Cây sa kê: Loại cây ăn quả chứa những lợi ích sức khỏe tuyệt vời

(VOH) - Sa kê thường được sử dụng trong thực phẩm và làm thuốc. Mỗi bộ phận của cây đều có tác dụng trị bệnh, nhưng ít ai biết rõ tác dụng của cây sa kê trị được các bệnh gì và cách sử dụng đúng cách?

Cây sa kê là một giống cây vừa làm kiểng, tạo bóng mát lại vừa mang lại nhiều lợi ích. Không chỉ là giống cây trồng lấy quả dùng trong âm thực, mà những lợi ích sức khỏe từ loại cây này cũng đã được nghiên cứu và ghi nhận.

1. Cây sa kê là cây gì?

Xa kê hay sa kê có tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).

1.1 Nguồn gốc của sa kê

Cây sa kê được cho là “hậu duệ thuần hóa” của cây Artocarpus camansi – một loài thực vật có hoa trong họ Moraceae có nguồn gốc ở New Guinea, quần đảo Maluku và Philippines. Sau đó, nó được mở rộng đến các đảo miền tây Thái Bình Dương.

Ngày nay, cây sa kê được trồng rộng khắp ở khoảng 90 quốc gia, từ Nam và Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Caribe, Trung Mỹ hay tận châu Phi.

Tại Việt Nam, cây sa kê vẫn chưa được trồng phổ biến rộng rãi ở miền bắc mà chỉ tập trung ở một số tỉnh miền Nam như: Tây Ninh, Ninh Thuận....

Cây sa kê: Loại cây ăn quả chứa những lợi ích sức khỏe tuyệt vời 1
Sa kê là loại cây được trồng phổ biến ở một số nơi trên thế giới (Nguồn: Internet)

1.2 Đặc điểm cây sa kê

Sa kê là loài cây gỗ có tán rộng, có chiều cao trung bình từ 15-20m. Toàn cây đều chứa nhựa mủ màu trắng.

Lá sa kê to và dày, có bản xẻ thùy sâu hình lông chim. Đặc biệt, mặt trên lá sa kê có màu xanh bóng rất đẹp, mặt dưới nhám, lá chuyển thành màu vàng trước khi rụng, sau đó sẽ khô lại và cứng, có thể dùng làm vật trang trí.

Cây sa kê có cho hoa (cả hoa đực và hoa cái). Hoa sa kê thường mọc thành cụm hoa dạng đầu.

Quả sa kê rất giống với quả mít nhưng kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Quả sa kê hình trứng, màu xanh, bên ngoài sần sùi, thô ráp. Quả thường mọc thành chùm. Khi bổ ra, bên trong không có múi như mít mà chỉ có lớp cơm dày như xơ mít, màu trắng sữa, không hạt hoặc có hạt.

Một số vùng gọi quả sa kê là quả bánh mì vì bề mặt của quả khi được nấu chín giống bánh mì nướng, mặc dù sa kê nấu chín sẽ có mùi và vị giống như khoai tây.

1.3 Cây sa kê có mấy loại?

Hiện nay, nước ta có 2 loại sa kê được trồng là: sa kê không hạt và sa kê có hạt. Mùa sa kê chín thường vào khoảng tầm tháng 7 âm lịch hàng năm.

2. Từng bộ phận của cây sa kê có tác dụng gì?

Hầu như phần lớn các bộ phận của cây sa kê đều có thể được dùng làm thuốc, mỗi bộ phận sẽ có những tính năng và công dụng điều trị riêng. Tuy nhiên, thông thường người ta chỉ quan tâm đến 2 bộ phận của cây sa kê đó là: quả sa kê và lá sâ kê.

2.1 Tác dụng của quả sa kê

Quả sa kê thường được dùng nhiều trong ẩm thực. Những món ăn có sự hiện diện của trái sa kê không chỉ thơm ngon hấp dẫn hơn mà còn vô cùng tốt cho sức khỏe.

Cây sa kê: Loại cây ăn quả chứa những lợi ích sức khỏe tuyệt vời 2
Quả sa kê không chỉ thơm ngon hấp dẫn hơn mà còn vô cùng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Trong quả sa kê chứa đa dạng chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất cùng các chất chống oxy hóa... giúp phòng ngừa nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn:

  • Khuyến khích tăng trưởng tế bào mới
  • Chống nhiễm trùng
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
  • Cải thiện hệ tiêu hóa, hệ tim mạch...
  • Tốt cho da và tóc

Xem thêm: Quả sa kê có tác dụng gì? 9 lợi ích sức khỏe chớ bỏ qua!

2.2 Tác dụng của lá sa kê

Trong Đông y, lá sa kê thường được dùng làm nước uống với tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu và tiêu độc. Ngoài ra, loại lá này còn có thề dùng để chữa nhọt, phù thũng hay viêm gan vàng da...

Với y học hiện đại, người ta phát hiện trong lá sa kê có chứa chất xơ, chất béo cùng nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho các hoạt động của gan, thận.... cũng như giúp ngăn ngừa bệnh gout, giảm nguy cơ ung thư.

Xem thêm: Lá sa kê: Công dụng và cách dùng đơn giản tại nhà

Ngoài ra, rễ hay như của cây sa kê cũng được dùng để chưa ho, rối loạn dạ dày, hen suyễn, tiêu chảy, kiết lỵ.... theo kinh nghiệm của y học dân gian.

3. Bà bầu ăn sa kê được không?

Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ cần được bảo đảm về chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn, bởi cung cấp đầy đủ dưỡng chất không chỉ tốt cho sức khỏe mẹ bầu mà còn có lợi cho sự phát triển của thai nhi.

Cây sa kê: Loại cây ăn quả chứa những lợi ích sức khỏe tuyệt vời 3
Bà bầu có thể thêm sa kê vào chế độ dinh dưỡng của mình (Nguồn: Internet)

Quả sa kê vốn là loại quả có sự đa đạng về thành phần dinh dưỡng, do đó, bà bầu hoàn toàn có thể ăn sa kê trong suốt thai kỳ để nhận về các lợi ích sức khỏe như:

  • Tránh táo bón cũng như các vấn đề khác ở hệ tiêu hóa
  • Ổn định huyết áp và sức khỏe tim mạch
  • Ngăn chặn sự hình một số bệnh vặt thông thường như cúm, cảm lạnh....
  • Tăng cường sự thông minh cho bé ngay trong giai đoạn bào thai
  • Cung cấp năng lượng cho cơ thể dể không gặp phải các tình trạng uể oải, mệt mỏi...

Xem thêm: 6 lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn sa kê khiên bạn bất ngờ

4. Các món ngon từ sa kê

Sa kê là loại cây trồng lấy quả, quả sa kê không dùng để ăn trực tiếp mà sử dụng như một nguyên liệu chế biến các món ăn ngon.

Sa kê chiên giòn là món ăn quen thuộc được rất nhiều người biết đến. Tuy nhiên, với quả sa kê bạn còn có thể làm ra được khá nhiều những món ăn ngon từ canh, hầm, xào,....hay làm gỏi.

Xem thêm: Hướng dẫn cách chế biến quả sa kê thành các món ngon hấp dẫn

5. Cách chọn và sơ chế quả sa kê

5.1 Cách chọn quả sa kê

Nếu muốn mua được những quả sa kê chín bùi bạn nên chọn những quả có trọng lượng từ 700gr trở lên. Vỏ quả có màu xanh ngả sang vàng, không có gai, các mắt nở to và khi dùng tay nhấn vào thì quả vẫn còn cứng.

Khi mua sa kê không nên chọn những quả sa kê còn non có kích thước nhỏ, vỏ quả xanh vì những quả này thường không có nhiều dinh dưỡng, quả có vị rất nhạt, nhiều mủ và khó chế biến.

Cây sa kê: Loại cây ăn quả chứa những lợi ích sức khỏe tuyệt vời 3
Học cách chọn sa kê để tránh mua phải trái non (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, khi mua sa kê nhiều người thường gặp phải tình trạng mua nhằm những quả sa kê non, không ngon. Do đó, bạn cần lưu ý một số đặc điểm sau đây để phân biệt quả sa kê già và non:

Quả sa kê già

  • Mùi vị: Thường có mùi vị bùi, ngọt và thơm sau khi chế biến.
  • Màu sắc: Vỏ quả có màu hơi xanh ngả vàng.
  • Bề mặt vỏ: Mắt nở to và không còn gai nhọn.
  • Thịt quả: Có màu trắng sữa, ít nhựa.
  • Sơ chế: Sơ chế dễ dàng, tiết kiệm thời gian. Có thể làm được rất nhiều món ăn ngon hấp dẫn.

Quả sa kê non

  • Mùi vị: Có vị nhạt hoặc không có vị.
  • Màu sắc: Vỏ có nhiều gai, mắt quả mở bé.
  • Thịt quả: Có màu xanh, nhiều nhựa, khi cắt ra phần thịt nhanh chóng chuyển sang màu nâu.
  • Sơ chế: Khó khăn trong việc sơ chế và chế biến món ăn.

5.2 Cách sơ chế quả sa kê

Để sơ chế quả sa kê ít tốn thời gian và công sức bạn hãy thực hiện theo các bước sau đây:

  • Gọt vỏ: Sa kê mua về đem bỏ vào thau nước muối pha loãng. Sau đó, dùng dao gọt hết phần vỏ trên quả.
  • Bổ qua và bỏ cùi: Bổ đôi quả sa kê và cắt bỏ hết phần cùi bên trong. Trong quá trình cắt sa kê, bạn luôn ngâm sa kê trong nước để loại bỏ nhạt, thịt quả sa kê giữ được độ trắng và không bị thâm.
  • Cắt miếng vừa ăn: Cắt sa kê thành những miếng vừa ăn, tiếp tục ngâm vào thau nước muối pha loãng mới hoàn toàn, khoảng thời gian từ 10 - 15 phút. Sau đó, tiến hành chế biến các món ăn cụ thể.

Như vây, sa kê là loại cây trồng lấy quả dùng trong ẩm thực nhưng loại cây này vẫn có nhiều tác dụng hữu ích đối với sức khỏe con người. Hy vọng với những thông tin vừa chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức về loài cây vừa quen, vừa lạ này.