- Tìm hiểu về việt quất
- Quả việt quất có tác dụng gì với sức khỏe?
- Bà bầu ăn việt quất có tốt không?
- Có nên chọn việt quất cho bé ăn dặm?
- Gợi ý cách chế biến món ăn từ việt quất
- Một số điều cần lưu ý khi sử dụng việt quất
- Hướng dẫn lưu trữ và bảo quản việt quất đúng cách
- Thành phần dinh dưỡng của quả việt quất
Trước khi “ghé tới” Việt Nam, trái việt quất vốn đã được “săn đón” ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ bởi hình dáng nhỏ xinh mà còn bởi nguồn dưỡng chất phong phú loại quả này đem lại.
1. Tìm hiểu về việt quất
Việt quất thuộc đoạn Cyanococcus, chi Vaccinium, thậm chí thứ quả này còn là “biểu tượng” của đoạn Cyanacoccus vì được canh trồng phổ biến nhất.
1.1 Đặc điểm
Cây việt quất có đặc tính phát triển khá đặc biệt, gồm loài việt quất tán cao và loài việt quất tán thấp, thường mọc dáng thẳng đứng, chiều cao dao động từ 10cm đến 4m.
Việt quất cũng thuộc nhóm cây ăn quả sống lâu năm, tuổi thọ có thể kéo dài tới 15 năm, do vậy phải từ năm thứ 6 trở đi, cây mới bắt đầu cho quả nhiều nhất. Đặc biệt, loại cây sinh trưởng tốt nhất trong điều kiện thời tiết ấm áp, có nhiều ánh sáng mặt trời, với nhiệt độ từ 20 – 36 độ C.
1.2 Phân bố
Việt quất vốn có xuất xứ từ khu vực Bắc Mỹ, canh trồng nhiều tại các quốc gia như Canada, Mexico hay Hoa Kỳ. Ngày nay, tại một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia cũng bắt đầu trồng và thu hoạch việt quất.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng, loại việt quất “du nhập” vào Việt Nam chủ yếu là việt quất xanh (blueberry), không phải việt quất đen (bilberry).
2. Quả việt quất có tác dụng gì với sức khỏe?
Có lẽ bạn sẽ rất “ngỡ ngàng” bởi với hình dáng nhỏ nhắn như vậy song trái việt quất lại được đánh giá là nguồn cung cấp các nhóm chất chống oxy và vitamin vô cùng quý giá. Nhờ vậy mà loại quả này sẽ giúp chúng ta cải thiện các vấn đề sức khỏe sau:
2.1 Tăng cường trí nhớ
Dưới tác động của công việc căng thẳng cùng những thay đổi tuổi tác, việc suy giảm trí nhớ, mắc chứng hay quên là điều không thể tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng này cũng như tăng cường sức khỏe não bộ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chúng ta nên bổ sung thêm trái việt quất trong khẩu phần ăn.
Theo đó, hợp chất anthocynanin (quyết định màu xanh tím của việt quất) và nhóm chất chống oxy hóa polyphenol sẽ kích thích sản sinh tế bào ở hồi hải mã, tăng kết nối giữa các tế bào não.
2.2 Kích thích tiêu hóa
Theo phân tích dinh dưỡng, trung bình trong 148g việt quất chứa khoảng 4g chất xơ. Dưỡng chất này được coi là “người bạn” của các vi khuẩn có lợi trong hệ sinh thái đường ruột, đồng thời sẽ tham gia gắn kết với acid mật trong ruột, góp phần tăng khả năng hấp thu và tiêu hóa thức ăn.
2.3 Củng cố xương chắc khỏe
Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ cải thiện trí nhớ, chất chống oxy hóa thuộc nhóm polyphenol do việt quất cung cấp còn có tính kháng viêm mạnh, giúp giảm thiểu tình trạng viêm cục bộ, sưng đau và nhức cơ bắp.
Đặc biệt, các khoáng chất thiết yếu như kali, mangan hay đồng được tìm thấy trong thức quả này sẽ làm tăng tỉ lệ hình thành mô xương khớp, duy trì hệ vận động dẻo dai, chắc khỏe.
2.4 Kiểm soát đường huyết
Chất xơ mà cơ thể hấp thu từ việt quất phần lớn là nhóm chất xơ hòa tan, sẽ gắn chặt với phân tử đường, làm chậm tốc độ giải phóng đường vào máu, từ đó giúp điều hòa và kiểm soát lượng đường huyết ở mức an toàn.
2.5 Phòng chống ung thư
Các chất chống oxy hóa từ trái việt quất được xem như “khắc tinh” của gốc tự do gây tổn thương cho tế bào của cơ thể. Việc bổ sung những hoạt chất này sẽ kiểm soát sự gia tăng quá mức nồng độ gốc tự do, ngăn chặn sự phá hủy DNA xảy ra.
2.6 Tốt cho tim mạch
Một số nghiên cứu y khoa đã chỉ rằng, nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch thường tăng cao một phần do quá trình oxy hóa cholesterol LDL. Nhưng thật may rằng chất chống oxy hóa trong quả việt quất có khả năng giảm tỉ lệ LDL bị oxy hóa, hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn mạch vành và đột quy.
Xem thêm: Bệnh mạch vành và những điều nên biết
2.7 Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu
Chúng ta biết rằng vi khuẩn E.coli là tác nhân chính khiến đường tiểu bị nhiễm trùng và làm tổn thương các mô đường tiết niệu. Tuy nhiên, nhiều phân tích dinh dưỡng đã nhận định rằng chất chống kết dính trong việt quất có đặc tính ngăn loại vi khuẩn này bám vào thành bàng quang, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. (1)
3. Bà bầu ăn việt quất có tốt không?
Thời kì mang thai, mẹ bầu thường có nhiều lo lắng, phải “nâng lên đặt xuống” trước khi chọn mua bất cứ loại trái cây nào. Song với trái việt quất thì các mẹ hoàn toàn có thể yên tâm bồi bổ thêm trong thai kì.
Với nguồn chất dinh dưỡng dồi dào, dưới đây là những lợi ích sức khỏe mà trái việt quất đem lại cho bà bầu:
- Giải tỏa căng thẳng
- Giảm buồn nôn, ốm nghén
- Ngăn ngừa dị tật thai nhi
- Cải thiện sức đề kháng, ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh
- Phòng chống tăng huyết áp thai kì
4. Có nên chọn việt quất cho bé ăn dặm?
Việt quất có vị chua chua ngọt ngọt và có màu sắc bắt mắt nên được nhiều mẹ lựa chọn để chế biến các món ăn dặm, vừa giúp bé cảm thấy hứng thú với bữa ăn hơn, vừa bổ sung thêm nhiều dưỡng chất thiết yếu.
Mẹ có thể chuẩn bị một số món đơn giản như sữa chua việt quất, sinh tố chuối việt quất hay sốt táo việt quất.
5. Gợi ý cách chế biến món ăn từ việt quất
Có thể bạn chưa biết, việt quất được đánh giá là một trong những loại trái cây được thu hoạch nhiều nhất để làm nguyên liệu sản xuất nước ép việt quất, việt quất sấy hay các loại sốt, mứt việt quất. Thế nhưng nếu muốn bạn cũng hoàn toàn tự chế biến các loại thực phẩm này ngay tại nhà.
Bên cạnh đó, chỉ cần chuẩn bị việt quất và thêm một vài nguyên liệu đơn giản, bạn sẽ làm được những món ăn dưới đây:
- Bánh mousse việt quất
- Bánh mouffin việt quất
- Salad việt quất
- Kem việt quất
6. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng việt quất
Trái việt quất có thể coi là “siêu thực phẩm” phù hợp với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, dù vậy để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mong bạn hãy ghi nhớ và thực hiện các lưu ý sau:
6.1 Không sử dụng quá nhiều
Kích thước của mỗi trái việt quất thường rất nhỏ nên chúng ta có thói quen ăn nhiều trái cùng một lúc và đây lại điều không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Vì vậy, lời khyên là mỗi lần bạn chỉ nên ăn tối 70g – khoảng 10 tới 15 trái. Chú ý ăn sau bữa ăn khoảng 30 phút, hạn chế dùng khi bụng còn đói.
6.2 Không dùng khi có biểu hiện dị ứng
Trong việt quất có chứa hàm lượng nhỏ chất salicylat dễ gây ra tình trạng kích ứng, phát ban mẩn đỏ. Nhằm đề phòng các ảnh hưởng xấu, nếu bạn từng có tiền sử mắc dị ứng dâu tây, đào,.. thì cần cẩn trọng khi dùng loại quả này.
7. Hướng dẫn lưu trữ và bảo quản việt quất đúng cách
Như đã biết, giá thành của việt quất tương đối cao, do đó nếu đã cất công chọn mua thì bạn hãy áp dụng một vài mẹo nhỏ lưu trữ và bảo quản:
- Không nên ngâm rửa việt quất trước khi cất giữ, tốt nhất là rửa khi có nhu cầu sử dụng ngay.
- Bảo quản việt quất trong ngăn mát hoặc ngăn đông của tủ lạnh đều được. Nên đặt việt quất vào hộp đựng thực phẩm để không bị hấp hơi, dẫn tới chín nhũn, nhanh hỏng.
8. Thành phần dinh dưỡng của quả việt quất
Hàm lượng dinh dưỡng trong 148g việt quất tươi được phân tích như sau:
- Calo: 353 kJ
- Vitamin A: 2% giá trị hàng ngày
- Vitamin C: 24% giá trị hàng ngày
- Vitamin E (Alpha Tocopherol): 4% giá trị hàng ngày
- Vitamin K: 36% giá trị hàng ngày
- Thiamin: 4% giá trị hàng ngày
- Riboflavin: 4% giá trị hàng ngày
- Vitamin B6: 4% giá trị hàng ngày
- Folate: 2% giá trị hàng ngày
- Kali: 114mg
- Canxi: 8.9mg
- Magie: 8.9mg
- Photpho: 17.8mg
- Mangan: 0.5mg
Với rất nhiều công dụng cải thiện sức khỏe trên đây không khó để hiểu vì sao việt quất luôn được yêu thích dù ở bất cứ quốc gia nào. Có dịp hãy tìm mua và thưởng thức hương vị của thức quả này nhé!