- Tẩy tế bào chết khi nào?
- 1 tuần tẩy tế bào chết mấy lần?
- Tẩy tế bào chết nằm ở bước nào trong quy trình chăm sóc da?
- Có cần rửa mặt trước khi tẩy tế bào chết?
- Tẩy tế bào chết xong có nên rửa mặt?
- Cần chú ý gì sau khi tẩy tế bào chết?
- Xử lý thế nào khi da phản ứng với việc tẩy tế bào chết?
- Có nên dùng sản phẩm tẩy tế bào chết body cho mặt và ngược lại?
- Chúng ta có thể kết hợp các phương pháp tẩy da chết hay sử dụng cùng lúc nhiều loại tẩy da chết hóa học được không?
- 10. Nên sử dụng tẩy tế bào chết hóa học hay tẩy tế bào chết vật lý?
Tương tự như các bước skincare khác, tẩy tế bào chết cũng chỉ phát huy hiệu quả khi được thực hiện đúng cách. Chính vì vậy, bên cạnh việc hiểu rõ loại tẩy da chết nào phù hợp với làn da của mình hay cách kết hợp chúng vào quy trình chăm sóc da thì bạn cũng cần phải lưu ý những gạch đầu dòng sau.
1. Tẩy tế bào chết khi nào?
Tùy vào thói quen chăm sóc da cũng như sở thích mà mọi người có thể lựa chọn thời điểm tẩy tế bào chết (nhưng phải chú ý đến tần suất). Tuy nhiên, sẽ có một vài gợi ý dành cho bạn:
- Tẩy tế bào chết vào buổi tối (chu trình skincare buổi tối) sẽ giúp da có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục tốt hơn do chúng không phải tiếp xúc với tác nhân gây hại hay ánh nắng từ môi trường khi đang nhạy cảm.
- Tẩy tế bào chết trước khi trang điểm giúp bạn có lớp makeup bền đẹp, mịn màng hơn.
- Tẩy tế bào chết khi da có dấu hiệu thô ráp, sần sùi, xỉn màu… sẽ giúp bạn lấy lại làn da rạng rỡ, mịn mượt, khỏe mạnh.
- Tẩy tế bào chết trước khi áp dụng một số biện pháp chăm sóc da như đắp mặt nạ, xông mặt… sẽ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện vừa giúp bạn nhận được nhiều lợi ích nhất có thể.
2. 1 tuần tẩy tế bào chết mấy lần?
Tần suất tẩy tế bào chết trung bình trong 1 tuần lý tưởng nhất là khoảng 1 – 2 lần. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại da, vấn đề da, vùng da, phương pháp/ sản phẩm sử dụng cũng như nhu cầu mà con số này có thể thay đổi. Ví như:
- Da dầu, da hỗn hợp có thể tẩy tế bào chết thường xuyên hơn da khô, da nhạy cảm.
- Tần suất tẩy tế bào chết vào mùa lạnh thường ít hơn vào mùa nóng vì da có xu hướng nhạy cảm và dễ bị kích thích.
- Tần suất tẩy tế bào chết môi, tẩy tế bào chết mặt thường nhiều hơn tẩy tế bào chết toàn thân (body).
- Bên cạnh đó, các dạng sản phẩm tẩy tế bào chết khác nhau cũng sẽ có cách sử dụng hay tần suất sử dụng khác nhau.
Do đó, hãy dựa vào những gợi ý trên cũng như nhu cầu của làn da, hướng dẫn sử dụng từ chính sản phẩm mà bạn lựa chọn… để có được đáp án phù hợp nhất.
3. Tẩy tế bào chết nằm ở bước nào trong quy trình chăm sóc da?
Trong quy trình chăm sóc da, tẩy tế bào chết thường được áp dụng ngay sau bước tẩy trang – rửa mặt và trước bước toner – essence… Tuy nhiên, từng loại sản phẩm tẩy tế bào chết sẽ có cách sử dụng khác nhau nên bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
4. Có cần rửa mặt trước khi tẩy tế bào chết?
Làm sạch da trước khi tẩy tế bào chết là việc cần thiết vì nó sẽ giúp bạn loại bỏ lớp trang điểm, bụi bẩn, dầu thừa, tạp chất… tích tụ từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của sản phẩm/ công cụ.
5. Tẩy tế bào chết xong có nên rửa mặt?
- Với tẩy tế bào chết vật lý: chúng ta cần phải rửa lại mặt để loại bỏ sản phẩm cũng như da chết, cặn bẩn khỏi da.
- Với tẩy tế bào chết hóa học: trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không cần phải rửa mặt sau khi sử dụng sản phẩm, tuy nhiên sẽ có những trường hợp đặc biệt nên hãy đảm bảo bạn đọc kỹ hướng dẫn từ nhà sản xuất.
6. Cần chú ý gì sau khi tẩy tế bào chết?
Sau khi tẩy tế bào chết, da sẽ khá nhạy cảm, dễ bị mất nước nên chúng ta phải đặc biệt chú trọng tới tới 2 việc:
- Một là, cấp ẩm, dưỡng ẩm, làm dịu.
- Hai là, thoa kem chống nắng, che chắn da cẩn thận.
7. Xử lý thế nào khi da phản ứng với việc tẩy tế bào chết?
Tẩy tế bào chết không đúng cách hay tẩy tế bào chết quá mức đều có thể khiến da gặp phải các phản ứng không mong muốn như đỏ, ngứa, kích ứng, viêm, khô, bong tróc, đổ dầu quá mức, nổi mụn… Trong trường hợp này, chúng ta nên dừng tẩy da chết cho đến khi làn da được chữa lành hoàn toàn đồng thời tập trung áp dụng các biện pháp làm dịu và bảo vệ để thúc đẩy quá trình phục hồi. Ngoài ra, hãy cân nhắc đến việc:
- Xem xét lại cách mà mình tẩy tế bào chết.
- Kiểm tra phương pháp/ sản phẩm tẩy tế bào chết mà mình sử dụng cũng như các bước/ sản phẩm skincare khác trong quy trình chăm sóc da để có sự điều chỉnh phù hợp (ví như chuyển sang một phương pháp/ sản phẩm nhẹ nhàng hơn).
- Giảm tần suất tẩy tế bào chết, theo dõi phản ứng của làn da rồi bắt đầu quay trở lại tần suất bình thường nếu cảm thấy ổn.
8. Có nên dùng sản phẩm tẩy tế bào chết body cho mặt và ngược lại?
Da mặt và da body đều sở hữu những đặc điểm riêng biệt do đó để nhận được kết quả tốt nhất cũng như tránh gây thêm tổn thương không đáng có thì chúng ta không nên sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết body cho mặt và ngược lại.
- Nếu dùng tẩy tế bào chết body (toàn thân) cho mặt: da sẽ dễ bị tổn thương và kích ứng do công thức dành cho cơ thể thường được thiết kế mạnh mẽ hơn.
- Nếu dùng tẩy tế bào chết mặt cho body: về cơ bản sẽ không có tác hại gì nhưng các vùng da trên cơ thể thường dày hơn da mặt nên hiệu quả tẩy da chết sẽ không được đảm bảo vì công thức không đủ mạnh.
Xem thêm: Top kem tẩy tế bào chết hiệu quả cho da mặt và body
9. Chúng ta có thể kết hợp các phương pháp tẩy da chết hay sử dụng cùng lúc nhiều loại tẩy da chết hóa học được không?
Việc kết hợp các phương pháp tẩy da chết hay sử dụng cùng lúc nhiều loại tẩy da chết hóa học là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, chúng sẽ phụ thuộc vào phản ứng của làn da hay yêu cầu người áp dụng phải có kiến thức nhất định cũng như biết cách sử dụng nên hãy đảm bảo bạn đã cân nhắc đủ các yếu tố này.
10. Nên sử dụng tẩy tế bào chết hóa học hay tẩy tế bào chết vật lý?
Chúng ta không có câu trả lời chắc chắn cho vấn đề này vì nó phụ thuộc chủ yếu vào loại da và sở thích cá nhân của từng người. Bạn có thể tìm hiểu từng phương pháp, xem xét ưu nhược điểm của chúng rồi dựa trên nhu cầu và làn da của mình để lựa chọn. Ngoài ra, hãy lưu ý rằng, tẩy da chết vật lý và hóa học hoàn toàn có thể kết hợp với nhau.
Tẩy tế bào chết là một trong những bước chăm sóc da cơ bản song muốn áp dụng chúng đúng cách và đạt được kết quả như ý thì chúng ta cũng cần phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức cơ bản. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu về các phương pháp tẩy da chết hay lựa chọn phương thức, sản phẩm… phù hợp thì bạn đừng quên lưu lại những lưu ý quan trọng ở trên để có thể thực hiện thật tốt bước skincare này.
Nguồn ảnh: Internet