bẹn - bìu ở bé trai hoặc bẹn - môi lớn ở bé gái thì nên đưa bé tới khám tại các chuyên khoa phẫu thuật nhi. Thoát vị bẹn là bệnh thường gặp ở trẻ sinh thiếu tháng nên các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý hơn ở những trẻ này. Quan niệm bệnh "Không sao cả, bệnh sẽ khỏi khi trẻ lớn lên” là quan điểm sai lầm. Cũng không nên chờ trẻ lớn mới phẫu thuật mà cần đưa trẻ đi mổ càng sớm càng tốt.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới