Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tại Hội nghị giao ban cấp Tiểu học và Trung học cơ sở diễn ra vào sáng nay 4/10.
Theo ông Hiếu: “Những giờ học trong 35 tiết (của tuần học) là những nội dung liên quan chương trình phổ thông 2018, trong kế hoạch nhà trường, có sự đồng thuận của phụ huynh - sẽ được xếp vào 7 tiết trong ngày…”.
Các đại biểu tham gia Hội nghị cũng khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo khung, mang tính chất mở và phân cấp trong tổ chức thực hiện. Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn (ở cấp tiểu học) hoặc các môn tự chọn theo định hướng nghề nghiệp (ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông).
Trong đó, giáo dục STEM là một hoạt động giáo dục chính khoá, bắt buộc. Các cơ sở giáo dục dù có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hay không vẫn phải đảm bảo thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Cụ thể, lớp 1-2 là 25 tiết/tuần, lớp 3 là 28 tiết, lớp 4-5 là 30 tiết. Với các lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết, các lớp sẽ có một số tiết dư ra.
Xem thêm: Hiểu đúng về giáo dục STEM
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, các cơ sở có thể tổ chức các hoạt động củng cố, các hoạt động đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh, các hoạt động tìm hiểu lịch sử, truyền thống, văn hoá địa phương với các tiết học này.
Cụ thể, theo Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý trường mầm non và trường phổ thông công lập, quy định: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, “mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”...
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, hội đồng trường và người quản lý có trách nhiệm quyết định tổ chức hoạt động giáo dục trong trường đảm bảo mục tiêu và yêu cầu chương trình giáo dục.
Ông Tân nhận định, hiện nhiều trường xác định mục tiêu sai, dẫn đến xây dựng chương trình sai, dạy học quá 9 tiết/ngày, gây quá tải. Vì vậy, các trường cần chủ động rà soát, quản lý việc giao nhiệm vụ, dự án cho học sinh, tránh tình trạng cùng lúc nhiều môn học gây quá tải.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học lưu ý: “Có nhiều hình thức để giúp học sinh, đặc biệt học sinh cuối cấp. Bằng cách phân hoá học sinh thật kỹ, phát hiện những học sinh yếu kém cần hỗ trợ, thậm chí kèm cặp riêng theo chương trình phụ đạo bồi dưỡng, hoặc tổ chức các lớp học phân hoá để giúp các học sinh này – sẽ tốt hơn là tăng đại trà tất cả các giờ học của chương trình 2 buổi, dẫn đến vượt khung chương trình, gây áp lực không đáng có lên học sinh”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thêm, hiện chỉ có TPHCM ban hành nghị quyết 04 quy định về các khoản thu, mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục. Đặc biệt, trong đó có quy định cho các đối tượng học sinh được miễn giảm.
Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý các cơ sở giáo dục cần thực hiện xếp lớp trên tinh thần tự nguyện, tất cả các khoản thu dịch vụ phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Như vậy, mới không xảy ra tình trạng học sinh không tham gia học tập cùng với lớp trong tiết học đề án hay môn học tự chọn.