Quả lê thuộc nhóm trái cây được thu hoạch chủ yếu ở thời điểm giao mùa hè sang thu, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 6 kéo dài tới tháng 8 hàng năm. Đặc biệt loại quả này được đánh giá là nguồn cung cấp dồi dào chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, gồm nhóm chất chống oxy hóa flavonoid cùng vitamin A, vitamin C và vitamin K.
1. Nước ép lê mix với gì ngon ?
Trái lê vốn có vị ngọt thanh tự nhiên cùng hương thơm dịu nên chỉ cần kết hợp với một vài nguyên liệu đơn giản bạn sẽ có ngay ly nước ép lê thơm ngon và bổ dưỡng.
1.1 Nước ép lê nguyên chất
Nước ép lê nguyên chất được pha chế cực kì dễ dàng và nhanh chóng, bạn có thể đóng chai mang theo để nạp năng lượng cho cả một ngày dài.
Nguyên liệu
- Lê: 2 trái
- Muối
- Nước lọc
- Nước cốt chanh
- Đá viên
Cách làm nước ép lê nguyên chất
- Ngâm rửa sạch lê bằng nước muối loãng, gọt vỏ, lọc bỏ lõi và hạt. Cắt trái thành các miếng mỏng, để trong nước đá lạnh khoảng 10 phút.
- Đem ép nước lê, nếu không có máy ép có thể sử dụng máy xay sinh tố, sau khi xay xong thì lấy rây lọc bã, chỉ giữ lại nước ép.
- Pha nước cốt chanh với nước lọc và một chút muối, hòa cùng nước ép lê. (Nước cốt chanh giữ cho nước ép lê không bị đổi màu).
- Nên để ngăn mát tủ lạnh hoặc thêm đá viên trước khi dùng.
1.2 Nước ép táo lê
Táo và lê đều có hương vị khá đặc trưng, nếu đem hòa trộn cùng nhau hứa hẹn sẽ cho “ra đời” thức uống độc đáo lắm đấy!
Nguyên liệu
- Lê: 1 trái
- Táo: 1 trái
- Gừng: 1 – 2 lát
- Đá viên
Cách làm nước ép lê táo
- Ngâm rửa táo và lê với nước muối loãng, sau đó gọt bỏ vỏ (có thể không gọt nếu muốn), bỏ phần hạt táo, hạt lê. Cắt táo, lê thành các miếng nhỏ.
- Đem ép táo cùng lê lấy nước hoặc dùng máy xay nhuyễn rồi lọc bỏ bã, lấy nước ép.
- Gừng băm nhỏ, thêm vào ly nước ép.
- Trước khi dùng hãy thêm đá viên để hương vị dễ uống hơn.
- Lưu ý: Không cần cho thêm đường vì cả táo và lê đều khá ngọt.
1.3 Nước ép lê ổi
Vị ngọt nhẹ từ trái lê lẫn với chút chua dịu từ ổi giúp giải tỏa cơn khát vô cùng hữu hiệu. Ngoài ra, nước ép lê mix với ổi cũng là gợi ý lý tưởng dành cho những ai đang lên kế hoạch giảm cân, muốn duy trì vóc dáng thon gọn.
Nguyên liệu
- Lê: 1 trái
- Ổi: 1 trái
- Lá bạc hà
- Đá viên
Cách làm nước ép lê ổi
- Rửa sạch lê, táo, để ráo nước rồi gọt bỏ vỏ. Kế đến cắt thành các miếng nhỏ, mỏng để dễ ép lấy nước.
- Lá bạc hà ngâm rửa sạch, ngắt từng lá nhỏ.
- Cho hỗn hợp lê, ổi và lá bạc hà vào ép lấy nước. Nếm thử vị và có thể thêm đường hoặc một chút mật ong.
- Đừng quên thêm đá viên trước khi thưởng thức.
Xem thêm: Uống một ly nước ép ổi mỗi ngày để nhận ngay 12 lợi ích sức khỏe tuyệt vời
1.4 Nước ép lê củ năng
Củ năng thơm bùi, đem ép lấy nước rồi hòa với nước ép lê ngọt thanh – thức uống lạ miệng lại rất giàu dinh dưỡng.
Nguyên liệu
- Lê: 1 trái
- Củ năng: 5 – 7 trái
- Đá viên
Cách làm nước ép lê củ năng
- Ngâm rửa củ năng với nước muối loãng để làm sạch bụi bẩn cũng như vi khuẩn, sán bám bên ngoài lớp vỏ. Để ráo nước rồi gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ.
- Lê cũng rửa sạch, gọt vỏ, lọc bỏ lõi cùng hạt.
- Chia hỗn hợp lê và củ năng làm hai phần, một phần đem ép lấy nước, một phần giữ nguyên để ăn kèm. Cho thêm đá viên vào là có thể dùng nước ép lê củ năng thơm ngon.
Xem thêm: Có củ năng trong bếp, ngại gì mà không ‘lăn vào’ nấu ngay 5 món ăn tuyệt đỉnh
1.5 Nước ép lê cà rốt
Công thức pha chế nước ép cà rốt rất đa dạng, nhưng bạn đã từng thử qua món nước ép lê mix cà rốt chưa? Thức uống thơm phức và vô cùng thanh mát khiến bạn uống hoài mà không chán đấy.
Nguyên liệu
- Lê: 1 trái
- Cà rốt: 1/2 củ
- Đường cát trắng
- Đá viên
Cách làm nước ép lê cà rốt
- Rửa sạch vỏ lê, để ráo nước, sau đó gọt vỏ, cắt thành các miếng nhỏ. Chú ý bỏ phần lõi và hạt để khi ép nước không bị đắng.
- Cà rốt rửa sạch rồi nạo vỏ. Thái thành từng miếng nhỏ.
- Ép nhuyễn cà rốt và lê để lấy nước. Nếm thử vị và thêm đường, đá viên nếu muốn.
Lưu ý: Khi pha chế thức uống này bạn có thể sử dụng thêm một vài múi quýt để có vị chua chua, ngọt ngọt.
Xem thêm: Có 6 công thức này, bạn ‘thỏa sức’ pha chế nước ép cà rốt ngon mê ly mà rất bổ!
2. Nước ép lê có tác dụng gì?
Không chỉ là một loại nước ép ngọt thơm, dễ uống, mà nước ép lê còn bổ sung nhiều dưỡng chất quan trọng, góp phần duy trì thể trạng tốt cũng như cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau:
2.1 Thanh nhiệt, giải độc
Trong quả lê chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, chất xơ, i-ốt, sắt và khoáng chất, vi lượng khác giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón, thai nhiệt và đào thải các chất gây hại cho sức khỏe.
2.2 Ngăn ngừa mất nước
Ở trong quả lê chứa 84% là nước, nên để ngăn ngừa bị mất nước thì có thể uống nước ép lê để bổ sung, duy trì lượng nước và nồng độ điện giải trong cơ thể. Ngoài ra nếu ai thường xuyên tập thể dục, vận động mạnh bị mất nước thì có thể ăn lê để hạn chế mất nước, chuột rút, mệt mỏi,...
2.3 Giảm chứng viêm
Nhờ lượng anthocyanins trong nước ép lê có thể giúp chống lại các chứng viêm như viêm khớp, bệnh gout,.... Ngoài ra trong quả lê cũng chứa 1 số vitamin, khoáng chất như vitamin C, K, sắt,...có khả năng chống viêm.
2.4 Kích thích hệ tiêu hóa
Trong quả lê chứa nhiều chất xơ hòa tan tốt cho hệ đường ruột trong cơ thể, ngăn ngừa các tình trạng táo bón và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
2.5 Hỗ trợ giảm cân
Trong quả lê chứa rất nhiều nước, chất xơ nhưng hàm lượng calo thấp, vì thế bổ sung loại nước ép này vào chế độ ăn giảm cân sẽ giúp cơ thể cảm thấy no lâu hơn, kiểm soát cơn thèm ăn.
2.6 Bảo vệ tim mạch
Nhờ giàu hàm lượng chất chống oxy hóa procyanidin trong quả lê nên giúp giảm các cholesterol xấu (LDL ) và tăng lượng cholesterol tốt ( HDL) trong máu. Từ đó uống nước lê giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm viêm, các yếu tố liên quan đến bệnh tim mạch như cholesterol cao, cao huyết áp.
2.7 Tăng cường sức đề kháng
Trong quả lê chứa nhiều các loại khoáng chất như sắt, canxi, folate, mangan, đồng khi kết hợp với các hàm lượng vitamin khác trong quả lê như vitamin C, A, K,... sẽ giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
3. Một số điều cần biết khi dùng nước ép lê
Việc áp dụng những lưu ý dùng nước ép lê đúng cách và khoa học sẽ giúp bạn nhận được tối đa lợi ích mà thức uống này đem lại. Chính vì vậy, hãy tham khảo thực hiện một số lời khuyên dưới đây nhé.
3.1 Uống vừa đủ
Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo rằng không nên uống quá nhiều bất cứ loại nước ép nào, đặc biệt là đừng coi nước ép như loại nước thay thế cho nước lọc thông thường. Do vậy, chỉ nên uống 1 – 2 ly nước ép lê trong tuần (khoảng 120 – 150ml).
3.2 Hạn chế uống khi đói
Thời điểm tốt nhất có thể uống nước ép lê là sau bữa ăn sáng khoảng 20 – 30 phút, không dùng khi bụng còn đói. Bên cạnh đó, hạn chế dùng nước ép lê vào buổi tối trước khi đi ngủ để giảm đi tiểu đêm.
3.3 Cách sơ chế lê không bị thâm đen
Khi mua lê về thì đem đi rửa sạch, gọt bỏ phần vỏ, cuống, hạt. Cắt lê thành từng khúc vừa đủ ép để có thể dễ ép lấy nước. Sau đó thì chuẩn bị một tô nước đá pha thêm muối loãng và bỏ lê vào ngâm để tránh lê bị thâm đen khi tiếp xúc với không khí.
4. Bảo quản nước ép lê đúng cách
Để giữ trọn hương vị và muốn sử dụng nước ép lê trong thời gian dài thì cần chú ý những vấn đề sau khi bảo quản:
- Sau khi pha chế xong thì nên bỏ trong chai thủy tinh bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và cố gắng dùng hết trong vòng 1 ngày, nhằm ngăn ngừa tình trạng biến đổi chất gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy.
- Khi bảo quản nước ép trong chai thủy tinh thì cố gắng đổ đầy chai càng tốt vì khi đổ nước đầy chai sẽ hạn chế có không khi trong chai, sẽ giúp giảm tình trạng dưỡng chất bị biến đổi khi bị oxy hóa.
- Không nên dùng bình kim loại để chứa nước ép vì sẽ khiến cho hàm lượng vitamin trong nước ép bị giảm đi hoặc bị biến đổi.
- Lưu trữ nước ép ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và nơi có nhiệt độ cao.
- Để giảm tình trạng chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình bảo quản thì có thể thêm 1 ít nước cốt chanh để tăng hương vị và hạn chế chất dinh dưỡng mất đi
Các công thức pha chế nước ép lê khá đơn giản đúng không nào? Nếu đang tìm một thức uống thanh mát, giàu dưỡng chất để thêm vào thực đơn hàng ngày thì đừng bỏ qua thức uống này nhé.