Trong chương trình Phòng mạch FM, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ đến mọi người một số gia vị không thể thiếu trong bếp ăn gia đình vì chúng không chỉ góp phần tạo nên màu sắc và mùi vị hấp dẫn cho món ăn mà còn có tác dụng dược lý. Đó là những gia vị thảo dược sau đây:
1. Tỏi
Tỏi là gia vị thường để khử mùi tanh của thịt, cá, khử dầu hoặc làm nước mắm tỏi ớt để cho nước chấm được thơm ngon,…ngoài ra, tỏi còn là thảo dược để phòng bệnh.
Tỏi là gia vị thảo dược quen thuộc mà nhà nào cũng luôn có sẵn (Nguồn: Internet)
Bác sĩ Bay cho biết, trong tỏi có các thành phần flavonoid, các tinh dầu cay the,…những thành phần này góp phần mang lại những lợi ích sau đây:
- Có tính sát trùng, kháng khuẩn tốt.
- Giúp ổn định cấu trúc của màng tế bào.
- Tăng oxy hóa khử giúp chống ung thư (không có nghĩa là tỏi có tác dụng điều trị ung thư).
- Làm giảm cholesterol trong máu, làm tan các mảng bám trong thành mạch nên giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, tỏi cũng giúp làm thông thoáng mạch máu nên gián tiếp hạ huyết áp đối với người huyết áp cao. Theo nghiên cứu của Mỹ, mỗi ngày ăn 1 tép tỏi sẽ giảm cholesterol xấu đến 10%.
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Chữa tiêu chảy.
- Giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Để phòng và chữa bệnh bằng tỏi, bạn có thể ăn tỏi sống đập dập, tỏi ngâm rượu hoặc ăn tỏi cùng với các món thịt nướng để làm giảm cholesterol trong máu.
2. Tiêu
Ông bà ta có câu “bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”. Đúng vậy, tiêu là một gia vị góp phần tạo nên vị ngọt cho món canh, món kho…giúp cho món ăn thêm đậm đà hơn. Tất cả điều đó đều nhờ vào tính khử mùi và tính cay của tiêu.
Tiêu vừa giúp tăng mùi vị cho món ăn vừa kích thích và hỗ trợ tiêu hóa (Nguồn: Internet)
Ngoài những công dụng này trong ẩm thực thì đối với sức khỏe, tiêu còn giúp kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hệ tiêu hóa co bóp nhịp nhàng, sản xuất dịch vị đầy đủ để tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Chính nhờ những lợi ích sức khỏe này nên tiêu thường được sử dụng để giải quyết chứng đầy hơi, khó tiêu.
Bên cạnh đó, khi ăn cùng lúc tiêu với nghệ, tiêu sẽ giúp cơ thể hấp thu thành phần cucumin trong nghệ được tốt hơn.
3. Hành lá
Hành lá tạo nên màu sắc và mùi vị hấp dẫn cho món ăn, đồng thời giảm cholesterol trong máu (Nguồn: Internet)
Hành lá là gia vị giúp tạo mùi thơm cho món canh, món kho, đồng thời tạo nên sự hài hòa màu sắc trong ẩm thực. Đối với sức khỏe, hành lá giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tiêu hóa mỡ để tạo năng lượng cho cơ thể mà không làm dư thừa cholesterol xấu, ngăn ngừa mỡ trong máu.
4. Nghệ
Nghệ là một gia vị quen thuộc trong ẩm thực, đặc trưng với các món ăn như cá trạch kho nghệ, gà kho nghệ, cà ri vịt,…
Nghệ rất tốt cho dạ dày (Nguồn: Internet)
Bác sĩ Bay cho biết, nghệ vừa là một gia vị, vừa là một dược liệu của Đông y. Nghệ được sử dụng nhiều trong các trường hợp như bệnh dạ dày (viêm loét dạ dày, đau dạ dày, dạ dày xung huyết,…), bệnh đại tràng, bệnh về huyết khối, bệnh ngoài da (trị sẹo do trầy xước,…). Ngoài ra, nghệ còn được sử dụng cho phụ nữ sau sinh giúp đẩy sản dịch ra nhanh hơn, đồng thời làm lành vết rạch ở tầng sinh môn nhanh chóng.
Nhờ chứa nhiều vitamin C, vitamin E nên nghệ còn có tác dụng hiệu quả trong việc chống gốc tự do, giúp phòng ngừa các bệnh ung thư.
5. Gừng
Gừng là gia vị tốt cho hệ tiêu hóa (Nguồn: Internet)
Bác sĩ Bay cho biết, gừng là một gia vị hỗ trợ tiêu hóa tuyệt vời, nó giúp kích thích tuyến nước bọt và các hoạt động của hệ tiêu hóa, ổn định sự co bóp nhịp nhàng của dạ dày, làm giảm cơn đau bụng hiệu quả. Nhờ vậy, gừng thường được sử dụng trong các trường hợp như ăn quá no bị khó tiêu, đầy bụng hoặc bị tiêu chảy, khắc phục chứng say tàu xe…
Bạn có thể dùng gừng tươi hoặc gừng khô để chế biến món ăn, thức uống. Tuy nhiên, bác sĩ bay cho biết, gừng khô hay còn gọi là gừng lùi sẽ có tính nóng mạnh nên cần chú ý về liều lượng sử dụng.
6. Đinh hương
Đinh hương là gia vị có nhiều lợi ích cho sức khỏe (Nguồn: Internet)
Đinh hương là gia vị có tác dụng tiêu hóa tốt những thức ăn chứa nhiều đạm, tăng sức đề kháng, hỗ trợ giảm tác dụng xấu của các virus cúm. Theo nghiên cứu, dầu đinh hương chứa khoảng 60 – 90% eugenol, đây là chất có khả năng kháng khuẩn mạnh, do đó dầu đinh hương được sử dụng nhiều trong các trường hợp nhiễm trùng hoặc bị đau cần giảm đau tạm thời.
Ngoài ra, đinh hương còn là gia vị rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Đinh hương giúp giảm lượng đường trong máu thông qua việc tăng cường sử dụng insulin, góp phần điều trị tiểu đường, nhất là tiểu đường tuýp 2.
7. Rau răm
Rau răm kích thích tiêu hóa, giải độc rắn cắn (Nguồn: Internet)
Theo Đông y, rau răm có vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng chữa lạnh bụng, mụn, kích thích tiêu hóa, trị say nắng,…ngoài ra, rau răm còn được sử dụng trong các trường hợp bị rắn cắn (giã lấy nước uống, sau đó lấy bã đắp lên vị trí rắn cắn để khử độc).
Rau răm thường được ăn sống với hột vịt lộn, trứng cút lộn hay ăn sống cùng với các loại rau thơm khác như tía tô, húng cây, diếp cá,…Ngoài ra, có thể dùng rau răm để nêm cá kho, thịt kho, gà kho,…đều rất ngon và mang lại hương vị đặc trưng cho món ăn.
8. Ngò gai
Ngò gai vừa là rau nêm thông dụng vừa là vị thuốc quý của Đông y (Nguồn: Internet)
Theo Đông y, ngò gai có vị the, tính ấm, mùi thơm, có tác dụng trị sưng, viêm hiệu quả, kích thích tiêu hóa và làm mạnh tỳ vị.
Theo bác sĩ Bay có thể dùng ngò gai kết hợp với gừng để trị chứng đầy hơi, ăn không tiêu. Ngoài ra, cháo nêm ngò gai và gừng cũng có tác dụng hạ sốt nhanh chóng.
Như vậy, trong bếp ăn của người Việt Nam có khá nhiều gia vị có tác dụng tốt đối với sức khỏe, chúng không chỉ giúp món ăn có được mùi vị thơm ngon, tạo nên màu sắc bắt mắt mà còn giúp phòng và chữa bệnh hiệu quả. Do đó, khi nấu ăn, bạn đừng quên nêm thêm các gia vị thông dụng mà bác sĩ Bay đã chia sẻ nhé.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: