11 tác dụng của măng cụt với sức khỏe và sắc đẹp

(VOH) - Măng cụt là một trong những loại trái cây mùa hè tốt cho sức khỏe. Loại quả này có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và chất chống oxy hóa tuyệt vời cho cơ thể.

Có thể nói, mùa hè là mùa của các loại trái cây, từ chôm chôm, xoài, vú sữa đến măng cụt đều cho quả vào những tháng trong mùa này. Trong đó, măng cụt được mệnh danh như “hoa trái của các vị thần” bởi chứa đựng nhiều lợi ích cho sức khỏe.

1. Tìm hiểu về quả măng cụt

Măng cụt (hay còn gọi là măng cụt tía) có tên khoa học là Garcinia mangostana, thuộc họ Bứa. Đây là loại cây nhiệt đới thường xanh cho quả ăn được.

1.1 Nguồn gốc của cây măng cụt

Cây măng cụt có nguồn gốc từ Malaysia, Indonesia, từ Malacca qua Moluku. Ngày nay, nó được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á và nhiều vùng nhiệt đới khác nhau trên thế giới.

Tại Việt Nam, măng cụt thường được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam, bao gồm cả Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được xem là nơi có diện tích trồng măng cụt nhiều nhất.

11-tac-dung-cua-mang-cut-voi-suc-khoe-va-sac-dep-voh-0
Quả măng cụt có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á (Nguồn: Internet)

1.2 Đặc điểm của cây măng cụt

Măng cụt là loại cây to, có thể cao đến 20 – 254m. Lá dày, màu lục sẫm và hình thuôn dài. Hoa măng cụt được chia thành 2 dạng là hoa đực (cụm 3 – 9 hoa, có lá bắc) và hoa lưỡng tính (có cuống có đốt).

Quả măng cụt có hình cầu, to gần bằng quả cam, khi chín có vỏ dày, màu đỏ tím đậm. Ruột măng cụt có màu trắng sáng, chia thành nhiều múi, có vị chua ngọt thanh và có mùi thơm nhẹ. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt, quanh hạt có áo hạt màu trắng.

2. Quả măng cụt có tác dụng gì?

Măng cụt không chỉ là loại quả ngon ngọt dễ ăn mà còn chứa đựng nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe. Dưới đây là những tác dụng của măng cụt:

2.1 Ngăn ngừa ung thư

Măng cụt chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể làm vô hiệu hóa tác hại của các gốc tự do. Hơn thế, chất xanthones – một hợp chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng chống ung thư cực kỳ tốt.

Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy, chất xanthones có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, bao gồm ung thư vú, dạ dày và phổi. (1)

2.2 Chống viêm

Tác dụng của măng cụt giúp ích trong việc giảm viêm nhờ chất xanthones có trong quả này. Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy, xanthones có thể làm giảm tình trạng viêm và nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm. (2)

Hơn thế, hàm lượng chất xơ trong quả măng cụt cũng giúp giảm phản ứng viêm của cơ thể.

2.3 Chống lão hóa

11-tac-dung-cua-mang-cut-voi-suc-khoe-va-sac-dep-voh-1
Hợp chất xanthones trong quả măng cụt có thể giúp bảo vệ làn da (Nguồn: Internet)

Xanthones và catechin cùng 3 loại vitamin có trong măng cụt cũng là những thành phần cực tốt cho làn da và chống lão hóa vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, các hợp chất chống oxy hóa đa dạng trong măng cụt cũng có khả năng hạn chế các tế bào bị gây hại, đồng thời phục hồi lại các tế bào da bị tổn thương nên giảm thiểu tình trạng lão hóa da và mang lại cho bạn làn da trẻ trung đầy sức sống.

Xem thêm: Thói quen chăm sóc da cần có để chống lại 'dấu vết thời gian'

2.4 Thúc đẩy giảm cân

Một trong những tác dụng của măng cụt đã được ghi nhận là tiềm năng giúp giảm cân. Những thành phần trong quả măng cụt rất tốt trong việc thúc đẩy chuyển hóa và ngăn ngừa tăng tân.

2.5 Giảm cholesterol

Các công trình nghiên cứu cho thấy kháng thể xanthones trong măng cụt có tác dụng làm giảm cholesterol xấu và ngăn ngừa sự hình thành các mảng bám nguy hiểm.

2.6 Kiểm soát lượng đường trong máu

Hợp chất thực vật xanthones và chất xơ trong quả măng cụt có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu kéo dài 26 tuần ở phụ nữ béo phì cho thấy, những người được bổ sung 400mg chiết xuất măng cụt mỗi ngày đã giảm đáng kể tình trạng kháng insulin – một nguy cơ gây bệnh tiểu đường. (3)

2.7 Tăng cường hệ thống miễn dịch

Chất xơ và vitamin C trong quả măng cụt góp phần rất lớn trong việc tạo ra một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Chất xơ có tác dụng hỗ trợ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Trong khi đó, hàm lượng vitamin C lại rất cần thiết cho chức năng của các tế bào miễn dịch khác và có tác dụng chống oxy hóa.

Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng các thực phẩm này

2.8 Tăng cường sinh lực cho cơ thể

Trong quả măng cụt chứa axit trytophan – chất có liên hệ trực tiếp với Serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh có liên hệ mật thiết với giấc ngủ, tâm trạng vui buồn và khẩu vị) tạo sự phấn chấn cho tinh thần.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, những người dùng măng cụt đã khen ngợi về sự tăng cường sinh lực và trạng thái khỏe khoắn trong người sau khi ăn.

2.9 Giảm mùi hôi của hơi thở

11-tac-dung-cua-mang-cut-voi-suc-khoe-va-sac-dep-voh-2
Ăn quả măng cụt có thể giúp làm giảm tình trạng hơi thở có mùi (Nguồn: Internet)

Bên cạnh việc hỗ trợ phòng ngừa ung thư, kháng thể xanthones trong vỏ quả măng cụt còn có khả năng diệt khuẩn. Vì vậy, khi ăn hoặc súc miệng bằng nước măng cụt bạn sẽ giảm được mùi hôi trong miệng.

Xem thêm: 9 ‘thủ phạm’ khiến hơi thở bé nặng mùi và những cách điều trị đơn giản

2.10 Trị viêm da

Tác dụng của măng cụt giúp điều trị hiệu quả các bệnh ngoài da như chàm, viêm da, mụn trứng cá, vẩy nến và ngứa mà ít gây ra phản ứng phụ.

2.11 Các lợi ích tiềm năng khác

Một số nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm cho thấy, tác dụng của măng cụt có thể mang đến một số tác động tích cực đến tim, não bộ và hệ tiêu hóa.

3. Bà bầu ăn măng cụt được không?

Nhiều người cho rằng, bà bầu ăn măng cụt sẽ không có lợi cho sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã ghi nhận, phụ nữ mang thai có thể tiêu thụ măng cụt với lượng vừa phải để nhận về những lợi ích như:

  • Giảm nguy cơ gây dị tật thai nhi và thúc đẩy sự phát triển của bé
  • Tăng cường hệ miễn dịch cơ thể
  • Ngăn ngừa các vấn đề thường thấy trong thai kỳ như táo bón, thiếu máu, tiểu đường...
  • Giúp làn da được hồng hào, khỏe mạnh

Xem thêm: Măng cụt – loại trái cây tốt cho sức khỏe mà mẹ bầu nên ăn vào mùa nóng

4. Ăn măng cụt nhiều có tốt không?

Mặc dù tác dụng của măng cụt rất tốt cho sức khỏe, nhưng loại quả này cũng có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm nếu như tiêu thụ chúng quá nhiều.

Một nghiên cứu của Mỹ cho biết, tiêu thụ măng cụt liên tục hàng ngày trong 12 tháng có thể gây nhiễm axit lactic nặng. Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác bạn có thể gặp phải là:

  • Gây dị ứng
  • Cản trở quá trình điều trị bệnh
  • Có thể gây táo bón và tiêu chảy
  • Gây độc thần kinh
  • Đa hồng cầu
  • Can thiệp vào quá trình đông máu
  • Mất ngủ, đau bụng, nhức đầu....

Xem thêm: Dù có 'ghiền' quả măng cụt thơm ngon nhưng chớ dại ăn nhiều, vì những lý do này đây

Nhiều người thắc mắc liệu ăn măng cụt có nóng không ? Việc ăn măng cụt nóng hay mát chưa được các chuyên gia khẳng định nhưng nếu ăn quá nhiều măng cụt sẽ có thể gây nóng trong người vì hấp thụ nhiều calo từ quả này và làm nổi mụn. Ngoài ra một số đối tượng mắc bệnh sau cũng không nên ăn quả măng cụt như: người bị dị ứng, ung thư, sắp được phẫu thuật, bệnh đa hồng cầu.

5. Món ăn từ măng cụt

Với quả măng cụt, ngoài cách ăn trực tiếp bạn có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để tạo ra nhiều món ăn ngon hấp dẫn như: gỏi gà măng cụt, sinh tố măng cụt, chè măng cụt...

11-tac-dung-cua-mang-cut-voi-suc-khoe-va-sac-dep-voh-3
Không chỉ là loại quả thơm ngon, măng cụt còn có thể tạo ra nhiều món ngon hấp dẫn (Nguồn: Internet)

Các món ăn ngon từ quả măng cụt không chỉ ngon ngọt mà còn dễ chế biến, đặc biệt đây đều là những món ăn tốt cho sức khỏe và giúp giải nhiệt mùa hè vào mùa nắng nóng.

Xem thêm: 'Lạ mà ngon' với những món ăn được chế biến từ quả măng cụt

6. Cách chọn và bảo quản măng cụt được lâu

Mùa măng cụt thường bắt đầu chín vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Tuy nhiên, măng cụt đầu mùa thường có vị chưa đậm đà. Măng cụt ngon nhất là những quả chín và giữa mùa, khoảng tháng 6.

Không nên mua măng cụt vào thời điểm vào mùa mưa, tức vào khoảng tháng 7 vì măng cụt thời điểm đó thường sẽ không còn vị ngọt và giòn. Hiện nay măng cụt được bày bán rộng rãi ở nhiều nơi như siêu thị, chợ,...và giá măng cụt cũng dao động từ 35.000 - 95.000 VNĐ/kg tùy theo mùa vụ.

Học cách chọn măng cụt là một trong những việc bạn cần phải biết để không lo chọn nhầm những quả hỏng không ngon. Mỗi loại quả đều có những đặc điểm riêng biệt để nhận dạng. Với quả măng cụt bạn chỉ cần nhìn vào các điểm sau đây là có thể chọn được những quả ngon, không sượng hay bị hỏng:

  • Chọn quả sẫm màu nếu muốn ăn ngay
  • Chọn quả to vừa, không to quá
  • Nhìn vào đáy quả để đếm số múi
  • Bóp nhẹ vào quả măng cụt

Măng cụt mùa về bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh để có thể ăn được lâu dài. Thông thường nếu điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh thích hợp, bạn có thể bảo quản măng cụt trong khoảng từ 28 – 49 ngày.

Xem thêm: Bí quyết chọn măng cụt ngon chuẩn vị và bảo quản được lâu dài

7. Những lưu ý khi sử dụng măng cụt

Muốn nhận được các tác dụng của quả măng cụt, tránh được những tác dụng phụ không mong muốn bạn cần nhớ một số lưu ý sau đây:

  • Mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 30gr măng cụt (tương đương 2 quả) và mỗi tuần ăn 2 – 3 lần là đủ.
  • Không nên ăn măng cụt trước khi phẫu thuật 2 tuần vì hợp chất xanthones trong măng cụt có thể gây cản trở quá trình đông máu diễn ra bình thường.
  • Nếu muốn sử dụng vỏ từ quả măng cụt để làm bài thuốc chữa bệnh, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn sức khỏe.
11-tac-dung-cua-mang-cut-voi-suc-khoe-va-sac-dep-voh-5
Những lưu ý khi sử dụng măng cụt ( Nguồn: Internet )

8. Giá trị dinh dưỡng của măng cụt

Có thể nói, thành phần dinh dưỡng nổi bật nhất trong trái măng cụt chính là hợp chất xanthones. Tuy nhiên, loại quả này cũng chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng khác như:

  • Năng lượng: 73 kcal
  • Carbohydrate: 17.91gr
  • Chất xơ: 1.8gr
  • Chất béo: 0.58gr
  • Chất đạm: 0.41gr
  • Vitamin B1 và B2: .054mg
  • Vitamin B3: 0.286mg
  • Vitamin B5:0.032mg
  • Vitamin B6: 0.018mg
  • Vitamin B9: 31µg
  • Vitamin C: 2.9mg
  • Canxi: 12mg
  • Sắt: 0.3mg
  • Magie: 13mg
  • Mangan: 0.102mg
  • Photpho: 8mg
  • Kali: 48mg
  • Natri: 7mg
  • Kẽm: 0.21mg

Hàm lượng dinh dưỡng được tính trong 100gr quả măng cụt (phần ăn được)

Măng cụt là một loại trái cây nhiệt đới rất được yêu thích nhờ vào hương vị thơm ngon và những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Mặc dù tác dụng của măng cụt tốt cho sức khỏe nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, vì thế hãy ăn măng cụt với lượng hợp lý bởi bất kỳ loại trái cây nào ăn quá nhiều cũng điều không tốt cho sức khỏe.