Ăn măng cụt nhiều có tốt không?

(VOH) – Quả măng cụt khá phổ biến tại Việt Nam, loại quả này ‘được lòng’ nhiều người bởi hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Vậy ăn măng cụt nhiều có tốt không?

Măng cụt không chỉ là loại trái cây tốt cho sức khỏe mà còn giúp điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại quả khác, khi bạn ăn quá nhiều măng cụt, bạn có thể sẽ phải đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Ăn nhiều măng cụt có tốt không?

Một số nghiên cứu ghi nhận, khi ăn măng cụt quá nhiều cơ thể bạn có thể gặp phải một vài tác dụng phụ không có lợi cho sức khỏe, đó là:

1.1 Gây dị ứng

Ăn măng cụt nhiều có thể khiến cơ thể bị nổi dị ứng với một số triệu chứng như nổi mề đay, mẩn đỏ, ngứa và sưng da hoặc nổi phát ban với người quá nhạy cảm.

Ngoài ra, ăn măng cụt còn dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như sưng miệng, môi, hoặc gây tức ngực, khó thở. Nếu có những triệu chứng dị ứng kể trên, bạn nên ngừng ăn măng cụt ngay lập tức để đảm bảo an toàn sức khỏe.

1.2 Nhiễm axit lactic

Tiêu thụ nhiều măng cụt liên tục trong nhiều tháng có thể khiến bạn bị nhiễm axit lactic. Khi cơ thể bị nhiễm axit lactic sẽ xuất hiện tình trạng buồn nôn, cơ thể yếu, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến sốc, đe dọa tính mạng.

1.3 Làm chậm quá trình đông máu

an-mang-cut-nhieu-co-tot-khong-voh-0
Ăn măng cụt có thể làm chậm quá trình đông máu (Nguồn: Internet)

Măng cụt có thể làm chậm quá trình đông máu, từ đó làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn đông máu.

Xem thêm: 6 điều ai cũng nên biết về bệnh máu khó đông

Ngoài ra, ăn măng cụt cũng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc sau khi phẫu thuật. Do đó, nếu bạn có chỉ định phẫu thuật cần ngừng ăn măng cụt ít nhất 2 tuần.

1.4 Cản trở quá trình điều trị bệnh

Măng cụt chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp phòng ngừa một số loại ung thư, nhưng ăn măng cụt quá nhiều lại gây ra những ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của liệu pháp xạ trị cũng như thuốc hóa trị.

Nguyên nhân là do, một số loại thuốc hóa trị sẽ phụ thuộc vào việc sản xuất các gốc tự do để tiêu diệt khối u. Tuy nhiên, chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong quả măng cụt lại chống lại và loại bỏ các gốc tự do, từ đó gây trở ngại trong điều trị ung thư.

1.5 Người bệnh đa hồng cầu

Người bệnh được chẩn đoán bị bệnh đa hồng cầu (một dạng rối loạn khi tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu) nên tránh ăn nhiều măng cụt, bởi loại trái cây này có thể làm tăng khối lượng của hồng cầu.

1.6 Gây độc thần kinh

Chất xanthone trong măng cụt nếu được nạp vào cơ thể quá nhiều sẽ có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Nếu sử dụng kết hợp với các loại thảo dược và các loại thuốc khác hoặc sử dụng liều cao có thể gây buồn ngủ quá mức.

1.7 Tác dụng phụ khác

Ăn nhiều măng cụt có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón ở những người bị hội chứng ruột kích thích.

Ăn măng cụt liên tục có thể bị đau bụng, đau cơ, nhức đầu, đau khớp, buồn nôn, ảnh hưởng đến giấc ngủ....

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không nên ăn măng cụt. Tuy nhiên, thực tế bà bầu ăn măng cụt với lượng vừa đủ và ăn đúng cách sẽ không hề gây hại cho cơ thể, thậm chí là nhận được khác nhiều lợi ích sức khỏe.

Xem thêm: Măng cụt – loại trái cây tốt cho sức khỏe mà mẹ bầu nên ăn vào mùa nóng

2. Ai không nên ăn măng cụt?

an-mang-cut-nhieu-co-tot-khong-voh-1
Một số đối tượng nên tránh ăn măng cụt để không làm nguy hại cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Măng cụt có thể rất tốt với nhiều người nhưng cũng có thể trở thành nguy hiểm với một vài nhóm đối tượng. Dưới đây là những nhóm người được khuyến cáo là nên hạn chế hoặc không thêm măng cụt vào chế độ ăn hàng ngày:

  • Người bị dị ứng
  • Bệnh nhân đang điều trị ung thư
  • Người có vấn đề về đường tiêu hóa
  • Người bệnh đa hồng cầu
  • Người sắp phẫu thuật

Như vậy, măng cụt tuy được đánh giá là loại trái cây có lợi cho sức khỏe nhưng khi ăn nhiều lại không hề tốt một chút nào. Do đó, tốt nhất bạn chỉ nên ăn măng cụt với lượng vừa phải, kết hợp thêm nhiều thực phẩm khác trong bữa ăn để giúp cân bằng dinh dưỡng và không gây hại cho cơ thể.