Chờ...

Dạy trẻ khuyết tật: Cần yêu thương và thấu hiểu

VOH - Với những giáo viên giáo dục đặc biệt, yêu cầu với nghề không chỉ cần tâm huyết mà đòi hỏi cả tình yêu thương và sự thấu hiểu.

Sự yêu thương thấu hiểu là kim chỉ nam, động lực thôi thúc người giáo viên dạy học sinh khuyết tật vượt qua những khó khăn để tìm được phương pháp dạy học hiệu quả hơn. Đó cũng là ánh sáng trên con đường mang tri thức đến học sinh khiếm thị của cô giáo Đinh Lan Phương, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Quận 10.

Sau nhiều năm dạy trẻ đa tật, lần đầu tiên cô giáo trẻ Đinh Lan Phương chủ nhiệm lớp 4 học sinh đơn tật khiếm thị. Khi dạy trẻ làm văn miêu tả - một dạng bài đòi hỏi học sinh phải có khả năng quan sát tốt sự vật, hiện tượng - Nhưng với học sinh khiếm thị, đây là một vấn đề nan giải thậm chí là nỗi đau, sự tổn thương khi gợi nhắc về sự khiếm khuyết của bản thân.

Nỗi đau lan tỏa sang cả cô giáo: “Các em đã mất đi đôi mắt là đã mất một kênh cảm nhận cực kỳ quan trọng. Đôi khi các em viết những câu văn như mặt hồ long lanh, lóng lánh... mình biết, đó là những thứ không thực sự thuộc về cảm xúc của các em”.

Những xúc cảm này chuyển hóa thành sự trăn trở, thôi thúc cô giáo Đinh Lan Phương tìm giải pháp. Chợt nhớ con người có nhiều giác quan. Nếu vận dụng tốt các giác quan còn lại, các em sẽ có được những cảm nhận rất riêng biệt và đặc sắc.

Nghĩ là làm, cô giáo Lan Phương bắt đầu dạy học sinh làm văn miêu tả thông qua những cảm nhận từ xúc giác, khứu giác và các giác quan còn lại. Đoạn văn về chú chó có bộ lông mềm mượt, được viết bằng chính cảm xúc của các em khi sờ vào sống lưng, đã chạm đến trái tim cô giáo và mọi người.

Nếu trẻ khiếm thị thiệt thòi vì không nhìn thấy, thì trẻ khiếm thính lại gặp nhiều rắc rối trong việc thể hiện mong muốn của bản thân. Cũng chính vì điều này, theo giáo viên Đàm Thị Mỹ Ngọc - Trường Hy Vọng, Quận 6 - có một thực tế, ít phụ huynh chịu dành thời gian học tập ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con em mình.

Tại trường Hy Vọng, có hơn 50 trẻ khiếm thính đang theo học, vậy mà khi nhà trường tổ chức lớp học ngôn ngữ ký hiệu, chỉ có chưa đến 20 phụ huynh tham dự - cô Mỹ Ngọc chia sẻ.

Dạy trẻ khuyết tật: Cần yêu thương và thấu hiểu 1
Để giáo dục trẻ khuyết tật, không chỉ cần tâm huyết mà đòi hỏi cả tình yêu thương và sự thấu hiểu - Ảnh: Tuyết Nhung

Với giáo viên dạy trẻ khuyết tật, vai trò, sự gắn kết với học sinh, phụ huynh càng phải thường xuyên và chặt chẽ hơn. Những giáo viên này vừa là bạn vừa là thầy, lại vừa là người định hướng cho phụ huynh trong việc giáo dục con em. Việc phối hợp giáo viên - phụ huynh mang đến những tác động hiệu quả trong giáo dục học sinh.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, năm học vừa qua, thành phố đón nhận hơn 6.300 trẻ em khuyết tật tiếp cận giáo dục. Trong đó, hơn 1.800 em được học tập tại các trường giáo dục chuyên biệt, hơn 4.400 em đang học hoà nhập tại các trường phổ thông. 

Các giáo viên đã thể hiện sự nỗ lực và tài năng của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng các yêu cầu đặc thù của việc giảng dạy trẻ khuyết tật.

Ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá: “Trong hành trình dạy dỗ và chăm sóc các em, thầy cô giáo đã tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ và trang bị cho các em nhiều hành trang với tràn đầy hy vọng”.

Những câu chuyện về nghề chỉ là những nét vẽ tươi sáng trong tổng thể bức tranh đa sắc của quá trình giáo dục, hỗ trợ học sinh khuyết hòa nhập với cuộc sống. Phía sau đó, còn có sự hy sinh thầm lặng, những khó khăn gia đình, áp lực xã hội đặt lên vai các thầy cô mỗi ngày.

Dẫu vậy, những người giáo viên dạy trẻ khuyết tật vẫn kiên trì, thấu hiểu, yêu thương và sử dụng kiến thức của mình để vơi đi những khiếm khuyết của các em, san bằng khoảng cách giữa học sinh khuyết tật và xã hội.