Chờ...

Tại sao cơ thể con người cần bổ sung chất sắt?

VOH - Khi nói đến việc bổ sung sắt, chắc hẳn mọi người đã từng nghe nói rằng nên ăn gan heo, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho biết loại gan tốt nhất để bổ sung sắt là gan ngỗng.

Chính xác giá trị dinh dưỡng của gan động vật là gì? Bổ sung sắt có lợi ích gì? Tại sao có tình trạng sắt dường như không được hấp thụ dù mọi người có bổ sung bao nhiêu đi chăng nữa?

Các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ với mọi người ăn uống đúng cách để không còn lo lắng về việc bổ sung sắt không hiệu quả.

chất sắt
Gan động vật, đặc biệt gan heo, gan ngỗng là thực phẩm bổ sung sắt tuyệt vời - Ảnh: TVBS

Tại sao cơ thể con người cần bổ sung sắt?

Lý Tư Hiền, một bác sĩ y học gia đình giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, chất sắt đảm đương nhiều chức năng trong cơ thể, ví dụ như dẫn truyền năng lượng, tổng hợp DNA, vận chuyển oxy…

Triệu chứng thường gặp nhất của tình trạng thiếu sắt là thiếu máu, nhưng có nhiều triệu chứng khác cũng là dấu hiệu cảnh báo thiếu sắt như nhịp tim nhanh, chân tay lạnh, mệt mỏi, giảm khả năng miễn dịch…

So sánh gan gà, gan heo, gan ngỗng, gan động vật trong việc bổ sung sắt

Khi nói đến thực phẩm bổ sung sắt, gan động vật được nhắc đến nhiều nhất là gan heo. Nhưng chuyên gia dinh dưỡng Ngôn Hân Lăng tại Đài Loan có thực hiện một so sánh giữa các loại gan động vật để bổ sung sắt thường được nhiều người ăn, cụ thể là gan gà, gan heo và gan ngỗng.

Từ so sánh này cho thấy, gan ngỗng có hàm lượng sắt cao nhất tính trên 100 gram, tiếp theo mới là gan heo.

  • Calo (kcal): gan gà 111 kcal, gan heo 137 kcal, gan ngỗng 123 kcal
  • Protein (g): gan gà 18,8g, gan heo 20,8g, gan ngỗng 20,5g
  • Lipid (g): gan gà 3,5g, gan heo 5,3g, gan ngỗng 3,9g
  • Sắt (mg): gan gà 3 mg, gan heo 10,2 mg, gan ngỗng 44,6 mg.
  • Cholesterol (mg): gan gà 343 mg, gan heo 288 mg, gan ngỗng 383 mg.

Giá trị dinh dưỡng của gan động vật là gì?

Vậy có chất dinh dưỡng gì trong gan ngỗng? Chuyên gia dinh dưỡng Hứa Duệ Hàm người Đài Loan phân tích, gan của động vật nói chung chủ yếu là cơ quan tích lũy các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo và một số khoáng chất, nó có các chất dinh dưỡng như sau:

Vitamin A

Vitamin A duy trì chức năng thị giác bình thường của cơ thể con người và quá trình trao đổi chất, cũng như tổng hợp của tế bào niêm mạc.

Vitamin D

Vitamin D tham gia vào việc cân bằng canxi và phốt pho trong cơ thể và sức khỏe của xương, nó cũng góp phần vào sự ổn định của hệ thống miễn dịch.

Nguyên tố vi lượng selen

Nguyên tố vi lượng selen tham gia vào quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp, nó có khả năng chống oxy hóa mạnh và có thể ngăn ngừa tổn thương nang tuyến giáp.

Khoáng chất sắt

Khoáng chất sắt tổng hợp heme, đây là thành phần chính của hồng cầu, để tránh xảy ra tình trạng thiếu máu.

Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Hứa Duệ Hàm cũng nhắc nhở rằng, cholesterol có trong gan ngỗng có thể tham gia vào quá trình tổng hợp hormon steroid của con người, vitamin D, cholesterol và mật. Do đó, người đang trong tình trạng viêm nhiễm hoặc kiểm soát lượng đường trong máu kém, ăn quá nhiều gan ngỗng có thể thúc đẩy quá trình xơ cứng động mạch, làm nặng thêm tổn thương sức khỏe tim mạch.

Vì vậy, dù gan ngỗng rất ngon nhưng mọi người chỉ nên ăn ở mức độ thích hợp vừa phải trong một thời gian ngắn.

Tại sao có bổ sung sắt nhưng cơ thể không hấp thụ được?

Thực tế có một số người bổ sung rất nhiều sắt nhưng cơ thể lại không hấp thụ được, bác sĩ Lý Tư Hiền nói rắng, nếu họ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa axit oxalic như các loại hạt, quả hạch, cải bó xôi (hay còn gọi là rau bina)… và cùng lúc đó cũng bổ sung viên canxi, nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt của cơ thể.

Ngoài ra, nếu uống quá nhiều đồ uống có chứa polyphenol chẳng hạn như cà phê, trà… cũng có thể làm cản trở sự hấp thụ sắt của cơ thể.

Bác sĩ Lý Tư Hiền chia sẻ, nếu muốn tăng cường khả năng hấp thụ của sắt, mọi người nên kết hợp nó với vitamin C. Cách phổ biến nhất là uống chung vitamin C và viên bổ sung sắt để vitamin C thúc đẩy hấp thu sắt tốt hơn. Các loại khác như vitamin B12, khoáng chất đồng, vitamin A, selen, kẽm hoặc giấm uống, nước chanh... cũng vì nhờ tính axit của chúng nên sắt được hấp thu tốt hơn.