TPHCM: Lo thiếu chỗ học vì vướng "định mức diện tích"

(VOH) - Với điều kiện đất đai của TPHCM, tiêu chí về “diện tích/học sinh” gây khó khăn cho việc đảm bảo chỗ học.

Tại hội nghị giao ban công tác đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn TPHCM năm 2022, do Sở Giáo dục và Đào tạo  TPHCM tổ chức chiều 11/11, các đại biểu cho rằng tiêu chí định mức diện tích (khoảng 10m2/học sinh, tuỳ cấp học) gây khó khăn cho việc đảm bảo chỗ học cho học sinh Thành phố.

TPHCM: Lo thiếu chỗ học vì vướng
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phát biểu tại hội nghị.

Với mục tiêu đảm bảo chỗ học, không còn trường học có cơ sở vật chất yếu kém, TPHCM luôn chú trọng, quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư xây trường học. Đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối  với tiểu học là 74%, với trung học cơ sở là  63%, với trung học phổ thông là 95%.

Năm học 2022-2023, số học sinh trên địa bàn TPHCM tăng hơn 21.800 em, tập trung ở các quận ven như: 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố có 721 dự án giáo dục được thông qua chủ trương đầu tư với hơn 13.600 phòng học. Trong giai đoạn này, nhu cầu toàn thành phố cần bổ sung hơn 14.000  phòng học ở tất cả các cấp học. Thống kê cho thấy giai đoạn 2021-2026, thành phố cần bổ sung 9.400 phòng học.

Tuy nhiên, tính đến nay, tỷ lệ giải ngân các dự án vẫn còn chậm chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch đất giáo dục tại các quận huyện còn thấp đạt chưa đến 50% chỉ tiêu Thành phố phê duyệt.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi cho biết hiện trên địa bàn có 5 dự án xây dựng trường học. Trong đó, 1 dự án còn vướng giải tỏa mặt bằng, 1 dự án diễn ra thuận lợi, và 3 dự án vẫn chưa được bàn giao mặt bằng dù đã phê duyệt 7,8 năm nay. "Dự án gồm: xây mới trường tiểu học An Phú 2 ở xã An Phú, dự án nâng cấp mở rộng trường tiểu học An Nhơn Tây ở xã An Nhơn Tây, dự án xây nâng cấp mở rộng trường tiểu học Phạm Văn Cội thuộc xã Phạm Văn Cội. 3 dự án được phê duyệt năm 2015, cách nay 7-8 năm nhưng hiện vẫn chưa được giao mặt bằng để triển khai thực hiện".

Ông Nguyễn Trọng Khoa, chuyên viên Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 11, cho biết trên địa bàn quận có 3 dự án. Trong đó, công trình Trường tiểu học Phú Thọ có diện tích hiện hữu là 3000m2 với 35 lớp. Tuy nhiên, theo Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học có định mức diện tích đất bình quân/học sinh ở các cấp học trung bình từ 8 đến 10 m2. Với điều kiện đất đai của Thành phố, tiêu chí này sẽ gây một số khó khăn.

"Nếu làm mới như vậy, chia cho 35 bé/lớp, nếu xây mới thì tối đa chỉ xây được hơn 10 lớp. Thực hiện theo định mức này sẽ kéo số lớp học xuống. Quy định này cần được xem xét lại bởi vì theo quyết định 56 của Thành phố về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, các trường quận trung tâm có thể nâng tầng cao. Nhà trường có thể sắp xếp đưa các phòng học, phòng chức năng lên tầng trên, số lớp học sẽ tăng lên. Còn nếu tính theo mét vuông diện tích đất sẽ rất khó cho quận, nhất là các quận trung tâm, các quận khó khăn về đất",  ông Nguyễn Trọng Khoa nói.

Xem thêm: Chứng chỉ ngoại ngữ đầu tiên Hội đồng Anh được Bộ GD-ĐT cấp phép tổ chức thi

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết giai đoạn trước đây 2016-2020 việc xây dựng trường lớp diễn ra mạnh mẽ, trung bình mỗi năm xây được 1.500 phòng học. Tuy nhiên 3 năm gần đây, tốc độ xây dựng trường chậm lại, khoảng 800- 1000 phòng học/năm. Hiện mới chỉ 10 quận huyện đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc xây dựng trường lớp không chỉ đảm bảo trường học mà còn đảm bảo chương trình phổ thông 2018.

"Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi về cơ sở vật chất, giáo viên, Năm nay là năm thứ 3, còn 2 năm nữa để triển khai nên khá khó khăn. Để thực hiện ngành giáo dục phải sắp xếp khéo léo làm sao đảm bảo học 2 buổi/ngày, nhưng căn cơ vẫn phải đảm bảo yêu cầu xây dựng trường lớp. Phải có sự chung tay lãnh đạo quận huyện, ban dân dụng của Thành phố", ông Lê Hoài Nam cho biết.