Tiêu điểm: Nhân Humanity

7 tác dụng của quả bòn bon và những sai lầm dễ mắc phải khi ăn

(VOH) - Bòn bon có nhiều tác dụng cho sức khỏe, nhưng bạn cần tránh những sai lầm khi ăn để có thể tận dụng hết tác dụng của quả bòn bon.

Bòn bon không phải là loại trái cây chỉ ăn cho “vui miệng” bởi chúng chứa nhiều các dưỡng chất giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về tim mạch, tiêu hóa vô cùng hiệu quả.

1. Quả bòn bon có tác dụng gì?

Quả bòn bon khá quen thuộc, có thể mua được ở chợ, siêu thị hay tại các cửa hàng. Trong dân gian, người ta sử dụng vỏ và hạt bòn bon để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, co thắt ruột,... Còn y học hiện đại ghi nhận, trong quả bòn bon chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người.

Dưới đây là những tác dụng của quả bòn bon đối với sức khỏe:

1.1 Ngăn ngừa táo bón

Hàm lượng chất xơ trong quả bòn bon được đánh giá rất cao. Trong 100g bòn bon có chứa khoảng 2.3g chất xơ, cung cấp 8 – 11% lượng chất xơ cần thiết hàng ngày cho nữ giới và 6 – 8% cho nam giới. Do đó, ăn bòn bon là cách giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón hiệu quả.

1.2 Tốt cho tim mạch

Quả bòn bon giàu vitamin B1 và B2 nên có khả năng giúp loại bỏ đường trong cơ thể, đồng thời ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch.

Ngoài ra, quả bòn bon còn tham gia vào quá trình sản xuất các tế bào hồng cầu, giúp làm tăng số lượng hồng cầu. Vì thế, quả bòn bon là loại trái cây đặc biệt có lợi đối với những người có số lượng tế bào hồng cầu thấp.

1.3 Chống oxy hóa

Carotene là một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất cũng được tìm thấy trong quả bòn bon. Dưỡng chất này giữ cho các tế bào trong cơ thể khỏe mạnh, phòng chống ung thư và một số căn bệnh nghiêm trọng khác.

Cùng với đó hàm lượng vitamin C trong quả bòn bon cũng rất cao giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào và ngăn ngừa tình trạng lão hóa sớm.

7-tac-dung-cua-qua-bon-bon-va-nhung-sai-lam-de-mac-phai-khi-an-voh-1
Trong quả bòn bon chứa nhiều chất chống oxy hóa (Nguồn: Internet)

1.4 Giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt trong máu

Nhờ giàu thiamin (B1) và có chứa cả riboflavin (B2) mà tác dụng của quả bòn bon rất tốt trong việc chống lại chứng đau nửa đầu, đồng thời cũng giúp làm giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt trong máu.

1.5 Có lợi cho nướu và răng

Vitamin C đóng vai trò tích cực trong việc duy trì sức khỏe của nướu. Riêng photpho là chất giúp bảo vệ men răng cực tốt. Cả 2 chất này đều được tìm thấy khá nhiều trong quả bòn bon.

1.6 Hỗ trợ giảm cân

Có thể tác dụng giảm cân trong quả bòn bon không cao, tuy nhiên, các nghiên cứu ghi nhận hàm lượng vitamin C trong quả bòn bon có thể tốt cháy chất béo, khi mức độ creatine trong cơ thể cao sẽ làm giảm sự tích tụ mỡ và điều này có thể giúp giảm cân.

1.7 Làm đẹp làn da

Trong quả bòn bon chứa hàm lượng vitamin E khá cao, có tác dụng rất tốt đối với làn da. Vitamin E có thể giúp cung cấp độ ẩm cho da, ngăn ngừa lão hóa da cũng như giúp bảo vệ làn da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.

Xem thêm: 8 dấu hiệu cho thấy làn da của bạn đang lão hóa nhanh hơn so với tuổi thật

2. Bà bầu ăn bòn bon được không?

Bòn bon là thức quả giàu dinh dưỡng và hoàn toàn có lợi cho phụ nữ mang thai. Khi ăn bòn bon hợp lý và đúng cách, bà bầu sẽ nhận được rất nhiều các lợi ích như ngừa táo bón, tăng cường hệ miễn dịch, tiểu đường thai kỳ...

Vậy bà bầu ăn bòn bon như thế nào là hợp lý? Thực tế rất đơn giản, trong 3 tháng đầu tiên mẹ bầu chỉ nên ăn khoảng 3 – 4 trái/lần và mỗi ngày ăn tối đa 500gr là đủ. Ngoài ra, đừng quên nắm rõ những lưu ý dành cho bà bà khi ăn bòn bon nhé!

Xem thêm: Bà bầu ăn bòn bon có tốt không? Cần lưu ý điều gì để không ảnh hưởng cho sức khỏe cả mẹ và con

3. Những điều cần lưu ý khi ăn bòn bon

7-tac-dung-cua-qua-bon-bon-va-nhung-sai-lam-de-mac-phai-khi-an-voh-2
Khi ăn bòn bon cần ăn đúng cách để không gây hại cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Mặc dù có giá trị dinh dưỡng nhưng khi ăn bòn bon bạn cần lưu ý những điều sau đây để không gây hại cho sức khỏe:

3.1 Không nên nhai hạt

Quả bòn bon thường có nhiều múi, có vách ngăn mỏng. Những múi chưa có hạt hoặc hạt nhỏ có thể nhai luôn. Tuy nhiên, một số múi có hạt lớn thì không nên nhai hoặc nuốt vì trong hạt đắng, chứa một chất xác định là cấu trúc alkaloid độc.

3.2 Không cắn vỏ

Vỏ của quả bòn bon có thể dùng làm thuốc chữa bệnh nhưng lại có độc tố cao. Vì vậy khi ăn nên cẩn thận. Trong vỏ bòn bon còn chứa một chất gọi là acid lansium độc đối với tim, ở liều cao có thể làm ngừng tim. Tốt nhất, khi ăn bòn bon không nên dùng miệng cắn mà cần dùng tay để tách vỏ, bỏ hạt.

3.3 Người tiểu đường không ăn nhiều

Những người mắc tiểu đường thì không nên ăn nhiều bòn bon bởi trong bòn bon có hàm lượng đường tương đối cao. Người bình thường cũng không nên ăn nhiều vì dễ bị nặng bụng.

3.4 Không ăn những quả bị sâu

Bòn bon thường xuất hiện những bệnh như sâu đục quả, nhện đỏ và rệp sáp, do đó khi ăn bạn cần quan sát kỹ và loại bỏ những quả bị sâu. Đồng thời, bạn cũng không nên ăn những quả bị dập nát.

4. Bòn bon làm món gì ngon?

Cứ ngỡ bòn bòn bon chỉ loại trái cây bình thường, nhưng với sự sáng tạo của các đầu bếp đã cho ra đời rất nhiều món ăn ngon từ trái bòn bon. Trong đó, độc đáo và ấn tượng hơn hết chính là món gỏi bòn bon.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng quả bòn bon thể kết hợp với các loại trái cây khác như: thanh long, xoài, mít, sữa... để tạo ra món trái cây dầm hấp dẫn.

5. Cách chọn bòn bon

7-tac-dung-cua-qua-bon-bon-va-nhung-sai-lam-de-mac-phai-khi-an-voh-3
Khi mua bòn bon cần chọn lựa kỹ càng (Nguồn: Internet)

Bòn bon thường bán theo chùm nên bạn sẽ rất khó chọn lựa kỹ càng, vì thế bạn cần nắm rõ các mẹo sau đây để có thể chọn được những trái ngon chất lượng.

  • Bòn bon chín tự nhiên sẽ có những chấm kim li ti dưới đáy quả, khi bóc vỏ không có mủ (nhựa). Những quả bòn bon chín ép thường sẽ có màu vàng đất, bóng bẩy, không có dấu châm kim. Khi bóc, vỏ sẽ cho ra nhiều mủ (nhựa).
  • Bòn bon chín tự nhiên có vị ngọt thanh, thịt quả màu trong, hạt đen và nhỏ. Quả bòn bon chín ép, thịt quả có màu đục, hạt to có màu hồng.
  • Nên chọn những quả bòn bon có kích cỡ vừa phải, không quá lớn hay quá nhỏ, to bằng khoảng ngón tay cái là được.

6. Quả bòn bon là quả gì?

Quả bòn bon hay còn gọi là dâu da đất (theo tên gọi của miền Bắc), quả lòn bon (phương ngữ Quảng Nam), có tên khoa học là Lansium domesticum, thuộc họ Thầu dầu hay họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiaceae).

6.1 Nguồn gốc cây bòn bon

Bòn bon là loại cây ăn quả nhiệt đới có nguồn gốc từ Mã Lai nhưng ngày nay nó được trồng phổ biến khắp vùng Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có Việt Nam.

6.2 Đặc điểm cây bòn bon

Bòn bon là giống cây có thân gỗ, cao từ 15 – 20m. Lá khá cứng mang hình lông chim nhưng không có lông. Hoa nhỏ, mọc ở đầu nhánh thành từng chùm, có màu vàng nhạt hoặc trắng. Hoa đực và hoa cái của cây bòn bon là riêng biệt.

7-tac-dung-cua-qua-bon-bon-va-nhung-sai-lam-de-mac-phai-khi-an-voh-0
Quả bòn bon được trồng nhiều ở tỉnh Quảng Nam (Nguồn: Internet)

Quả bòn bon có hình hơi tròn, đường kính khoảng 5cm, lớp vỏ bên ngoài mịn dẻo, có nhựa dính và thường có màu vàng nhạt. Bên trong quả có các múi chứa nhiều cơm (thịt). Cơm bòn bon có màu trắng đục, có khi gần như trong suốt, khi ăn có vị chua ngọt rất ngon.

Hạt quả bòn bon màu xanh lục, có vị đắng. Hạt bòn bon thường rất khó tách khỏi phần cơm, vì thế, nếu hạt nhỏ nhiều người sẽ nuốt cả hạt khi ăn, vì chúng không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

7. Thành phần dinh dưỡng của quả bòn bon

Sự đa dạng trong thành phần dinh dưỡng đã mang đến cho quả bòn bon rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu, trong 100g quả bòn bon sẽ có chứa những thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • Năng lượng: 70KJ
  • Chất đạm: 0.8g
  • Chất đường bột: 9.5g
  • Chất xơ: 2.3g
  • Canxi: 20mg
  • Photpho: 30mg
  • Vitamin B1: 0.089mg
  • Vitamin B2: 0.124mg
  • Vitamin C: 1mg

Có thể nói, bòn bon là một trong những loại trái ngon ngọt, dễ ăn lại vô cùng bổ dưỡng. Loại quả này rất dễ tìm mua, chỉ cần chọn được quả bòn bon “chuẩn” chất lượng thì bạn sẽ nhận về vô vàn các “lợi ích vàng” cho sức khỏe. Những tác dụng của quả bòn bon cực kỳ tốt cho sức khỏe nếu mọi người biết sử dụng đúng cách và có chế độ ăn khoa học.

Bình luận