Vỏ cam có tác dụng gì? 7 lợi ích sức khỏe không nên ‘ngó lơ’

(VOH) – Cam được biết đến là loại trái cây bổ dưỡng vì ngay cả vỏ của thứ quả này cũng được tận dụng như một vị thuốc đặc biệt. Cùng tìm hiểu xem vỏ cam có tác dụng gì trong bài viết nhé.

Vỏ cam trông sần sùi là vậy nhưng có công dụng cải thiện sức khỏe rất hiệu quả. Để an tâm sử dụng, mau lưu lại những đặc điểm cùng tác dụng của loại vỏ này ngay nào!

1. Đặc điểm của vỏ cam

Vỏ của quả cam không có hương thơm “đậm đặc” như vỏ bưởi hay vỏ chanh mà dịu nhẹ và rất đặc trưng. Theo nhiều nghiên cứu, hàm lượng dinh dưỡng trong vỏ cam vô cùng dồi dào, cung cấp hơn 55 loại flavonoid và phytonutrients – các nhóm chất chống oxy hóa quan trọng của cơ thể. 

Bên cạnh đó, có thể bạn chưa biết, vỏ cam còn là bộ phận “hội tụ” nhiều chất xơ và đa dạng các nhóm vitamin thiết yếu như vitamin C, vitamin A, vitamin B5 hay B6.

vo-cam-co-tac-dung-gi-7-loi-ich-suc-khoe-khong-nen-ngo-lo-voh-0
Vỏ cam có mùi thơm dịu nhẹ, cung cấp khá nhiều dưỡng chất thiết yếu (Nguồn: Internet) 

2. Vỏ cam có tác dụng gì?

Nhờ bổ sung các dưỡng chất quý mà vỏ cam trở thành dược liệu hỗ trợ phòng và điều trị nhiều bệnh lý. Dưới đây là một số lợi ích vỏ cam đem lại cho sức khỏe:

2.1 Giảm ho tiêu đờm

Nếu đang gặp các vấn đề về đường hô hấp như viêm họng khàn giọng hay ho có đờm thì đừng bỏ qua vỏ cam. Trong vỏ cam có lượng lớn hoạt chất beta-cryptoxanthin, đảm nhiệm vai trò đào thải histamin ra khỏi phổi, làm sạch đờm và củng cố hoạt động của đường hô hấp. 

Xem thêm: Ho có đờm - cách chữa từ kinh nghiệm dân gian đến tây y hiện đại 

2.2 Tính kháng viêm tốt

Tinh dầu chiết xuất từ vỏ cam có tính kháng viêm tốt, gần 90% tinh dầu trong vỏ cam được tạo thành từ limonene, có công hiệu tương tự như thuốc indomethacin, nhằm giảm đau, chống viêm và sưng tấy. 

2.3 Ngăn ngừa lão hóa da 

Tình trạng thâm nám và lão hóa da ở các chị em phụ nữ hoàn toàn có thể được cải thiện nhờ vỏ cam. Vitamin C từ vỏ cam sẽ duy trì độ đàn hồi, ngăn ngừa tình trạng sỉn màu của da, thậm chí còn có đặc tính ngăn chặn tia UV gây ung thư da. 

Xem thêm: Biểu hiện của làn da đang ‘xuống cấp không phanh’ ở phụ nữ trung niên

2.4 Hỗ trợ giảm cân

Trong thực đơn giảm cân, cùng với chế độ cắt giảm tinh bột nghiêm ngặt, khi “buồn miệng” bạn hãy thử ăn thêm vỏ cam. Theo đó, vỏ cam chứa nhóm chất hòa xơ tan như tannin, hemi- cellulose và pectin, các dưỡng chất này không chỉ góp phần cải thiện hoạt động tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón mà còn giúp kiểm soát cân nặng hữu hiệu.

2.5 Trị hôi miệng

Hương thơm dịu cùng tính kháng khuẩn cao của vỏ cam sẽ hỗ trợ loại bỏ mùi hôi từ miệng, đồng thời còn khắc phục tình trạng ố vàng của răng, đem đến cho bạn hàm răng trắng sáng và chắc khỏe. 

Xem thêm: Chuyên gia Đông y mách bạn mẹo chữa hôi miệng cực hay tại nhà, giúp bạn tự tin giao tiếp

2.6 Tăng cường sức khỏe tim mạch

Là phần vỏ không ai “ngó ngàng” tới song thực tế vỏ cam được xếp vào nhóm “thuốc bổ” tăng cường sức khỏe tim mạch. Từ phân tích thành phần dinh dưỡng, các chuyên gia nhận thấy rằng vỏ cam có chứa sắc tố thực vật hesperidin, giúp giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu, duy trì huyết áp ở mức độ ổn định. 

2.7 Chống say tàu xe

Khi thuộc nhóm người có nỗi ám ảnh say tàu xe, nhất định bạn nên sử dụng vỏ cam – loại thuốc tự nhiên giúp thuyên giảm triệu chứng này. Hương thơm dễ chịu từ vỏ cam đem đến cho bạn cảm giác thư giãn, kiểm soát những rối loạn hoạt động giữa mắt và tai trong, từ đây sẽ bớt cảm thấy chóng mặt hay buồn nôn. 

vo-cam-co-tac-dung-gi-7-loi-ich-suc-khoe-khong-nen-ngo-lo-voh-1
Sử dụng vỏ cam để che mũi khi đi tàu xe sẽ khắc phục tình trạng chóng mặt và buồn nôn (Nguồn: Internet) 

3. Lưu ý khi sử dụng vỏ cam 

Nhằm đảm bảo tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe từ vỏ cam, bạn nên tham khảo thực hiện một số lưu ý sau:

  • Trước khi dùng nên rửa sạch vỏ cam với nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn. 
  • Tốt nhất nên phơi khô vỏ cam rồi đun nước uống hoặc sên mứt dùng dần, tránh sử dụng vỏ cam tươi. 
  • Sau khi phơi khô, nên bảo quản vỏ cam trong lọ thủy tinh, đặt ở nơi thông thoáng. Không sử dụng nếu thấy có hiện tượng nấm mốc, hư hỏng. 
  • Hạn chế uống quá nhiều nước vỏ cam, mỗi tuần chỉ nên uống từ 2-3 lần, mỗi lần khoảng 200ml. 
  • Khi có dấu hiệu dị ứng, mẩn đỏ thì nên tạm ngưng sử dụng. 

Có thể thấy rằng, dù không thể ăn trực tiếp vỏ cam nhưng bạn đừng vội bỏ đi, bởi nếu thực hiện các bước sơ chế đúng cách cùng việc sử dụng khoa học thì vỏ cam có thể trở thành một vị thuốc quý góp phần nâng cao sức khỏe.