Chờ...

Vitamin B3 có tác dụng gì đối với cơ thể?

(VOH) - Vitamin B3 được biết đến là một chất dinh dưỡng quan trọng mà mọi bộ phận của cơ thể đều cần đến để có thể hoạt động bình thường. Vậy vitamin B3 có tác dụng gì đối với cơ thể?

Vitamin B3 là một vi chất quan trọng trong nhóm vitamin B, giúp hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, tim mạch và làn da khỏe mạnh. Tuy nhiên, vitamin B3 rất ít khi được tạo ra bởi quá trình tổng hợp chất nên chúng cần được bổ sung qua thực phẩm ăn hàng ngày.

1. Vitamin B3 là gì?

Vitamin B3 hay còn gọi là niacin, một hợp chất có khả năng tan trong nước và cơ thể có thể tự bài tiết lượng vitamin dư thừa nếu không cần thiết. Đây một loại vitamin rất quan trọng với hoạt động sống nhưng lại không được dự trữ và rất ít khi được tạo ra bởi quá trình tổng hợp chất.

vitamin-b3-co-tac-dung-gi-voh-0
Vitamin B3 tồn tại trong cơ thể ở 2 dạng cấu tạo hóa học với những vai trò khác nhau (Nguồn: Internet)

1.1 Vai trò của vitamin B3 ( Niacin )

Vitamin B3 thường tồn tại trong cơ thể ở 2 dạng cấu tạo hóa học với những vai trò khác nhau, đó là:

  • Axit nicotinic: Đây là dạng vitamin có thể làm giảm lượng cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Niacinamide: Niacinamide không làm giảm cholesterol mà có tác dụng trong ngăn ngừa bệnh ung thư da và điều trị bệnh vảy nến.

Theo nhiều nghiên cứu, vitamin B3 có một vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể vì nó tham gia trực tiếp vào 150 quy trình khác nhau trong cơ thể con người, đặc biệt là tạo ra năng lượng.

1.2 Vitamin B3 có phải là vitamin PP không?

Nhiều người cho rằng vitamin PP chính là một tên gọi khác của vitamin B3, nhưng thực chất vitamin B3 không chính xác là vitamin PP. Vitamin PP (niacinamide) chỉ là 1 một dạng của vitamin B3, phụ trách nhiều chức năng để giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh tật.

Bình thường, cơ thể nhận phần lớn vitamin B3 thông qua chế độ ăn uống hàng ngày, nhưng một lượng nhỏ vitamin B3 cũng có thể được cơ thể sản xuất từ axit amin tryptophan. Các trường hợp cần dùng vitamin B3 liều cao cần có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

2. Vitamin b3 có tác dụng gì đối với sức khỏe ?

Cơ thể người cần được cung cấp đủ lượng vitamin B3 cần thiết mỗi ngày, khi cơ thể có đủ vitamin này sẽ giúp mang đến rất nhiều các lợi ích cho sức khỏe như:

2.1 Giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt

Vitamin B3 có tác dụng rất tốt trong việc giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt trong cơ thể.

Vitamin B3 có khả năng ức chế sự hoạt động của một loại enzym liên quan đến quá trình tổng hợp triglycerid nên làm giảm được từ 20 - 50% nồng độ triglyceride trong cơ thể. Do đó, có thể giúp làm giảm cả cholesterol LDL xấu và lipoprotein.

Ngoài ra, bổ sung vitamin B3 còn giúp làm tăng lượng cholesterol HDL, vì nó có khả năng ngăn chặn sự phá vỡ apolipoprotein A1 – một loại protein giúp tạo ra HDL.

2.2 Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Một trong những tác dụng của vitamin B3 là giúp ngăn bệnh tim mạch. Nhờ khả năng giảm viêm và stress oxy hóa nên vitamin B3 có lợi cho những người mắc bệnh tim mạch, giúp phòng ngừa được chứng xơ vữa động mạch.

2.3 Cải thiện chức năng não bộ

vitamin-b3-co-tac-dung-gi-voh-1
Vitamin B3 giúp cải thiện chức năng não bộ (Nguồn: Internet)

Bộ não con người cần có vitamin B3 để giúp hình co-enzyme NAD và NADP, phục hồi các tế bào não bị tổn thương. Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin B3 rất dễ xuất hiện các triệu chứng tâm thần.

2.4 Cân bằng chất béo

Một tác dụng khác của vitamin B3 chính là làm giảm chất béo trung tính (triglyceride) bởi có thể làm ngừng các hoạt động của enzym tham gia vào quá trình tổng hợp triglyceride.

2.5 Hỗ trợ điều trị tiểu đường tuýp 1

Tiểu đường tuýp 1 có thể làm phá hủy các tế bào tạo ra insulin trong tuyến tụy. Tuy nhiên, nếu cơ thể được cung cấp đủ vitamin B3 sẽ làm tăng khả năng bảo vệ tế bào này, góp phần làm giảm nồng độ cholesterol, nhờ đó cải thiện và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1.

Xem thêm: Những dấu hiệu nhận biết tiểu đường tuýp 1 - bệnh thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi

2.6 Hỗ trợ sản xuất hormone

Vitamin B3 còn có công dụng giúp cho quá trình sản xuất các loại hormone trong cơ thể, trong đó có hormone sinh dục nam và nữ.

2.7 Loại bỏ độc tố

Vitamin B3 cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể, loại bỏ những độc tố ra khỏi cơ thể thông qua việc tiết mồ hôi.

3. Công dụng của vitamin B3 cho sắc đẹp

Ngoài việc giúp cơ thể được khỏe mạnh, vitamin B3 còn có công dụng rất tốt đối với làn da. Một số tác dụng của vitamin B3 đối với làn da có thể kể đến là:

3.1 Bảo vệ làn da

Công dụng đầu tiên của vitamin B3 là nó có khả năng khôi phục tế bào da, giảm sự tác động của tia UV từ ánh nắng mặt trời lên trên làn da của bạn.

3.2 Ngăn ngừa lão hóa

vitamin-b3-co-tac-dung-gi-voh-2
Sử dụng vitamin B3 có tác dụng ngăn ngừa lão hóa da (Nguồn: Internet)

Vitamin B3 có khả năng ngăn ngừa lão hóa, tái tạo tế bào da, giảm các nếp nhăn, làm mờ vết thâm nám và chăm sóc da trở nên sáng mịn, đều màu hơn.

Ngoài ra, nếu kiên trì sử dụng vitamin B3 trong 4 tuần, bạn sẽ thấy tình trạng da nhờn của mình được cải thiện đồng thời kích thước lỗ chân lông cũng được thu hẹp lại.

3.3 Chống ung thư da

Một số nghiên cứu vào năm 2015 cho biết, vitamin B3 có tác dụng ngăn ngừa một số loại bệnh ung thư da.

Xem thêm: Những yếu tố nguy cơ gây ung thư da: có nhiều nốt ruồi bất thường, tắm nắng, da bị tàn nhang,…

4. Tác dụng phụ của vitamin B3 ( Niacin )

Cũng giống với các loại vitamin khác thì việc sử dụng quá liều, quá mức cho phép thì sẽ gây hại đến sức khỏe. Phần lớn các tác dụng khá hiếm gặp, bạn cần chú ý các tác dụng phụ sau khi sử dụng niacin liều cao:

  • Nhịp tim không đều và tăng nhanh.
  • Bệnh tiêu chảy.
  • Hoa mắt, choáng váng và ngất xỉu.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Đau bụng.
  • Ngứa ngoài da và nổi mề đay.
  • Nổi mẩn ngứa và ban.
  • Nước tiểu và phân có màu sậm.
  • Khó thở và khó nuốt.
  • Bị mất vị giác.
  • Yếu và đau cơ.
  • Cơ thể thiếu năng lương và mệt mỏi.
  • Bệnh gout.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Bị tổn thương gan.
  • Có các triệu chứng giống bệnh cảm cúm.

Khi gặp các dấu hiệu bất thường trên đây thì nên liên hệ tới bác sĩ để khám và điều trị kịp thời cho nhanh khỏi bệnh.

5. Nhu cầu bổ sung vitamin B3 của cơ thể theo từng lứa tuổi

Thông qua chế độ ăn uống bạn đã có thể cung cấp đủ vitamin B3 cho cơ thể mỗi này, chính vì thế rất ít khi xảy ra tình trạng thiếu hụt vitamin B3. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn bị thiếu vitamin B3 bạn sẽ cần bổ sung thêm vitamin này để không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ thể

Tùy theo độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, vitamin B3 sẽ được bổ sung với liều lượng khác nhau. Với người có sức khỏe bình thường, mỗi ngày cần nạp vào cơ thể lượng vitamin này như sau:

5.1 Trẻ sơ sinh

  • Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi cần 2mg mỗi ngày, thường sữa mẹ là nguồn cung cấp đầy đủ cho trẻ.
  • Trẻ từ 7 - 12 tháng tuổi: 4mg mỗi ngày.

5.2 Trẻ nhỏ

  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 6mg mỗi ngày.
  • Trẻ từ 4 - 8 tuổi: 8 mg mỗi ngày.
  • Trẻ từ 9 - 13 tuổi: 12 mg mỗi ngày.

5.3 Thanh thiếu niên và người trưởng thành

  • Nam giới từ 14 tuổi trở lên: 16mg mỗi ngày.
  • Nữ giới từ 14 tuổi trở lên:  14mg mỗi ngày.
  • Phụ nữ mang thai: 18 mg mỗi ngày.
  • Phụ nữ đang cho con bú: 17 mg mỗi ngày.

6. Một số người cần thận trọng khi dùng thuốc vitamin B3 ( Niacin )

Mặc dù thuốc vitamin B3 tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể dùng được loại thuốc này. Môt số đối tượng khi mắc các bệnh sau thì nên liên hệ bác sĩ trước khi dùng thuốc vitamin B3:

  • Bị bệnh gan nặng.
  • Bị viêm loét dạ dày.
  • Bệnh tiêm và đau ngực.
  • Bị dị ứng thuốc
  • Người đang mang thai và cho con bú.
  • Trẻ em và người lớn tuổi cần liên hệ bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Sử dụng các loại thuốc tương tác với thuốc vitamin B3 như: thuốc huyết áp, tiểu đường,...

7. Vitamin B3 có trong thực phẩm nào?

Vitamin B3 có nhiều trong thực phẩm, dưới đây những thực phẩm giàu vitamin B3 điển hình:

7.1 Gan động vật

Gan của các loại động vật như lợn, bò, gà đều chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Nói về hàm lượng vitamin B3 thì trong 100g gan lợn có tới 2.1mg, gan bò là 17mg và gan gà là 10.4mg.

7.2 Trứng

Giá trị dinh dưỡng trong trứng luôn được xếp vào một trong những loại thực phẩm tốt nhất. Trong 100g trứng (phần ăn được) có chứa 0.2mg vitamin B3 nên những ai cần cung cấp vitamin B3 thì có thể bổ sung thực phẩm này vào bữa ăn hàng ngày.

7.3 Cà chua

Trong 100g cà chua chín chứa đến 0.5mg hàm lượng vitamin B3 cung cấp cho cơ thể. Vì thế, bạn nên để loại thực phẩm xuất hiện trong các bữa ăn của mình thường xuyên.

7.4 Khoai lang

Khoai lang không chỉ chứa nhiều tinh bột mà nó còn là một nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể, trong đó có cả vitamin B3. Trong 100g khoai lang có đến 0.6mg hàm lượng vitamin B3 được nạp vào cơ thể.

7.5 Đậu phộng

Nói về loại thực phẩm giàu vitamin B3 thì không thể không nhắc đến đậu phộng. Có khoảng 16mg hàm lượng vitamin B3 được tìm thấy trong 100g đậu phộng. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn giàu axit béo không bão hòa đơn từ đó làm giảm mức độ cholesterol xấu trong cơ thể, ngăn ngừa nhiều vấn đề về tim mạch.

vitamin-b3-co-tac-dung-gi-voh-3
Có rất nhiều thực phẩm giàu vitamin B3 (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung nguồn vitamin B3 cho cơ thể thông qua các thực phẩm sau đây:

  • Ức gà
  • Thịt gà tây
  • Cá ngừ
  • Cá cơm
  • Cá hồi
  • Thịt heo
  • Thịt bò
  • Gạo lức
  • Các loại nấm
  • Lúa mì
  • Đậu hà lan
  • Khoai tây

8. Khi nào cần bổ sung thuốc vitamin B3 ( Niacin )?

Thiếu vitamin B3 có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như: viêm da, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tâm thần, còi xương, mù ban đêm... Do đó, với những trường hợp này, bạn sẽ được bổ sung vitamin B3 thông qua các loại thuốc bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.

vitamin-b3-co-tac-dung-gi-voh-4
Bổ sung vitamin B3 bằng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Hiện nay, trên thị các loại thuốc vitamin B3 được điều chế thành nhiều dạng và hàm lượng như sau:

  • Loại viên nang uống 50mg
  • Viên nén uống phóng thích nhanh 500mg
  • Viên phóng thích kéo dài 500mg, 750mg, 1000mg
  • Dung dịch uống 100ml
  • Kem thoa da, lotion, bột và khí dung 0.01%
  • Mặt nạ 0.1%

Nên nhớ, vitamin B3 không phải là loại thuốc có thể tùy tiện sử dụng, muốn sử dụng loại thuốc này bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn rõ hơn về cách dùng cũng như liệu lượng dùng an toàn.

9. Lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc bổ sung vitamin B3 ( Niacin )

Giống như các loại thuốc khác, thuốc vitamin B3 cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn nếu dùng quá liều hoặc sai cách. Vì thế, bạn cần lưu ý một số điều sau đây trước khi sử dụng:

  • Thận trọng khi dùng với thuốc điều trị cao huyết áp: Vitamin B3 là thuốc gây giãn mạch nên thường sẽ gây ra hiện tượng mặt đỏ bừng và hạ huyết áp. Do đó cần tránh dùng chung với thuốc điều trị tăng huyết áp vì có thể gây ra hạ huyết áp quá mức.
  • Chú ý khi dùng với thuốc hạ đường huyết: Vitamin B3 phân giải glycogen nên làm tăng đường huyết. Vì thế, người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý điều này trước khi sử dụng.
  • Không nên dùng thuốc vitamin B3 với những trường hợp đang dùng thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh... vì có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
  • Tránh uống rượu khi sử dụng thuốc vitamin B3 vì nó sẽ làm gia tăng nguy cơ tổn thương gan.
  • Tránh đứng lên quá nhanh khi ngồi hoặc nằm vì nó sẽ làm bạn thấy chóng mặt, choáng váng một lúc.
  • Không nên thực phẩm giàu chất béo hoặc cholesterol vì nó sẽ làm giảm sự hấp thu vitamin B3.
  • Khi sử dụng thuốc quá liều thì cần liên hệ bác sĩ đề khám và điều trị kịp thời.

Có thể thấy, vai trò của vitamin B3 với cơ thể là rất quan trọng, bởi nó tham gia vào nhiều quá trình để duy trì hoạt động sống và sự phát triển. Vitamin B3 có thể được cung cấp qua thực phẩm và trong những trường hợp bị thiếu hụt sẽ bổ sung bằng thuốc thông qua chỉ định từ bác sĩ.