Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Quả cam: 9 lợi ích sức khỏe thiết yếu và những lưu ý khi dùng

VOH – Quả cam là một trong những loại trái cây rất ‘thân thuộc’ với cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên có thể bạn vẫn chưa biết hết những ‘bí mật’ về thức quả tròn tròn và có hương vị thanh mát này.

Quả cam (tên khoa học: Citrus sinensis), thuộc giống cây ăn quả cùng họ với bưởi, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Tại Việt Nam, các giống cam khá đa dạng, gần như ở mỗi vùng miền của đất nước đều có loại cam đặc trưng, kể đến như cam Sành ở Hà Giang, cam Vinh ở Nghệ An hay cam Canh ở Hà Nội. 

Mỗi loại cam sẽ được thu hoạch vào những thời điểm khác nhau nhưng nhìn chung sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 10, kéo dài đến tháng 2 năm sau thì hết mùa. 

1. Tác dụng của cam

Cam không chỉ là thức quả thơm ngon, dễ ăn mà còn được tận dụng làm dược liệu trong bài thuốc Đông Y bởi ngay cả các bộ phận như vỏ hay hạt đều có công dụng tốt cho sức khỏe. 

1.1 Múi cam

Múi cam mọng nước cung cấp khá nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, trong đó phải kể đến vitamin C, axit folic hay chất xơ. Những chất dinh dưỡng này chính là yếu tố quyết định những lợi ích sức khỏe mà cam đem lại. 

Cải thiện tiêu hóa

Với hàm lượng chất xơ dồi dào (bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan), những múi cam góp phần không nhỏ ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích xảy ra, hỗ trợ hệ tiêu hóa vận hành tốt và giảm thiểu tình trạng táo bón xảy ra. 

Tăng cường sức đề kháng

Theo các phân tích dinh dưỡng, các nhóm chất như anthocyanins, flavanones hay axit hydroxycinnamic đảm nhiệm chức năng cải thiện sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, vitamin C từ cam sẽ kích thích sản sinh bạch cầu – những “vệ sĩ” ngăn chặn vi khuẩn mang mầm bệnh xâm nhập.  

Hỗ trợ hoạt động của não bộ

Cam được coi là thức quả hỗ trợ não bộ vận hành hiệu quả bởi cung cấp vitamin B9 cùng axit folic. Ngoài ra, cam còn giúp “bù đắp” năng lượng và giảm căng thẳng đầu óc, giúp tinh thần phấn chấn. 

qua-cam-9-loi-ich-suc-khoe-thiet-yeu-va-nhung-luu-y-khi-dung-voh-0
Các chất dinh dưỡng trong quả cam sẽ bù đắp năng lượng, giúp tinh thần phấn chấn (Nguồn: Internet) 

Ngăn chặn gốc tự do

Các gốc tự do tấn công vào tế bào là một trong những nguyên nhân gây ra một số bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể như ung thư. Cam rất giàu vitamin C nên sẽ giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể bằng cách trung hòa các gốc tự do.

Bảo vệ tim mạch

Để bảo vệ trái tim khỏe mạnh, cần cân bằng nồng độ cholesterol xấu và tốt trong máu, theo đó chất xơ hòa tan pectin từ cam có thể thực hiện vai trò quan trọng này. Đặc biệt, cam còn giúp kiểm soát tình trạng tắc nghẽn mạch máu, xơ vữa động mạch, duy trì sức khỏe của tim mạch. 

Phòng ngừa lão hóa

Một trong những công dụng của cam là phòng ngừa lão hóa mạnh mẽ nhờ hàm lượng vitamin E và vitamin C dồi dào. Những dưỡng chất này tạo thành “bức tường” bảo vệ da khỏi những tổn thương do tia UVA và UVB, đồng thời kích thích sản xuất collagen, ngăn ngừa nám. 

Xem thêm: Nhận biết 9 tác nhân gây lão hóa sớm để ‘chặn đứng’ dấu hiệu tuổi tác

Giảm nguy cơ mắc sỏi thận

Nếu ăn cam hoặc uống nước cam với lượng hợp lý, khoa học thì có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc sỏi thận. Hoạt chất citrate do cam cung cấp sẽ kiểm soát nồng độ pH trong nước tiểu ở mức an toàn, từ đây giảm khả năng hình thành mầm sỏi tích tụ. 

Tính kháng viêm mạnh

Các chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy trong cam có chứa rất nhiều polyphenol – hoạt chất có tính chống viêm cấp tính hữu hiệu. Cùng với đó, khi tiếp nạp thêm vitamin C từ quả cam, cơ thể sẽ sản sinh thêm protein, nhằm tái tạo tế bào mới, hình thành các mô liên kết giúp vết thương mau lành và không còn sưng viêm. 

Chống thiếu máu 

Khi lượng hồng cầu giảm xuống quá mức an toàn sẽ gây ra bệnh lý thiếu máu, để chủ động phòng tránh tình trạng bệnh này, bạn có thể bổ sung cam trong thực đơn hàng ngày. Mặc dù cam không phải là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào nhưng các dưỡng chất hữu cơ như vitamin C (axit ascorbic) và axit xitric sẽ tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.

1.2 Vỏ cam

Khi thưởng thức những múi cam chua chua ngọt ngọt, bạn đừng vội bỏ đi phần vỏ cam vì đây là phần “hội thụ” hàm lượng lớn chất xơ và nhiều dưỡng chất quý để điều chế thành các bài thuốc điều trị bệnh hữu hiệu. 

qua-cam-9-loi-ich-suc-khoe-thiet-yeu-va-nhung-luu-y-khi-dung-voh-1
Vỏ cam cung cấp khá nhiều chất xơ (Nguồn: Internet) 

Sau công đoạn rửa sạch và phơi khô vỏ cam, bạn có thể sắc nước uống hoặc sên mứt để tận dụng được những lợi ích sức khỏe sau đây:

  • Giảm ho, tiêu đờm
  • Hỗ trợ giảm cân 
  • Trị hôi miệng 
  • Chống tình trạng say tàu xe 

Xem thêm: ‘Nói gì thì nói’, không nên ‘ngó lơ’ 7 lợi ích sức khỏe cực quý từ vỏ cam!

1.3 Hạt cam 

Hạt cam thường được coi là phần bỏ đi và không có nhiều công dụng sức khỏe, song thực tế loại hạt nhỏ bé này thường xuyên có mặt trong các bài thuốc y học cổ truyền. 

Các dưỡng chất từ hạt cam không chỉ giúp duy trì sức khỏe tốt mà còn cải thiện sắc đẹp và làn da. Dưới đây là một số lợi ích quan trọng mà hạt cam đem lại:

  • Điều trị phong thấp 
  • Ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích 
  • Kiểm soát đường huyết 
  • Giúp nang tóc khỏe mạnh 
  • Chống lão hóa da
  • Điều hòa huyết áp 

Xem thêm: Hóa ra bạn vẫn đang ‘đánh rơi’ hạt cam – một vị thuốc cực kì tốt mà chẳng hề hay biết

2. Uống nước cam mỗi ngày lợi hay hại?

Dù cam được xem như thức quả bổ sung nhiều vitamin cùng các khoáng chất cần thiết nhưng việc tìm hiểu chế độ ăn cam và uống nước ép cam hợp lý vẫn là điều nên làm. 

Nhiều ý kiến cho rằng nên uống nước cam mỗi ngày, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo thói quen này hoàn toàn không tốt bởi nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe có thể xảy ra:

  • Tăng tiết dịch vị, gây chứng đầy hơi và đau dạ dày
  • Làm tổn thương men răng do tiếp nạp nhiều axit
  • Dư thừa kali, dẫn tới tim đập nhanh và khó thở
  • Tiềm ẩn nguy cơ mắc tiểu đường

Xem thêm: Nước cam ngon và bổ, nhưng có nên uống mỗi ngày không, và uống bao nhiêu là đủ?

3. Bà bầu ăn cam có tốt không?

Trong thời kì mang thai, mẹ bầu hoàn toàn có thể thêm cam vào thực đơn trái cây để vừa tăng cường sức đề kháng cho mẹ, vừa thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.

qua-cam-9-loi-ich-suc-khoe-thiet-yeu-va-nhung-luu-y-khi-dung-voh-2
Bà bầu hoàn toàn có thể ăn cam trong thai kì (Nguồn: Internet) 

Đây là trái cây “thân thiện” với mẹ bầu nhờ những công dụng quan trọng sau:

  • Tăng cường sức đề kháng 
  • Bù nước cho cơ thể
  • Duy trì độ ẩm của làn da 
  • Ngăn ngừa dị tật thai nhi 
  • Hạn chế nguy cơ chảy máu sau sinh 
  • Chống táo bón 

Xem thêm: 10 lý do bạn nên mua ngay cam ‘tẩm bổ’ cho mẹ bầu để không tiếc ‘ngẩn ngơ’

4. Trẻ uống nước cam mỗi ngày có tốt không?

Với trẻ từ đủ 12 tháng trở lên, đã làm quen với chế độ ăn dặm, mẹ thường cho bé uống thêm nhiều loại nước ép trái cây, trong đó nước ép cam là lựa chọn khá phổ biến. 

Vốn được biết đến là thức uống bổ dưỡng nên nhiều mẹ sẽ cho các bé uống nước cam mỗi ngày nhưng thói quen này lại dẫn tới nhiều tác hại cho sức khỏe của bé như mòn mèn răng, gây tiêu chảy và thậm chí ảnh hưởng chức năng của hệ tiêu hóa. 

Xem thêm: ‘Đành rằng’ nước cam rất tốt và bổ, nhưng cho trẻ uống mỗi ngày có phải là ‘cao kiến’?

5. Những điều cần biết về cách chọn cam ngon

Lựa chọn trái cam ngon đôi khi là “bài toán khó” với các bà nội trợ, đặc biệt với mỗi giống cam lại có những lưu ý riêng mà bạn cần chú ý để nhận biết. 

Để đánh giá trái cam ngon, đạt chất lượng hay không, nên chú ý các đặc điểm điển hình như màu sắc, hình dáng, kích thước và đặc tính của vỏ cam. 

Xem thêm: Biết ‘trọn bộ bí quyết’ này thì mua cam trái nào cũng ‘chuẩn không cần chỉnh’

6. Thành phần dinh dưỡng của cam

Dưới đây là thành phần dinh dưỡng của Cam (100g) được nghiên cứu và thống kê từ Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế:

  • Nước: 88.8 g
  • Năng lượng: 38 KCal
  • Carbohydrate (đạm): 8.3 g
  • Chất béo: 0.1 g
  • Chất xơ: 1.4 g
  • Canxi: 34 mg
  • Đồng: 140 µg
  • Photpho: 23 mg
  • Kali: 108 mg
  • Vitamin C: 40 mg
  • Vitamin B2: 0.03 mg
  • Vitamin PP: 0.2 mg
  • Vitamin E: 0.18 mg
  • Folate: 30 µg

Với sự đa dạng của các thành phần dinh dưỡng, cam là một trong những loại trái cây được các chuyên gia khuyên khích nên thêm vào chế độ ăn để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên hy vọng bạn sẽ luôn thực hiện một kế hoạch bổ sung hợp lý và khoa học. 

Bình luận