Trong đó không thể không nhắc đến cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Hưởng ứng cuộc thi toàn quốc, TPHCM cũng đã tổ chức thành công 4 mùa thi “Đại sứ văn hóa đọc” dành cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông trên toàn thành phố. Các “đại sứ nhí” không chỉ thuyết phục được ban giám khảo thông qua bài thi mà còn truyền được nguồn cảm hứng đam mê đọc sách đến cộng đồng bằng những hành động sáng tạo riêng.
Một người thầy giáo với nụ cười phúc hậu, dễ mến đang được vây quanh bởi mấy cô cậu học trò nhỏ với xúng xính giấy khen, quà tặng của cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc lần thứ IV năm 2022” đã thu hút sự chú ý của khá nhiều khách mời có mặt tại buổi lễ tổng kết, trao giải do Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM tổ chức. Nếu ai đã từng có dịp tham dự lễ trao giải của Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” những năm trước có lẽ sẽ không xa lạ gì với hình ảnh ấy, người thầy ấy. Bởi lẽ ông cùng các học trò của mình đã liên tiếp 4 năm đồng hành cùng cuộc thi này và đạt được nhiều thành tích đáng nể. Người thầy đó chính là Trần Vũ Phi Bằng, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Phước Bình, Thành phố Thủ Đức. Khi được chúc mừng vì trường Phước Bình đạt được thành tích cao liên tiếp nhiều năm ở sân chơi này, thầy khiêm tốn nói đó là may mắn, may mắn vì ông có được những học trò chịu đọc sách và thực sự yêu thích đọc sách. Vui vì học trò chinh phục được cuộc thi, nhưng đó chưa phải mục đích cuối cùng của thầy Bằng khi đưa các em học sinh đến với sân chơi này cũng như đến với sách. Thầy Bằng chia sẻ: “Có những cuộc thi khi thi xong sẽ quên đi, cũng có những cuộc thi còn đọng lại dư âm rất ngọt ngào. Đó là những cuộc thi tìm hiểu về sách, đặc biệt là cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc này. Với vai trò là một người thầy, khi khuyến khích các em đọc sách và đi thi, tôi muốn các em có thể lan tỏa việc các em ham mê đọc sách, những điều các em đọc được đến các bạn. Đặc biệt, rất mong khi các em hình thành được thói quen đọc sách thì các em cũng sẽ từ đó hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, hình thành những nếp sống đẹp…”.
Thành tích đạt được ở cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” hay “Lớn lên cùng sách” liên tiếp là thành quả bước đầu của cả hành trình gieo tình yêu đọc sách vào tâm thức học trò mà thầy Bằng đã âm thầm thực hiện nhiều năm qua. Hành trình đó không hề đơn giản nhưng thầy vẫn bền thắp lên những que diêm để đốt lên ngọn lửa đam mê với sách nơi các học trò thương yêu của mình. Để các học trò noi theo đọc sách, trước hết, mỗi bậc thầy cô phải là người làm mẫu, dẫn đường. Thầy Bằng nói: “Mỗi một thầy cô sẽ có một cách lan tỏa tình yêu đọc sách khác nhau vì dụ như tổ chức giới thiệu sách, cho các em giới thiệu sách lẫn nhau. Với tôi thì tôi cho các em đọc các bình luận của nhau để học cách viết. Thứ hai là cho các em tiếp xúc với sách, tự lựa chọn những quyển sách mình yêu thích. Ban đầu dẫn các em đi nhà sách, đường sách, thư viện. Mình giống như đại sứ để truyền cách đọc sách cho các em. Từ thích đến những nơi có sách rồi thích cả việc đọc sách, tìm đọc. Không dừng lại ở thưởng thức cuốn sách mà còn biết chia sẻ cuốn sách hay đó đến bạn bè. Từ từ sẽ hình thành những nhóm đọc sách. Với cách làm đó, hi vọng sẽ từ từ lan tỏa tình yêu đọc sách, cách này có thể sẽ lâu nhưng nó bền. Vì em nào đã thích đọc sách rồi thì sở thích đó sẽ theo các em mãi…”.
Đồng quan điểm về vai trò của người truyền cảm hứng như thầy Bằng, nhà văn Như Trân, giám khảo của cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” lần thứ 4, đồng thời cũng là một phụ huynh luôn đồng hành cùng con hình thành thói quen đọc sách. Nhà văn Như Trân chia sẻ về kinh nghiệm của mình: “Từ nhỏ Trân đã mê đọc sách nên Trân cũng mong muốn con mình có niềm đam mê ấy. Không phải là áp đặt sở thích của mình sang con mà là bồi dưỡng tâm hồn cho con. Ngay từ khi mang thai, Trân đã đọc sách cho con nghe. Mặc dù con chưa hiểu gì, nhưng khi con lớn hơn, con biết đọc thì con rất thích đọc sách. Mỗi khi đi nhà sách thì hai mẹ con thường chọn sách cùng nhau. Đây là giai đoạn rất quan trọng, cha mẹ cần giúp con lựa sách những quyển phù hợp. Sau này con đã tự đọc sách, thích đọc sách mà không cần mẹ phải đọc cho nghe nữa. Đối với một phụ huynh mà nói thì đó là sự thành công và niềm hạnh phúc vì đã vun đắp được cho con tình yêu với sách”.
Cũng chính vì có sự đồng hành của gia đình và nhà trường mà cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã lan tỏa được thông điệp của mình một cách hiệu quả hơn suốt 4 năm qua. Sau 4 lần tổ chức, cuộc thi đã trao gần 300 giải thưởng cho 300 tác giả/ tác phẩm xuất sắc và tìm ra được khá nhiều những “đại sứ văn hóa đọc” từ học đường. Riêng cuộc thi lần thứ 4 này, Ban tổ chức đã trao 100 giải chính thức, 8 giải chuyên đề và 2 giải tập thể. Với những kinh nghiệm rút tỉa được qua 4 lần tổ chức, ông Vĩnh Quốc Bảo – Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM cho biết: “Trong những năm tiếp theo, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu thêm giải thưởng dành cho các đại sứ văn hóa đọc từng đạt giải để động viên các em tiếp tục làm tốt vai trò của một đại sứ văn hóa đọc, biến những mô hình, sáng kiến khuyến đọc của các em thành hiện thực và tiếp tục lan tỏa đến cộng đồng”.
Về chất lượng của các tác phẩm dự thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm nay, nhà văn Kim Hài – Trưởng ban giám khảo đánh giá: “Đa số bài dự thi được trang trí đẹp, phù hợp nội dung, có minh họa hình vẽ sinh động, chữ viết tay đẹp và trang trí bìa công phu, chi tiết. Các tác phẩm hội họa nêu bật thông điệp lan tỏa tinh thần đọc sách. Nhiều em chọn hình thức này để tham gia. Qua lần thứ 4, các em thí sinh đã ý thức chọn những cuốn sách mới, đa dạng, phong phú về chủ đề. Các tác phẩm quen thuộc như sách truyện Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm văn học trong nhà trường cũng giảm nhiều so với những năm trước. Nhiều bài có chất lượng tốt, có nhiều ý tưởng hay, độc đáo và mới. Bài dự thi cấp thành phố: nhiều em chọn đề 2 là sáng tác một tác phẩm văn học (truyện ngắn, thơ, kịch) hoặc một tác phẩm hội họa (tranh vẽ) với thông điệp lan tỏa tình yêu đọc sách. Chủ đề của cuộc thi năm nay (theo kế hoạch chung của Ban Tổ chức Đại sứ Văn hóa đọc toàn quốc) đưa ra khá khó so với độ tuổi các em cấp 1 và 2. Ý tưởng khuyến đọc của các em đưa ra vừa sức, phù hợp và có khả năng thực hiện cao. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, ban tổ chức cần xác định rõ mục tiêu của cuộc thi, tránh để các em sa đà vào phần minh họa mà quên mất nội dung chính là phải đọc sách, viết cảm nhận về cuốn sách”.
Qua quá trình tuyển chọn các tác phẩm để trao giải, Ban giám khảo đã không ít lần kinh ngạc bởi sự trưởng thành của các em khi chia sẻ cảm nhận về tác phẩm sách yêu thích và cả những giải pháp các em nêu ra để khơi dậy phong trào đọc sách trong chính trường lớp của mình. Kể từ buổi giao lưu “đại sứ văn hóa đọc” lần thứ 3 diễn ra trong khuôn khổ Ngày sách và văn hóa đọc việt nam lần thứ 1 tại TPHCM, em Nguyễn Thiên Phước, học sinh lớp 6A7 trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) đã để lại cho Ban tổ chức, Ban giám khảo nhiều ấn tượng. Nếu chỉ đọc tác phẩm dự thi hay các video clip Phước dàn dựng về văn hóa đọc, có lẽ sẽ có chút băn khoăn, không biết có phải là sản phẩm do cậu học sinh cấp 2 tạo nên vì nó khá đặc biệt. Tuy nhiên, khi được lắng nghe em chia sẻ về tình yêu sách và hành trình em lan tỏa tình yêu đó đến bạn bè thì ai nấy đều cảm phục. Thiên Phước nói: “Em rất thích đọc sách, sách cho em nhiều kiến thức. Khi đọc một cuốn sách nào đó, em thường kết hợp tra cứu thêm tài liệu và đó chính là cách em bổ sung thêm kiến thức của mình. Ở trường, em hay tổ chức cho các bạn chơi trò chơi đoán ô chữ. Để giải được ô chữ của em đòi hỏi các bạn phải đọc sách, hiểu điều sách nói. Bạn nào trả lời đúng thì em sẽ tặng kẹo cho bạn đó. Em không làm điều này một mình mà được sự động viên, giúp sức từ cô thủ thư của trường nữa”.
Tự nhận mình là người không giỏi nói trước đám đông, nhưng em Nguyễn Bùi Hoàng Yến học sinh lớp 8/7 trường THCS Phước Bình lại có thể truyền cảm hứng đọc sách cho bạn bè mình thông qua những câu chuyện lịch sử em đã đọc được, đặc biệt là những tác phẩm về Bác Hồ. Yến nghĩ rằng những người nhỏ tuổi hơn, lớn tuổi hơn cũng làm được, thì mình cũng cần góp chút sức lực để lan tỏa thói quen đọc sách này đến bạn bè quanh mình. Hoàng Yến bày tỏ: “Em thích sách lịch sử, thích tìm hiểu những câu chuyện xung quanh đó, đặc biệt là các cuốn sách về Bác. Em cực kì ấn tượng với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác và đó chính là động lực để em tìm đến sách lịch sử nhiều hơn”.
Người ta vẫn bảo rằng “trăm nghe không bằng một thấy”, khi nhìn thấy những bạn nhỏ yêu thích đọc sách như thế này thì chúng ta càng nó thêm niềm tin rằng dù ở thời đại 4.0 với vô vàn phương tiện giải trí thì sách vẫn có một chỗ đứng nhất định trong sự chọn lựa của các em thiếu nhi. Không chỉ đọc, các em còn đang làm rất tốt vai trò của những “đại sứ văn hóa đọc” khi lan tỏa một cách gần gũi nhưng cực kì sống động cảm hứng với sách, biết dùng sự sáng tạo của mình để thuyết phục những bạn bè xung quanh cùng thích sách và chịu đọc sách. Hành trình lan tỏa này sẽ càng mạnh mẽ và bền vững hơn khi các đại sứ có gia đình, thầy cô và xã hội cùng đồng hành cung bước. Hi vọng rằng những cánh én nhỏ này có thể tạo được mùa xuân, chí ít là mùa xuân tri thức trong chính môi trường mà các em đang được ươm mầm và lớn lên từng ngày.