Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm phổi thùy và những kiến thức nên biết

(VOH) - Có 2 dạng viêm phổi phổ biến là viêm phổi thùy và viêm phế quản phổi. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu đầy đủ về bệnh viêm phổi thùy để dễ dàng nhận biết và điều trị kịp thời.

1. Viêm phổi thùy là gì?

Viêm phổi thùy là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương nhu mô phổi bao gồm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức mô liên kết và tiểu phế quản tận cùng.

viem-phoi-thuy-va-nhung-kien-thuc-nen-biet-voh

Viêm phổi thùy do nhiều tác nhân gây bệnh (Nguồn: Internet)

2. Tác nhân gây viêm phổi thùy

Viêm phổi thùy là bệnh cảnh lâm sàng gây tổn thương tổ chức phổi, nguyên nhân do nhiều loại mầm bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, hóa chất,…gây nên. Cụ thể:

  • Vi khuẩn: Nhóm vi khuẩn thường gây viêm phổi thùy bao gồm phế cầu khuẩn, liên cầu, tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm, thương hàn, dịch hạch, Haemophilus influenza, Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae…
  • Virus: Virus cúm, virus sởi, virus đậu mùa, Adenovirus,…Theo thống kê từ nhiều chuyên gia, 73% trường hợp viêm phổi, kể cả viêm phổi thùy, bắt nguồn từ virus. Trong đó, tác nhân virus cúm chiếm đến 40%.
  • Nấm: Actinomyces, Blastomyces, Aspergillus…
  • Ký sinh trùng: Amip, giun đũa, sán lá phổi.
  • Hóa chất: Xăng, dầu, axit, dịch dạ dày.
  • Tia bức xạ, tắc phế quản do u phế quản phổi…

Các tác nhân này có thể xâm nhập vào cơ thể dễ dàng và gây viêm phổi thùy là nhờ các yếu tố thuận lợi sau đây:

  • Thời tiết lạnh, giao mùa.
  • Người có cơ thể suy yếu, suy giảm miễn dịch, nhất là người già và trẻ em.
  • Nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
  • Người phải nằm lâu, điều trị bệnh dài ngày.
  • Biến dạng lồng ngực như gù, vẹo cột sống.
  • Mắc bệnh tắc nghẽn như COPD, hen phế quản.
  • Mắc các bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm amidan.

3. Biểu hiện của viêm phổi thùy

Khi bị bệnh viêm phổi thùy, người bệnh sẽ có những biểu hiện cụ thể trong từng giai đoạn bệnh.

3.1 Giai đoạn khởi phát

Người bệnh thường sốt cao (39 – 40 độ C), rét run, đau ngực, khó thở, mất khẩu vị…Đôi khi bị rối loạn tiêu hóa gây đau bụng, nôn. Bệnh nhân có thể lên cơn co giật toàn thân, thường gặp ở trường hợp viêm phổi thùy ở trẻ em.

3.2 Giai đoạn toàn phát

Sau 2 – 3 ngày, bệnh nhân sốt cao liên tục, khát nước, chướng bụng, buồn nôn và nôn, đờm đặc, đôi khi có máu, lượng nước tiểu ít và sẫm màu. 

Nếu tình trạng bệnh trở nặng, người bệnh có nguy cơ đối mặt với tình trạng suy hô hấp cấp, gan sưng và đau, vàng da hoặc xuất huyết dưới da, rối loạn tiêu hóa.

3.3 Giai đoạn lui bệnh

Đối với những người có sức đề kháng tốt và phương hướng điều trị hợp lý, bệnh viêm phổi thùy sẽ lui bệnh sau 7 – 10 ngày. Điều này đồng nghĩa với các triệu chứng viêm phổi thùy cũng sẽ thuyên giảm.

4. Biến chứng của viêm phổi thùy

Nếu không có biện pháp điều trị hợp lý, viêm phổi thùy có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bao gồm:

  • Tình trạng viêm lan rộng.
  • Xẹp thùy phổi hay áp xe phổi.
  • Tràn dịch màng phổi (số lượng ít).
  • Viêm mủ màng phổi.
  • Tràn dịch màng ngoài tim.
  • Các biến chứng nguy hiểm khác như viêm màng não, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc, viêm màng trong tim…

Vì có thể gây biến chứng nguy hiểm nên bệnh viêm phổi thùy cần được nhận biết sớm để được điều trị kịp thời. Do đó, nếu có bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ viêm phổi thùy thì bạn nên đi thăm khám ngay.

5. Điều trị viêm phổi thùy bằng cách nào?

Tùy vào thể trạng cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị bệnh viêm phổi thùy thích hợp.

5.1 Điều trị triệu chứng

Người bệnh thường dùng thuốc để khắc phục các triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc hạ sốt và giảm đau:
  • Dùng oxy qua sonde mũi 3 – 5 lít/phút tùy mức độ, để giải quyết vấn đề suy hô hấp.
  • Thuốc giãn phế quản.
  • Thuốc giảm ho và tiêu đờm. 

5.2 Điều trị nguyên nhân

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị sau khi xác định được tác nhân gây bệnh viêm phổi thùy. 

viem-phoi-thuy-va-nhung-kien-thuc-nen-biet-voh

Viêm phổi thùy chủ yếu điều trị bằng thuốc (Nguồn: Internet)

5.3 Điều trị tại bệnh viện

Trong giai đoạn toàn phát, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị tại cơ sở y tế. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh tiêm vào tĩnh mạch thông qua quá trình tiếp nước.
  • Liệu pháp oxy nhằm duy trì oxy thiết yếu của cơ thể.
  • Điều chỉnh tình trạng mất nước.
  • Vật lý trị liệu để làm sạch đờm trong phổi.

Thông thường, nếu điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh viêm phổi thùy sẽ được đẩy lùi. Nếu gặp triệu chứng ho trong quá trình điều trị, bạn đừng quá lo lắng vì đây là một phần thuộc quá trình hồi phục, ho là cơ chế giúp đẩy đờm ra khỏi phổi nhanh hơn.

6. Làm sao để phòng bệnh viêm phổi thùy?

Thực hiện một lối sống khỏe là “chìa khóa vàng” để bạn phòng bệnh viêm phổi thùy. Một lối sống khỏe mạnh có thể gồm:

  • Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng.
  • Luôn giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.
  • Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
  • Sử dụng vắc xin phòng bệnh đúng cách.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Tránh những khu vực bị ô nhiễm.

Như vậy, bệnh viêm phổi thùy là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến. Ngày nay, nhờ vào nhiều loại kháng sinh mới, mạnh nên tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao và tỷ lệ mắc phải biến chứng cũng giảm. Tuy vậy, bạn cũng cần học cách đề phòng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Bình luận