Chờ...

‘Giải đáp’ 7 tác dụng của dầu tràm trong làm đẹp và sức khỏe gia đình

(VOH) – Với hương thơm dễ chịu, thích hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ, tinh dầu tràm đang là loại tinh dầu thiên nhiên rất được ‘săn đón’. Vậy tác dụng của dầu tràm như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

Giống như các sản phầm tinh dầu khác, giá thành của tinh dầu tràm thường “nhỉnh” hơn so với những loại dầu gió thông thường. Tuy nhiên, với những tác dụng của dầu tràm với sức khỏe được chia sẻ trong bài viết dưới đây hứa hẹn sẽ khiến bạn hài lòng đấy.

1. Dầu tràm là gì?

Dầu tràm là tinh dầu thu được sau quá trình chưng cất từ lá và thân cây chàm kéo dài trong khoảng thời gian từ 4 – 5 tiếng, cực kì cầu kì, công phu. Hương thơm của dầu tràm dịu nhẹ không quá nồng và tương đối lành tính. Hiện nay có 2 loại dầu tràm phổ biến gồm:

  • Tinh dầu tràm gió: tinh dầu này được chiết xuất trực tiếp từ cây tràm gió, thân gỗ, lá dài khá giống phiến lá tre. Tại Việt Nam ta, giống cây tràm gió sinh sống tập trung ở một số tỉnh miền Trung, điển hình như Thừa Thiên – Huế hay Quảng Trị. Đặc biệt, dựa trên các phân tích thành phần, dầu tràm gió có chứa hai hoạt chất chống oxy hóa mạnh là α-Terpineol (chiếm 5 - 12%) và Eucalyptol (chiếm 23 - 65%).
  • Tinh dầu tràm trà: giống cây tràm trà có nguồn gốc từ châu Úc nên phần lớn tinh dầu tràm trà là sản phẩm được nhập khẩu về Việt Nam. Thành phần của loại tinh dầu này có đôi chút khác biệt với dầu tràm gió, cung cấp chủ yếu Gamma-terpinene và Terpinen-4-ol.
giai-dap-7-tac-dung-cua-dau-tram-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-0
Tràm gió và tràm trà là hai loại tràm phổ biến cho tinh dầu tràm (Nguồn: Internet)

Theo đó, với mục đích cải thiện sức khỏe, các chuyên gia sẽ khuyến khích chúng ta sử dụng tinh dầu tràm gió, còn muốn tận dụng trong làm đẹp thì tinh dầu tràm trà là lựa chọn phù hợp hơn.

2. Tác dụng của dầu tràm với sức khỏe

Tinh dầu tràm trà (đặc biệt là dầu tràm gió) được xếp vào nhóm dược liệu thiên nhiên có khả năng hỗ trợ phòng ngừa và điều trị một số vấn đề sức khỏe thường gặp sau:

2.1 Tác dụng của dầu tràm trị cảm lạnh, cảm cúm

Rất nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng hoạt chất Eucalyptol từ dầu tràm với đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ sẽ ức chế vi khuẩn gây cảm lạnh, cảm cúm hay các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Lúc này, bạn nên sử dụng khi thời tiết chuyển lạnh, hãy cho tinh dầu tràm hòa vào nước tắm. Hoặc bạn có thể dùng dầu tràm thoa trực tiếp vào lòng bàn chân, thái dương... sau khi tắm, trước lúc ra ngoài trời lạnh và khi thời tiết thay đổi.

Xem thêm: ‘Nằm lòng’ những biện pháp này để chủ động phòng bệnh đường hô hấp khi nắng – mưa thất thường

2.2 Tăng cường sức đề kháng

Thông qua việc xông hoặc tắm với tinh dầu tràm, các tinh chất kháng viêm của dầu tràm sẽ thẩm thấu vào cơ thể, trực tiếp tham gia củng cố hệ thống miễn dịch cũng như tạo “rào chắn” ngặn chặn mầm bệnh xâm nhập. Từ đây góp phần quan trọng bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

2.3 Khử mùi hôi miệng

Để khắc chế tình trạng hôi miệng, bạn nên nhỏ 3 giọt tinh dầu tràm trà vào cốc nước ấm, sau đó khuấy đều, rồi súc miệng từ 2 - 3 lần/ngày. Bằng khả năng sát khuẩn mạnh mẽ, dầu tràm sẽ giúp làm miệng hết mùi hoặc hạn chế mùi hôi miệng, lấy lại tự tin và đảm bảo sức khỏe răng miệng được tốt nhất. Ngoài ra, thêm một giọt dầu tràm vào kem đánh răng cũng đem lại hiệu quả tương tự.

Xem thêm: Chuyên gia Đông y mách bạn mẹo chữa hôi miệng cực hay tại nhà, giúp bạn tự tin giao tiếp

2.4 Trị nấm bàn chân

Có thế bạn chưa biết, α-Terpineol cùng Eucalyptol trong dầu tràm sẽ kết hợp với nhau để “vô hiệu hóa” hoạt động của vi khuẩn hay nấm kí sinh trên da – tác nhân chính gây viêm da ở bàn tay hoặc bàn chân. Bên cạnh đó, Eucalyptol còn có đặc tính làm giảm sưng ngứa tại vùng da bị côn trùng như muỗi hay kiến cắn, hạn chế tình trạng xoa gãi dẫn tới lở loét.

giai-dap-7-tac-dung-cua-dau-tram-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-1
Tinh dầu tràm có công dụng trị nấm hay cồn trúng đốt hiệu quả (Nguồn: Internet)

2.5 Tác dụng của dầu tràm giảm đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp thường xảy ra ở người lớn tuổi, bởi hệ thống trao đổi chất giảm dần, khiến cho xương khớp cũng từ đó mà ảnh hưởng, dẫn đến đau nhức mỏi. Bạn có thể sử dụng dầu tràm bằng cách xoa bóp bên ngoài, ngay tại vùng đau nhức nhằm sớm xoa dịu cơn đau.

2.6 Tác dụng của dầu tràm cho bé

Dầu tràm thuộc một trong số ít tinh dầu lành tính và phù hợp với trẻ nhỏ cũng như các em bé sơ sinh. Điều này là bởi hương thơm của dầu dịu nhẹ ít gây kích ứng, đồng thời hàm lượng chất kháng khuẩn dồi dào sẽ bảo vệ cơ thể các bé không mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng.

Xem thêm: 6 công dụng của tinh dầu tràm cho bé thuyết phục mẹ 'đầu tư' ngay

3. Công dụng của dầu tràm trong làm đẹp

Như đã chia sẻ, dầu tràm – cụ thể là dầu tràm trà đã và đang trở thành sản phẩm làm đẹp mà nhiều chị phụ nữ tin tưởng lựa chọn. Theo đó, công dụng của dầu tràm thể hiện rõ rệt nhất trong liệu trình trị mụn.

Đối với các vùng da dễ bị mụn như trán, mũi và cằm, bạn thoa dầu tràm trực tiếp lên vùng chữ T. Nếu da mặt bị mụn trầm trọng, bạn hãy nhỏ 3 - 4 giọt dầu tràm vào sữa rửa mặt và sử dụng hàng ngày. Đặc biệt, ngoài việc làm sạch và dưỡng da, loại tinh dầu này còn khiến cơ thể được thư giãn sau khi làm việc căng thẳng.

Xem thêm: 6 cách dùng tinh dầu tràm trị mụn hiệu quả và không gây kích ứng

4. Một số lưu ý an toàn cần biết khi sử dụng dầu tràm

Có thể thấy rằng tác dụng của dầu tràm với sức khỏe và làm đẹp đều được đánh giá rất cao. Nhưng để tận dụng hiệu quả những lợi ích tuyệt vời này, bạn cần ghi nhớ thực hiện đúng một số lưu ý an toàn dưới đây:

4.1 Lựa chọn dầu tràm chất lượng

Dù dầu tràm có giá thành tương đối cao (trung bình 100ml dầu tràm giá 220.000 đồng), song nếu không chú ý quan sát bạn vẫn có thể chọn nhầm loại dầu tràm “giả”. Do đó, bạn hãy chọn mua dầu tràm có màu vàng nhạt, không cặn, không rít – đó là đặc điểm của dầu tràm nguyên chất và được chưng cất trên 1 năm.

4.2 Không sử dụng quá nhiều

Tinh dầu tràm ngát hương, đem lại cảm giác thư thái nhưng lời khuyên là bạn không nên sử dụng quá nhiều, nhất là trong trường hợp đang điều trị bệnh hen suyễn. Tốt nhất chỉ dùng như một dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh lý, không lạm dụng thay thế thuốc đặc trị.

giai-dap-7-tac-dung-cua-dau-tram-voi-suc-khoe-va-lam-dep-voh-2
Chỉ nên sử dụng dầu tràm như một dược liệu hỗ trợ, tránh dùng quá nhiều (Nguồn: Internet)

4.3 Không sử dụng khi bị dị ứng

Khi sử dụng bắt gặp tình trạng da bị kích ứng, bạn nên ngưng sử dụng tinh dầu này ngay. Cùng với đó, vì dầu tràm có tính khử mạnh, bạn nên thử độ kích ứng lên vùng da tay trước khi sử dụng, đồng thời tránh thoa trực tiếp lên vết thương hở.

Nhìn chung, với những công dụng quý giá trên đây, dầu tràm đã và đang được tìm kiếm để bổ sung vào tủ thuốc của khá nhiều gia đình. Vì thế, hãy nhớ sử dụng thật khóa học, đúng cách để tận dụng trọn vẹn lợi ích sức khỏe từ loại tinh dầu thiên nhiên này bạn nhé!