Những yếu tố cần đặc biệt chú ý khi chọn trường cho con vào lớp 1

(VOH) - Chọn trường cho con vào lớp 1 luôn là một trong những vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu khi bé bước vào giai đoạn học tập hoàn toàn mới mẻ.

Việc chọn trường cho con luôn là chủ đề “hot” ở hầu khắp diễn đàn phụ huynh, mẹ và bé trong giai đoạn tuyển sinh đầu cấp. Có rất nhiều yếu tố tác động tới sự lựa chọn của cha mẹ, đó không chỉ là giấy tờ thủ tục, tài chính gia đình mà còn nhiều yếu tố khác mà các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là chương trình học, cơ sở vật chất nhà trường cũng như dịch vụ chăm sóc chu đáo.

Tại các vùng nông thôn, việc chọn trường cho con không phải là vấn đề lớn khi trẻ học hết mầm non sẽ tự động được chuyển trường theo tuyến xã, huyện. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, việc thiếu trường lớp hay quá tải trong các trường công hay xu hướng chọn trường điểm, trường chuẩn khiến chọn trường cho con đôi khi biến thành một cuộc đua khiến nhiều phụ huynh… ngán ngẩm.

Đó cũng là lý do mà hiện nay không còn sự lệch pha quá nhiều giữa số lượng phụ huynh chọn trường công và trường tư. Khi điều kiện tài chính tương đối ổn định, các bậc cha mẹ thời 4.0 có xu hướng cân nhắc chọn trường cho con trên nhiều tiêu chí cụ thể, hướng tới việc định hướng trẻ phát triển theo thiên hướng cá nhân và môi trường học tập hiện đại, bớt đi sự gò ép, căng thẳng.

lớp 1

Học sinh tiểu học đi học bằng xe đưa rước (Ảnh: MD)

Một số những tiêu chí chọn trường tiểu học cho con được các phụ huynh hiện đại ưu tiên:

Chọn trường có cơ sở vật chất tốt, chăm sóc chu đáo

Thông thường trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 sẽ bước sang một cấp học khác, cách học khác, cách chăm sóc khác và trẻ phải tự lập nhiều hơn khi ở trường – nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa gỡ bỏ được hết lo lắng từ thời trẻ còn mầm non, mẫu giáo. Đó là, trẻ có ăn được không, ngủ được không, lớp học có mát không, cô giáo có quan tâm tới trẻ không?

Lúc này, các bậc cha mẹ sẽ đặt trường công – trường tư lên bàn cân.

Ưu điểm lớn nhất của trường công lập chính là khung chương trình giáo dục chuẩn và truyền thống, học phí không quá cao. Trong đó, các trường công thuộc nhóm “trường điểm”, “trường chuẩn” luôn luôn tạo được sức hút đối với các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, một điều mà không ít phụ huynh băn khoăn là số lượng học sinh của mỗi lớp ở trường công luôn rất cao. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc, mức độ quan tâm của thầy cô đến sự phát triển của học sinh, nhất là học sinh lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ.

So với giáo dục công lập, giáo dục tư thục được đánh giá cao hơn hẳn ở khoản này. Số lượng học sinh mỗi lớp dao động khoảng 25-35 em, có trường chỉ 15-20 học sinh. Giáo viên có cơ hội sát sao tình hình học tập, sự thay đổi và phát triển tâm lý để có thể đồng hành kịp thời với phụ huynh.

Cơ sở vật chất tại các trường tư thường được đầu tư bài bản cũng góp phần không nhỏ giúp phụ huynh yên tâm với chất lượng sinh hoạt, học tập của con cái.

Hầu như học sinh đều ở trường 8 tiếng/ngày. Vì thế, việc ăn - ngủ - sinh hoạt cá nhân tại trường cũng quan trọng như ở nhà, nhất là với trẻ mới bước vào bậc Tiểu học - giai đoạn quan trọng để hình thành tính tự lập, thay đổi môi trường học tập, sinh hoạt khác xa với bậc mầm non…

Với những phụ huynh có yêu cầu cao về cơ sở vật chất trường học và dịch vụ chăm sóc thì trường tư là một lựa chọn ưu ái, để giảm bớt những lo lắng về ngôi trường đầu tiên của trẻ.

Chọn trường có chương trình học phù hợp, hoàn thiện kỹ năng sống

Nếu như ưu điểm của chương trình giáo dục công lập là chuẩn và truyền thống, tập trung cũng cấp nhiều kiến thức cho trẻ trong quá trình giảng dạy thì đây cũng được nhiều phụ huynh đánh giá là hạn chế khi trẻ thiếu các kiến thức về kỹ năng sống, thiếu thời gian để vận động và thường bị cuốn vào các cuộc chạy đua... thành tích.

Với những bậc phụ huynh không chú trọng thành tích mà mong muốn con học trong môi trường “dễ thở” hơn, không gò ép và nhiều cơ hội phát triển kỹ năng sống thì đa phần chọn trường tư.

Tại các trường công lập, việc truyền tải kiến thức chiếm phần lớn thời gian học tập của học sinh, các hoạt động rèn luyện kỹ năng được lồng ghép trong hoạt động Đoàn – Đội – Câu lạc bộ... Học sinh có thể lựa chọn tham gia hoặc không tùy thuộc vào tính tự giác, tự nguyện của mình.

Tuy nhiên, tại các trường tư thục, việc rèn luyện kỹ năng sống được xây dựng thành chương trình học riêng biệt. Chẳng hạn, bậc mầm non tập trung rèn luyện các kỹ năng phù hợp cho trẻ như: tự phục vụ, ăn uống, chăm sóc bản thân… Bậc tiểu học – trung học, tập trung vào các chương trình kỹ năng sống nằm trong chương trình phát triển cụ thể. Học sinh được rèn luyện kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng tự quản lý, kỹ năng nhận thức xã hội, kỹ năng tạo mối quan hệ, kỹ năng ra quyết định có trách nhiệm…

Tất cả được cụ thể hóa thành những chuyên đề riêng biệt hoặc lồng ghép trong mọi hoạt động học tập, sinh hoạt.

lớp 1, kỹ năng sống

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương (Biên Hòa, Đồng Nai) được rèn luyện thể chất thông qua chương trình giáo dục thể chất Nhật Bản và nhiều chương trình phát triển kỹ năng sống (Ảnh: MD)

Phù hợp với khả năng tài chính gia đình trong thời gian dài

Tại các thành phố lớn, mỗi tháng, học sinh lớp 1 trường công lập phải nộp hơn một triệu đồng gồm nhiều khoản như: tiền ăn, học hai buổi, dịch vụ bán trú, tiếng Anh tăng cường, nước, tiền sữa học đường, tiền học kĩ năng sống... Riêng học phí được miễn, theo quy định của Luật Giáo dục.

Cùng với các khoản khác đầu năm học như tiền cơ sở vật chất, đồng phục, bảo hiểm, quỹ phụ huynh… Thì tính cả năm học (9 tháng), tổng chi phí ở trường công lập cho một học sinh lớp 1 sẽ khoảng trên dưới 20 triệu đồng.

Trong khi đó, mức học phí của trường tư thường được chia thành 2 khoản chính: học phí và tiền ăn. Ngoài ra, nhà trường tính rõ những khoản phí dịch vụ khác khi phụ huynh – học sinh có nhu cầu đăng kí như: xe đưa rước, nội trú, năng khiếu, ngoại khóa,…

Tùy vào loại hình và chương trình học áp dụng, học phí trọn gói ở các trường tư thục hiện nay thường dao động khoảng 5 - 15 triệu/tháng. Với những trường quốc tế hoàn toàn, học phí thường tính theo năm, có thể lên đến 300 – 700 triệu/năm.

Do đó, một thực tế có thể thấy rõ là các trường công lập phù hợp hoàn toàn với các bậc phụ huynh có thu nhập thấp hoặc những người làm công chức, viên chức, người lao động bình thường.

Với những người có thu nhập cao hơn, đòi hỏi cao hơn về môi trường giáo dục, mong muốn con được phát triển toàn diện với chương trình học chất lượng, cơ sở vật chất khang trang… thì trường tư thục trở thành bến đỗ như ý.

Nếu hoạch định tài chính cụ thể, xác định rõ mục tiêu giáo dục thì việc chọn trường tư phù hợp mang lại nhiều giá trị cho trẻ. Từ kiến thức, kỹ năng, khả năng ngoại ngữ, môi trường học chất lượng và an toàn đến việc đồng hành định hướng tương lai; các trường tư hiện vẫn đang thực hiện tốt vai trò của mình.

Với những phụ huynh thuộc nhóm “nhà có điều kiện”, có tính toán xa hơn về việc cho trẻ đi du học tự túc thì việc chọn trường quốc tế là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, phụ huynh chọn trường quốc tế phải cân nhắc khả năng tài chính lâu dài, tránh việc đứt gánh tài chính ảnh hưởng đến hành trình học tập của con.

Như vậy, chọn trường cho con vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 hay chọn trường đại học cho con, phụ huynh đều phải xác định được mục tiêu cho con là gì, từ đó, chọn lựa môi trường giáo dục phù hợp với định hướng và khả năng của gia đình. Có như thế, việc chọn trường sẽ trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.

TPHCM: Trường mầm non giữ trẻ dịp hè từ 16/7 đến 21/8 - Sở GD-ĐT TP.HCM giao cho các trường mầm non chủ động tổ chức hoạt động hè từ 16/7 đến 21/8 tùy nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và việc tự nguyện đi làm dịp hè của giáo viên.

Dự kiến tựu trường vào ngày 1/9, khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 - Bộ GD-ĐT dự kiến quy định thời gian tựu trường sớm nhất là ngày 1/9 nhưng các địa phương có thể tựu trường vào ngày 3/9, hoặc đúng vào ngày khai giảng là ngày 5/9.

Bình luận