Hạn mặn năm 2021 cơ bản ứng phó thành công

(VOH) - Thượng lưu sông Mekong các hồ thuỷ điện hiện tích nước với dung tích khoảng 65 tỷ mét khối. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy của sông Cửu Long cuối nguồn.

Mùa khô năm 2021 được dự báo ở mức gay gắt, xâm nhâp mặn cao hơn năm 2016 nhưng thấp hơn năm 2020. Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống hạn nên đến thời điểm này, việc ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn năm 2021 cơ bản đã thành công.

VOH trao đổi với Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam.

Hạn mặn năm 2021 cơ bản ứng phó thành công 1
Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam.

*VOH: Thưa ông, tình hình hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 tuy được dự báo là giảm so với năm 2020 nhưng mức độ vẫn khá gay gắt. Ông thông tin cụ thể về tình hình này?

Tiến sĩ Trần Bá Hoằng: Hiện nay thì tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long diễn biến đúng dự báo của Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam. Xâm nhập mặn đã tăng cao và có riều cường tuy nhiên mức thấp hơn so với năm 2020.

Vào một số thời điểm thì tương đương và cao hơn năm 2016. Ví dụ vào tháng 1/2021, ngày 26-30 thì mặn đã xuất hiện ở mức 67 km sông Cổ Chiên, Hàm Luông. Như vậy, so với cùng kỳ 2016, cao hơn từ 5 đến 6 km nhưng so với năm 2020 thì thấp hơn khoảng 9 đến 13 km.

Đỉnh mặn rơi vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm nay. Như vậy, mức độ tương đương năm 2016 và sẽ thấp hơn năm 2020 khoảng 8 đến 10 km.

Có thể nói, công tác dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn sớm đã giúp cho các địa phương chủ động tích cực trong việc trữ nước và các giải pháp ứng phó hạn mặn: xây dựng các đập tạm, chuyển đổi mùa vụ phù hợp... Vì vậy, đến hiện tại, xâm nhập mặn chưa gây ra các hiện tượng thiếu nước trong các hệ thống công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long.

*VOH: Việc ngăn đập, giảm xả nước trên sông Mekong có ảnh hưởng gì đến nguồn nước cũng như tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn?

Tiến sĩ Trần Bá Hoằng: Việc ngăn mặn, giảm xả nước trên sông Mekong có tác động rõ rệt đến nguồn nước và tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, thượng lưu sông Mekong, các hồ thuỷ điện đã tích nước với dung tích khoảng 65 tỷ khối nước và trong tương lai năm 2040 theo quy hoạch dung tích có thể lên đến 110 tỷ khối.

Việc phát triển các hồ thượng lưu có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long và phụ thuộc vào chế độ vận hành của các hồ thượng lưu.

Quá trình theo dõi của Viện từ 2013 đến nay cho thấy các quy luật dòng chảy ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi rất rõ. Vấn đề xâm nhập mặn cũng vậy, mặn thường xuất hiện sớm hơn so với trước đây từ 1 đến 1,5 tháng. Điều này tác động lớn đến vụ đông xuân, vụ chính của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian xâm nhập mặn cũng kéo dài hơn 1 đến 2 tháng so với năm trước đây, trong những năm ít nước. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt về đồng bằng ở cuối mùa khô khoảng tháng 3, tháng 4 thì thuận lợi hơn so với trước đây do việc điều tiết từ các công trình thượng lưu.

*VOH: Ngành đã có những giải pháp gì để giảm thiểu những thiệt hại trong sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân?

Tiến sĩ Trần Bá Hoằng: Viện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao việc chủ động trong dự báo về nguồn nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay từ tháng 10/2020 Viện đã có dự báo dài hạn cho mùa khô năm 2021, báo cáo với Bộ Nông nghiệp.

Trên cơ sở báo cáo của Viện, Bộ Nông nghiệp đã tham mưu và trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 36 ngày 11 tháng 9 năm 2020 về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 -2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 25 tháng 9 năm 2020 tại Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng chủ trì cùng lãnh đạo của 13 tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long bàn giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán xâm nhập mặn nhiều trong mùa khô 2020-2021.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như của Bộ nông nghiệp và các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long rất sớm và đã chủ động trong cái công tác phòng chống hạn.

Ví dụ như đã tăng cường công tác giám sát dự báo nguồn nước xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là việc quan trọng vì nó làm cơ sở cho việc bố trí cơ cấu mùa vụ cây trồng. Một số tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xuống giống sớm gần một tháng ở vụ Đông Xuân 2020- 2021, mục đích là né đỉnh mặn cao điểm vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm nay.

Các địa phương cũng tăng cường các giải pháp tích trữ nước, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu mùa khô. Các hệ thống thủy lợi chủ động kiểm soát nguồn nước. Trường hợp không có nguồn nước bổ sung thì lùi mùa vụ, như ở Bến Tre có khoảng 15.000 hecta, Gò Công (Tiền Giang) khoảng 24.000 hecta...

Một số nơi thì xây dựng các đập tạm như Tiền Giang đã xây 8 đập tạm  để chủ động ngăn mặn, đặc biệt là đập tạm ở  Tân Thành (Tiền Giang) giúp cho cái nhà máy nước BOO Đồng Tâm cung cấp cho khoảng 800.000 người dân Tiền Giang.

Ở Bến Tre, địa phương cùng người dân đã chủ động đào khoảng 500 ao hồ chứa nước với dung tích từ hàng trăm đến hàng ngàn khối chủ động cho các nguồn nước ngọt tưới cho cây ăn trái.

Thứ ba, Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo các Ban quản lý đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm đã thành công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt ở các vùng khan hiếm thiếu nước, có nguy cơ xâm nhập mặn cao như công trình cống Cái Bé, cống kênh nhánh tỉnh Kiên Giang hoặc các cống dọc quốc lộ 62.

Có thể nói, trong năm 2021, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương rất chủ động, tích cực và cũng đã có những cái kinh nghiệm ứng phó trong năm 2016 và 2020 nên đến thời điểm này tôi cho rằng rất thành công trong việc ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn của năm 2021.

*VOH: Ngoài ra, để thích ứng với tình hình xâm nhập mặn đang có khuynh hướng gia tăng như những năm qua, ông có khuyến cáo gì cho bà con và người dân trong vùng?

Tiến sĩ Trần Bá Hoằng: Việc tham gia của người dân trong phòng chống xâm nhập mặn rất quan trọng. Trong những năm gần đây, hiện tượng xâm nhập mặn trên Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng gia tăng, xuất hiện sớm, phạm vi ảnh hưởng sâu và kéo dài hơn.

Chính vì vậy bà con trong vùng cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tuân thủ tuyệt đối theo lịch thời vụ của các cơ quan chuyên môn và các ban ngành địa phương khuyến cáo.

Thứ hai, phối hợp với các cơ quan quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tích trữ tối đa nước ngọt trong các mương nước, ao hồ đồng ruộng và các cách giải pháp tiết kiệm khác ngay từ đầu mùa khô. Trong thời gian hạn mặn xuống thấp có thể là ở tranh thủ lấy nước ngọt vào tích chữ cho những lúc cao điểm hạn mặn

Thứ ba, đối với khu vực xa nguồn nước ngọt, cùng với các cơ quan chuyên môn, người dân cũng nên là phối hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sao cho phù hợp với nguồn nước cũng như sử dụng các giải pháp tiết kiệm nước.

Thứ tư, người dân nên theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo của cơ quan chuyên môn trung ương và các địa phương, thông báo trên các phương tiện đại chúng hoặc trên các tin nhắn của smartphone về tình hình xâm nhập mặn, thời gian có thể tranh thủ lấy được nước trong mùa khô.

Cuối cùng, người dân cần lưu ý khi lấy nước vào trong đồng ruộng đặc biệt là các vườn cây ăn trái thì phải kiểm tra độ mặn, tránh tình trạng bà con lấy nhầm nước có độ mặn làm ảnh hưởng đến cây ăn trái cũng như vụ sản xuất.

*VOH: Cám ơn ông!