5 tác hại của rau má ai cũng cần biết

(VOH) – Rau má không chỉ dùng để nấu canh hoặc xay nước uống, mà còn được xem như một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích những tác hại của rau má cũng rất đáng lo ngại.

Rau má là loại rau quen thuộc được nhiều người sử dụng để giúp giải nhiệt mùa hè hay trong công cuộc làm đẹp làn da. Rau má chứa nhiều thành phần có lợi, có thể giúp hạ sốt, tăng cường trí nhớ tốt cho tim mạch, lưu thông máu huyết, chống lại sự lão hóa làn da,...

Được đánh giá là loại rau lành tính và sử dụng rộng rãi trong đời sống. Tuy nhiên, thường xuyên sử dụng, bạn có thể sẽ phải đối mặt với những tác hại của rau má.

1. Ăn và uống nhiều rau má có tốt không?

Rau má được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn gia đình, loại rau này vừa là thực phẩm lành tính nhưng cũng có dược tính, vì thế, nếu lạm dụng dùng rau má quá nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bạn.

1.1 Gây sảy thai

Phụ nữ đang mang thai nên tránh ăn hoặc uống nước rau má bởi các chất có trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa, phụ nữ dùng rau má trong thời gian dài cũng có thể làm giảm khả năng mang thai.

1.2 Tăng lượng đường trong máu

Nhiều người thường uống nước rau má như một giải pháp giúp giải nhiệt cơ thể mùa hè. Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều rau má sẽ làm tăng lượng đường trong máu.

tac-hai-cua-rau-ma-voh-0
Ăn quá nhiều rau má có thể làm tăng lượng đường trong máu (Nguồn: Internet)

Rau má có khả năng làm lượng cholesterol và lượng đường trong máu tăng cao, nên những người bị tiểu đường và có cholesterol cao tốt nhất không nên ăn nhiều rau má.

1.3 Nhức đầu

Một trong những tác hại của rau má là chúng có thể gây nhức đầu. Việc uống lạm dụng nước rau má để giải nhiệt, có thể khiến bạn bị nhức đầu, chóng mặt, thậm chí mất ý thức thoáng qua. Vì thế, dù có yêu thích rau má bạn cũng không nên sử dụng quá nhiều.

1.4 Tiêu chảy

Rau má là loại rau có tính hàn, có công dụng giải nhiệt, do đó nếu sử dụng nhiều sẽ rất dễ gây ra tình trạng đầy bụng và gây tiêu chảy. Những người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng sẽ càng dễ bị tiêu chảy.

Do đó, để hạn chế gặp phải tác hại của rau má, bạn nên ăn thêm một lát gừng để làm ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau má.

Xem thêm: Ăn gì khi bị tiêu chảy? 7 loại thực phẩm sẽ giúp giải quyết vấn đề trên

1.5 Làm giảm tác dụng của thuốc

Rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm...  Ngoài ra, nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của insulin và thuốc tiểu đường uống khác, cũng như các thuốc hạ cholesterol.

2. Những điều cần tránh khi dùng rau má

tac-hai-cua-rau-ma-voh-1
Cần đảm bảo ăn và uống rau má đúng cách để không gặp phải những tác hại của rau má (Nguồn: Internet)

Như vậy, để có thể sử dụng rau má một cách an toàn, không gặp phải những tác dụng phụ của rau má, bạn nên đảm bảo thực hiện tốt những lưu ý sau đây:

  • Không dùng rau má liên tục quá 1 tháng: Mặc dù rau má an toàn nhưng bạn không nên sử dụng liên tục quá 6 tuần. Mỗi ngày bạn có thể dùng khoảng 1 cốc nước rau má, tương đương 40g rau má. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục quá 1 tháng.
  • Không dùng nhiều trước và trong khi mang thai: Phụ nữ có ý định mang thai và đang mang thai nên tránh ăn rau má, bởi sử dụng chúng lâu ngày bạn có thể sẽ giảm khả năng thụ thai và có thể dẫn đến khả năng sảy thai.
  • Không dùng cho người bị tiểu đường: Không sử dụng rau má cho người bị tiểu đường vì sẽ làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu.
  • Không dùng khi bị tiêu chảy: Không nên uống hoặc ăn rau má nếu bạn đang bị tiêu chảy, bởi chúng có thể khiến tình trạng càng thêm nghiêm trọng.
  • Không dùng để tránh làm giảm tác dụng của thuốc: Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc ăn hoặc uống nước rau má nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh, chẳng hạn như thuốc chống co giật, thuốc mất ngủ, thuốc chống trầm cảm....

Hướng dẫn ăn và uống rau má an toàn cho sức khỏe

Như đã nói, rau má không đơn thuần chỉ là rau, mà nó còn là một loại thảo dược được sử dụng nhiều y học cổ truyền. Do đó, nếu muốn sử dụng lâu dài, bạn cần xem rau má như một loại thuốc mà dùng đúng liều lượng.

Theo đó, một người bình thường có thể dùng 40g rau má mỗi ngày, nhưng không được dùng quá 1 tháng. Sau mỗi đợt dùng cần nghỉ ít nhất nửa tháng mới nên tiếp tục dùng đợt tiếp theo.

Phụ nữ mang thai, người bệnh tiểu đường, bệnh gan, tiền sử bệnh tổn thương da, có cholesterol cao hoặc người đang sử dụng một số loại thuốc an thần, lợi tiểu... thì không nên dùng rau má, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Rau má có thể ăn sống, nấu canh hoặc ép trực tiếp lấy nước. Do đó, khi sử dụng cần rửa thật sạch với nước để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Tóm lại, rau má tốt và chứa đựng nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên bạn cần sử dụng chúng trong giới hạn cho phép, không nên lạm dụng quá nhiều bởi những tác hại của rau má có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.