Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngủ sâu, bổ mắt, nhuận tràng...nhờ tác dụng của thảo quyết minh

(VOH) – Là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi nhưng thảo huyết minh lại có thể chữa được rất nhiều loại bệnh thông dụng. Cùng tìm hiểu một số tác dụng của thảo quyết minh khiến nhiều người phải kinh ngạc.

Trong các tài liệu y học cổ truyền và cả y học hiện đại, thảo quyết minh đã được công nhận là dược liệu có khả năng hỗ trợ phòng ngừa cũng như cải thiện khá nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy loại cây mọc bụi này mang những đặc điểm và lợi ích sức khỏe thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn đấy!

1. Thảo quyết minh là cây gì?

Thảo quyết minh (tên khoa học Cassia tora L., họ Caesalpiniaceae), còn được gọi là muồng, muồng hòe, đậu ma, giả lục đậu hay giả hoa sinh. Thảo quyết minh thuộc giống cây thân thảo, cành nhẵn, cao khoảng 30 – 90cm. Lá mọc so le, kép, gồm 2 – 4 đôi lá chét. Hoa mọc từ 1 – 3 cái ở kẽ lá, màu vàng tươi. Quả là một hình giáp trụ dài 12 – 14cm, rộng 4mm, bên trong chứa chừng 25 hạt, cũng có hình trụ, màu nâu vàng bóng.

ngu-sau-bo-mat-nhuan-trang-nho-tac-dung-cua-thao-quyet-minh-voh-0
Hầu hết các bộ phận của thảo quyết minh đều được dùng để điều chế làm dược liệu cải thiện sức khỏe (Nguồn: Internet)

Ở Việt Nam, thảo quyết minh phân bố hầu như ở khắp các địa phương, trừ những vùng núi cao trên 1000m. Đây là loại cây ưa sáng, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Mùa hoa thảo quyết minh thường bắt đầu từ tháng 5 – 6, mùa quả từ tháng 9 – 11.

Thông thường, người ta thu hái quả thảo quyết minh để lấy hạt dùng làm thuốc. Quả sau khi thu hái về sẽ đem phơi khô, tách vỏ, lấy hạt đem phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, đem hạt thảo quyết minh sao với lửa nhỏ cho đến khi có mùi thơm. Tùy theo yêu cầu điều trị mà có thể sao vàng hay sao cháy.

2. Tác dụng của thảo quyết minh theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, thảo quyết minh tươi có vị nhạt, hơi đắng. Sau khi sao vàng, thảo quyết minh có vị đắng, ngọt, hơi mặn, tính mát, quy vào các kinh Can và Thận. Dược liệu này được dùng trong các bài thuốc với tác dụng can hòa, tán phong nhiệt, nhuận tràng, lợi thủy, thông tiện.

Thảo quyết minh sao vàng, pha nước uống có thể thay thế chè và cà phê với tác dụng lợi tiểu, chống nóng, chữa bệnh hắc lào, bệnh chàm mặt ở trẻ em.

Hơn hết, thảo quyết minh còn được điều chế thành các bài thuốc giúp sáng mắt hay trị đau mắt đỏ và chảy nước mắt nhiều.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị mất ngủ có thể uống thảo quyết minh để cải thiện tình trạng giấc ngủ. Đây là một trong số ít các loại thảo dược điều trị bệnh mất ngủ an toàn cho bà bầu.

Thảo quyết minh được dùng với liều lượng là từ 5 – 10g/ngày, sắc nước uống. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Một số bài thuốc có sử dụng dược liệu thảo quyết minh là:

  • Chữa viêm kết mạc cấp tính, đau mắt đỏ, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng: Thảo quyết minh, dã cúc hoa, mỗi vị lấy 9g; mạn kinh tử, mộc tặc, mỗi vị 6g. Tất cả đem sắc nước uống.
  • Chữa cao huyết áp, đau đầu: Thảo quyết minh sao vàng, giã dập, pha với sôi rồi uống như nước chè.
  • Chữa khó ngủ, tim hồi hộp, huyết áp cao: Hạt thảo quyết minh 20g, mạch môn 15g, tâm sen (sao) 6g. Sắc nước uống.
  • Chữa hắc lào: Lá thảo quyết minh 20g, rượu 40 – 50ml, giấm 5ml. Ngâm trong 10 ngày sau đó dùng để bôi hàng ngày.
  • Chữa viêm võng mạc: Hạt thảo quyết minh, vong nguyệt sa, dạ minh sa, mỗi thứ 10g, cam thảo 6g, hồng táo 5 quả. Đem sắc nước uống.

Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

3. Tác dụng của thảo quyết minh trong y học hiện đại

Không chỉ được dùng trực tiếp làm dược liệu sắc thuốc trong Đông y, các nhà sản xuất còn tách chiết tinh chất từ thảo quyết minh để điều chế dược phẩm. Đây là cách giúp tận dụng tối đa tác dụng của thảo quyết minh khi điều trị các vấn đề sức khỏe theo phương pháp hiện đại, cụ thể như sau:

3.1 Giảm huyết áp

Một trong những tác dụng của thảo quyết minh luôn được các chuyên gia sức khỏe đánh giá cao đó là hỗ trợ giảm huyết áp ở người bệnh cao huyết áp. Theo đó, các nhóm chất chống oxy hóa nhóm flavonoid từ dược liệu này sẽ trực tiếp tham gia điều hòa dòng luân chuyển máu, ổn định huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

3.2 Tác dụng của thảo quyết minh cải thiện táo bón

Thảo quyết minh thuộc nhóm thảo dược có khả năng cải thiện táo bón khá hữu hiệu. Điều này là bởi hoạt chất anthraglycosid giúp tăng cường sự co bóp của ruột, từ đó việc đại tiện cũng sẽ trở nên dễ dàng do phân mềm và lỏng hơn.

3.3 Ngăn ngừa rối loạn mỡ máu

Hấp thu những hoạt chất chống oxy hóa từ thảo quyết minh còn là cách giúp bạn chủ động đào thải lượng chất béo xấu ra bên ngoài, hạn chế tình trạng bị rối loạn mỡ máu.

ngu-sau-bo-mat-nhuan-trang-nho-tac-dung-cua-thao-quyet-minh-voh-1
Các chất chống oxy hóa từ thảo quyết minh có khả năng đào thải chất béo xấu trong thành mạch, ngăn ngừa rối loạn mỡ máu (Nguồn: Internet)

3.4 Phòng chống ung thư

Không chỉ góp phần cải thiện hoạt động hệ tuần hoàn và tim mạch, chất chống oxy hóa mạnh mà thảo quyết minh mang lại còn ức chế gốc tự do, ngăn chặn sự tấn công lên tế bào, từ đây phòng chống các bệnh ung thư nguy hiểm.

3.5 Tốt cho hệ thần kinh

Thảo quyết minh cũng được đánh giá là dược liệu rất tốt cho hệ thần kinh với công dụng an thần và khắc phục hiệu quả tình trạng mất ngủ kéo dài.

Xem thêm: Bí quyết ‘đánh bay’ chứng mất ngủ từ những loại thực phẩm tự nhiên

4. Một số lưu ý cần biết khi sử dụng thảo quyết minh

Trước khi quyết định sử dụng các bài thuốc từ thảo quyết minh để bồi bổ và cải thiện sức khỏe, bạn cần nằm lòng một số lưu ý an toàn dưới đây:

4.1 Không tốt cho người huyết áp thấp

Như đã chia sẻ, tác dụng của thảo quyết minh để lại ảnh hưởng tích cực tới người mắc bệnh cao huyết áp. Thế nhưng cũng chính vì vậy, đây không phải là dược liệu an toàn dành cho những đối tượng có huyết áp thấp, hay hạ huyết áp, cảm thấy chóng mặt và nôn nao.

Xem thêm: Bác sĩ cảnh báo: Khi có dấu hiệu này, có thể bạn đã bị huyết áp thấp

4.2 Hạn chế dùng khi thể trạng hư hàn

Nếu bạn thuộc nhóm người có thể trạng hư hàn, dễ bị lạnh bụng hoặc tiêu chảy thì cần hạn chế sử dụng thảo quyết minh để tránh mắc phải rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.

4.3 Không thay thế thuốc đặc trị

Các tác dụng của thảo quyết minh trong điều trị bệnh lý chỉ mang tính bổ trợ, hoàn toàn không thể thay thế thuốc đặc trị chuyên khoa. Do đó, bạn tuyệt đối không lạm dụng quá liều lượng và sai chỉ định của bác sĩ.

ngu-sau-bo-mat-nhuan-trang-nho-tac-dung-cua-thao-quyet-minh-voh-2
Các bài thuốc từ thảo quyết minh chỉ mang tính bổ trợ, không thể thay thế thuốc đặc trị (Nguồn: Internet)

5. Thành phần hóa học của thảo quyết minh

Theo các nghiên cứu, hạt thảo quyết minh có chứa chất chysophanol, physcion, obtusin, chryssobutusin, rubrofusarin... Ngoài ra, còn có chrysophanol-1-β-gentiobiosid, chrysophanic axit-9-anthrone.

Một số nhà nghiên cứu khảo sát sơ bộ đã xác định hạt thảo quyết minh của Việt Nam có chứa aloeemodin monoglucosid, physcion diglucosid, chrysophanol diglucosid và triglucosid, chrysophanol anthron…

Ngoài ra, trong lá thảo quyết minh còn có chứa một dẫn chất flavonoid là kaempferol-3-sophorosid.

Như vậy, thảo quyết minh là một loại dược liệu quý có thể giúp chữa nhiều loại bệnh thông dụng. Tuy nhiên, để có thể sử dụng dược liệu này một cách an toàn, bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ và thầy thuốc trước khi sử dụng.

Bình luận