Chờ...

Năm Dần bàn chuyện 'Chúa sơn lâm'

(VOH) - Trong tiếng Việt, ngoài từ Dần, hổ còn có nhiều tên gọi khác đồng nghĩa với hổ: Khái, hùm, cọp, và những tên gọi ẩn nghĩa: Ông Kễnh, ông ba mươi, chúa sơn lâm.

Hổ có tên khoa học là Panthera tigris, là động vật lớn nhất thuộc họ Mèo (Felidae). Hổ là loài thú uy nghi, lông vàng vành đen, một ít lông trắng dưới bụng và trên đầu. Người hùng của núi rừng có vị dài gần 3m, kể cả đuôi là 4 m, nặng 2-3 tạ.

Hổ thai nghén 100-108 ngày, đẻ khoảng 2-5 con. Vị chúa sơn lâm tung hoành khắp châu Á như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Iran, Malaysia, Lào, Campuchia, Thái Lan…

nam-dan-ban-chuyen-chua-son-lam-voh.com.vn-anh1
Ngoài từ Dần, hổ còn có nhiều tên gọi khác. (Ảnh minh họa: internet)

Ở rừng Việt Nam trước đây, hổ phân bố rất rộng, số lượng lên đến hàng nghìn con, đã có những nơi nhiều hổ nổi tiếng như “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Trong cuốn hồi ký Toàn quyền Paul Douner ghi lại lúc bấy giờ “vùng đất hoàn toàn thuộc về cọp, khi chúng tỉnh giấc ngủ ngày, khi mà ánh sáng mặt trời nhạt đi hoặc tắt hẳn, không còn khiến chúng chói mắt, đó là lúc chúng hoạt động, nói đúng hơn là lúc chúng săn mồi và tìm kiếm bạn tình. Một khi lãnh thổ đã thuộc về chúng, chẳng có gì khiến chúng e ngại hay dám khiến chúng phải e ngại. Ai muốn giữ mạng thì hãy chạy hoặc trốn. Máu chảy, thịt rơi dưới móng vuốt của lũ thú đói, tàn bạo, hung dữ hơn hẳn bất cứ loài nào khác”.

Đồng bằng Nam Bộ thế kỷ XVII-XVIII cọp nhiều vô kể. Trong cuốn, Gia Định thành thông chí Trịnh Hoài Đức kể: “Chúng sinh sống nhan nhản ở miệt U Minh, ở các cánh rừng ngập mặn, tại các cửa sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm tại Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long…để lại dấu ấn sâu đậm nơi vùng đất này:

- Cà Mau khỉ khọt trên cây

Dưới sông cá lội, trên giồng cọp đua

- U Minh Rạch giá thị quá sơn trường

Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Hay nói như nhà văn Sơn Nam, ở nơi mà: “Cọp sấu rống và nghé sách vách chòi”.

Cọp hung dữ và liều lĩnh như vậy nhưng người dân đất phương Nam trong quá trình đi mở cõi vẫn đánh cọp, diệt cọp, dù đó là đàn bà hay trẻ con. Về nạn cọp ở trấn Vĩnh Thanh (Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc nay), sách xưa cho biết: “Xứ này có nhiều thú và cọp dữ, nhưng dân cư đã quen thường, nên không sợ hãi, tay người bé và đàn bà cầm dao cắt cỏ và đòn xóc cũng bắt được cọp”.

Sau này, thì cọp tuyệt chủng, không còn ở khắp các tỉnh Nam Bộ như ngày trước. Các tỉnh miền Trung chỉ còn lác đác vài con ở núi giáp rừng Trường Sơn và Tây Nguyên.

Ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, …ở các khu vực giáp Campuchia, Lào cũng còn rất ít. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta 1954-1975, bom đạn của giặc đã xua đuổi hàng ngàn con hổ sinh sống trong các vạt rừng Việt Nam chạy sang những vùng rừng rậm Campuchia,Lào và Malayxia, cho nên số lượng phân bố trong tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng.

Dù từ những năm 1963, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về cấm săn bắt chim, thú rừng. Đưa hổ và nhiều loài động vật, thực vật vào danh mục bảo vệ, quy hoạch hệ thống các khu rừng đặc dụng đại diện cho các hệ sinh thái rừng trên cả nước, đổi mới về thể chế, chính sách cũng như huy động nhiều nguồn lực cho bảo tồn thiên nhiên.

Đặc biệt, những năm gần đây, hệ thống các văn bản pháp luật về động vật hoang dã của Việt Nam bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2008.

Đáng chú ý là Bộ Luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có 1 điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng bổ sung thêm quy định về động vật hoang dã, theo đó, khung hình phạt cũng như mức hình phạt hình sự cũng được tăng lên.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn. Tuy nhiên đến năm 2015, theo thống kê của IUCN, tại Việt Nam số lượng hổ ngoài tự nhiên chỉ còn dưới 5 cá thể.

Năm 2022 - Năm Dần, để bảo tồn loài hổ, chúng ta cần nỗ lực bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn và giảm nhu cầu tiêu tiêu thụ các sản phẩm của hổ; Quán triệt thực hiện tốt kết luận số 56 ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 29 ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã”; truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ; Hướng dẫn số  số 13, ngày 19/7/2021 về “Tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm”.

Nếu chúng ta thực hiện tốt một số giải pháp cấp bách, thì trong tương lai không xa, loài “Chúa sơn lâm” sẽ xuất hiện trở lại như một thời và hổ sẽ “vàng bên bờ suối khi đêm về!”.

Bình luận