Sáng 26/8, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM với sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, Cục công tác phía nam Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tổ chức Hội thảo Khoa học An toàn thực phẩm và An ninh lương thực lần 6 năm 2022.
Đối tượng tham gia hội thảo là các nghiên cứu viên trẻ, nhà khoa học, giảng viên trẻ và sinh viên của các trường, viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu tại TPHCM và các tỉnh thành trong toàn quốc.
Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài báo khoa học của 154 tác giả, nhóm tác giả, thành viên đến từ 32 đơn vị trên cả nước. Chương trình Hội thảo gồm 02 phần: Phiên toàn thể và các Phiên tiểu ban chuyên đề.
"Hội thảo lần này chúng ta tin tưởng rằng nơi đây sẽ là nơi giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ và kết nối giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực an toàn thực phẩm và an ninh lương thực, từ hội thảo này chúng ta sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai về chuyên môn này", Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết.
Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung thảo luận các vấn đề về an toàn thực phẩm và an ninh lương thực hiện nay, đồng thời thảo luận về mục tiêu, các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về tình hình an toàn thực phẩm và an ninh lương thực của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Duy - Trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng, thực phẩm chay hiện nay đang dần trở thành xu hướng và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, thực phẩm chay phát triển đặc biệt sau dịch Covid-19 có nhiều lý do: “Đó là do càng ngày, người ta càng cảm thấy là khi mà chúng ta ăn thịt động vật, thì có khả năng bị nhiễm bệnh, do là hóc môn tăng trưởng, do thuốc kháng sinh, hoặc thậm chí là một số thịt không rõ nguồn gốc thì có thể mang đến những loài virus lạ".
Còn về vấn đề an toàn thực phẩm và an ninh lương thực tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19, Tiến sĩ Đỗ Việt Hà - Chủ tịch Hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố cho biết: Hiện nay chúng ta đã chủ động sản xuất và tồn trữ lâu dài các nhóm béo và nhóm gluxit, nên có khả năng chủ động cung cấp cho con người. An ninh lương thực chúng ta làm rất tốt, tuy nhiên hiện nay còn 2 nhóm cung cấp đạm, khoáng, xơ, vitamin thì chúng ta khó chủ động hơn, do đây là các loại nhạy cảm với thời tiết, khí hậu.
"Chúng ta cần chủ động trong sản xuất ở điều kiện kiểm soát được các yếu tố gây hại và đáp ứng các yêu cầu: thứ nhất là đáp ứng được đủ dinh dưỡng, thứ hai là an toàn vệ sinh, thứ ba là chất lượng cảm quan phù hợp, thứ tư là phù hợp văn hoá, thứ năm là giá thành phù hợp nữa, thứ sáu là đảm bảo sinh thái bền vững”, Tiến sĩ Hà nói.
Sau hội thảo, các báo cáo chất lượng và xuất sắc được tuyên dương và trao giải với cơ cấu giải thưởng gồm 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Các bài tham luận tham gia hội thảo sẽ được Hội đồng khoa học chọn phản biện sau đó được Ban tổ chức biên tập, đăng trên Kỷ yếu khoa học của Hội thảo có chỉ số ISBN (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách tại Việt Nam)