Theo người Trung Hoa cổ đại, con người ta khi chết đi không có nghĩa là hết mà là bước sang thế giới bên kia, vẫn tiếp tục tồn tại và có cuộc sống tương tự như ở dương thế. Chính vì quan niệm này mà tục “tuẫn táng” (còn gọi là bồi táng) xuất hiện, bên cạnh chôn cất vòng vàng, trang sức quý giá, những gia đình quyền thế, giàu có còn chôn cả súc vật lẫn người sống theo người chết. Mục đích của việc làm này là để lăng mộ được canh giữ và để người chết đi đó sang thế giới bên kia vẫn có người hầu hạ và sống sung túc như thuở sinh thời.
Có nhiều thông tin cho rằng tục lệ tàn độc này nổi lên từ thời nhà Thương và nhà Chu. Cái chết của các bậc đế vương là không thể thiếu người tuẫn táng cùng, hầu hết phi tần đều phải được chôn cùng hoàng đế trong lăng mộ để có thể tiếp tục hầu hạ người ở thế giới bên kia.
Xem thêm: Những bí ẩn không thể giải mã được bên trong lăng mộ hơn 2000 năm của Tần Thuỷ Hoàng
Các hình thức tuẫn táng tàn độc trong lịch sử Trung Hoa
Có rất nhiều hình thức tuẫn táng người sống, và hình thức nào cũng tàn độc vô cùng. Trong đó tuẫn táng được chia thành hai loại hình, thứ nhất là xử chết người sống sau đó chôn cùng người chết, thứ hai là chôn người còn đang sống cùng với người chết vô cùng tàn nhẫn.
Treo cổ, uống thuốc độc là những cách phổ biến nhất. Người bị tuẫn táng sẽ được chuốc thuốc mê rồi trói tay chân lại, một số người còn bị bẻ cong cơ thể theo một tư thế nhất định. Các cuộc khảo cổ lăng mộ phát hiện nhiều thi thể được chôn theo đế vương có xương cốt quái dị, bị trói, đầu xoay sang một bên.
Đế vương băng hà, phi tần cũng phải tuẫn táng theo
Một số sự kiện tuẫn táng quy mô trong lịch sử Trung Hoa được ghi chép lại nổi bậc nhất chính là Tần Thuỷ Hoàng Doanh Chính, vị vua này thuở sinh thời có dàn hậu cung vô cùng hùng hậu và khi ông chết đi những ai không có con sẽ bị tuẫn táng theo. Nhà sử học thời Hán - Tư Mã Thiên ghi chép, số người tuẫn táng theo vị Hoàng đế Trung Hoa này là không thể đếm nổi, bên cạnh cung tần, còn có binh sĩ và cả những người thợ xây mộ cho ông.
Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương khi lìa đời cũng có đến 46 vị phi tần được tuẫn táng theo. Họ đều bị xử tử trước rồi mới hạ táng và trong quan tài lấp đầy thuỷ ngân. Để xoa dịu gia đình của các phi tần này, cháu trai và cũng là người được Chu Nguyên Chương truyền ngôi - Chu Doãn Văn ra lệnh phong thưởng cho họ làm "thiên hộ", "bách hộ" và được phép cha truyền con nối.
Tuy tàn độc và dã man là thế, nhưng trong lịch sử Trung Hoa cũng có một vài trường hợp vì quá tôn sùng chủ nhân của mình mà dù không bị bắt ép có người vẫn tự nguyện tuẫn táng theo như một vinh dự. Vào cuối thời Minh, khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích thủ lĩnh của bộ tộc Nữ Chân qua đời, bên cạnh đại phi A Ba Hợi bị ép phải bị tuẫn táng thì 4 cung nữ thân cận của ông đã xin được chết theo.
Đến thời nhà Thanh, khi Hoàng đế Thuận Trị băng hà, đã có hơn 30 thê thiếp được tuẫn táng cùng. Trong đám tang, các phi tần được chỉ định tuẫn táng đã đến tham dự cả lễ nhập quan của vua. Hoàng đế Khang Hy đã chứng kiến cảnh tượng thương tâm này, về sau ông ra lệnh bãi bỏ tục tuẫn táng nhưng nhiều ghi chép cho rằng mãi đến khi nhà Thanh hoàn toàn sụp đổ thì hủ tục đau lòng này mới được xoá bỏ hoàn toàn.
Nguồn ảnh: Internet