Hỏi sự tình thì Ba thợ hồ bức xúc: “Mới đây tui đọc báo thấy một bé trai học lớp 6 ở Đăk Lăk bị chính cha ruột của mình dùng cây tre đánh bị đa chấn thương phải nhập viện điều trị mà xót cả ruột! Tui thấy thời nay nhiều người đã lạm dụng câu: “Thương cho roi cho vọt” để thỏa mãn cơn bực tức của bản thân mà trút lên đầu con trẻ hơn là mục đích dạy dỗ chúng”.
Những vết thương trên người cháu trai học lớp 6 ở Đăk Lăk. Ảnh: PNO
Nghe vậy Tư hưu trí chua xót: “Có lẽ xã hội mình đang đứng trước cơn “dịch bạo hành” trẻ đây mà. Tình trạng bạo hành trẻ tui thấy đang có xu hướng gia tăng. Chỉ trong vòng có 4 ngày liên tiếp thì có tới bốn vụ bạo hành trẻ gây chấn động dư luận. Từ vụ bà giúp việc bạo hành trẻ hơn 1 tháng tuổi xử lý chưa xong thì tới vụ bé gái 7 tuổi nghi bị cha ruột gí sắt nóng vào mặt. Rồi vụ bạo hành trẻ ở Mầm Xanh đang gây xôn xao thì lại xuất hiện thêm tin bé trai 6 tuổi bị một bảo vệ dân phố có tiền sử tâm thần sát hại”, cộng thêm vụ bạo hành mới ở Đăk Lăk mà anh ba nói nữa thì thật sự gây nên cơn phẫn nộ của dư luận trước thói quen dùng bạo lực để nuôi dạy trẻ. Như cái vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh, Quận 12 đã gây bức xúc rộng rãi từ nhân dân cho đến chính quyền. Ai mà coi cái cờ-lip đó xong không chỉ xót ruột thôi đâu mà chắc là lộn ruột lên vì thấy cảnh trẻ bị bảo mẫu dùng chân, chai nhựa thậm chí dùng dao mà hù dọa một cách tàn nhẫn”.
Hai Sài Gòn tiếp lời: “Đúng vậy, vụ bảo mẫu ở Mầm Xanh xem xong cờ-lip tui không nghĩ đây là bảo mẫu nữa, nói đúng hơn thì đây là "động ác mẫu”. Mấy bà “ác mẫu” này mặc dù thuộc lòng câu “trẻ em như búp trên cành” nhưng khi trẻ… không chịu ăn, không chịu ngủ thì họ dùng phương pháp bạo hành… là trước tiên!
Ba thợ hồ lên cơn bức xúc: “Cha mẹ chúng đâu mà gửi con mình vào cơ sở tệ hại như vậy kìa?".
Hai Sài Gòn ôn tồn: “Nếu cha mẹ mà biết trước cảnh con mình bị bạo hành có lẽ sẽ không có chỗ cho “Mầm Xanh” tồn tại. Đa phần phụ huynh gửi con đều là công nhân, không phải ai cũng có khả năng gửi con em vào các trường công đâu anh Ba!.
Nghe tới đây thì Ba thợ hồ như đứng ngồi không yên và cho rằng việc bạo hành trẻ phải bị xử lý nghiêm, nếu cần thiết đem mấy bà bảo mẫu này ra mà hành hạ lại cho bỏ tức.
Nghe Ba thợ hồ nói Tư hưu trí giật mình: “Trời đất, sao kỳ vậy anh ba? Anh kêu người ta không được bạo hành mà anh lại có suy nghĩ… “hành bạo” như vậy?”.
Hai Sài Gòn cũng lập tức ngăn lại: “Cái kiểu ăn miếng trả miếng như anh chỉ làm gia tăng thêm hình ảnh bạo lực cho trẻ mà thôi. Không có học thuyết nào cho rằng muốn chấm dứt bạo lực thì phải sử dụng bạo lực như anh hết. Nhiều người không biết việc bạo hành trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của chúng. Trẻ lúc nhỏ bị bạo hành, bị thương tích thân thể, tâm lý hoảng sợ, rối loạn hành vi và cảm xúc… Lớn lên, đứa trẻ đó một là sống khép kín, ngại giao tiếp, hai là trẻ đó có xu hướng bạo lực, chống đối xã hội. Vì vậy, một người từng bị bạo hành từ nhỏ sẽ dễ lập lại hành vi bạo hành với các thế hệ sau và trong một chừng mực nào đó bạo hành sẽ tạo ra nhiều thế hệ nạn nhân”.
Tư hưu trí dẫn chứng: “Trẻ từ hồi mẫu giáo đã bị các “cô giáo như mẹ mìn” thẳng tay hành hạ theo nhiều cách và đổ lỗi cho tại, bị, bởi, vì… áp lực, lương thấp… Điều đó gây tổn thương và hình ảnh bạo lực sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý sau này của trẻ. Lớn lên chút nữa, các em đi học khi gặp mâu thuẫn với nhau thì giải quyết bằng bạo lực như: Đánh hội đồng, lột quần áo, lăng mạ lẫn nhau. Rộng ra cho tới xã hội thì con người đi ra đường va quẹt với nhau chút là xảy ra gây hấn hoặc đâm chém nhau. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do từ nhỏ trẻ đã bị tiêm nhiễm bởi hình ảnh bạo lực từ gia đình và nhà trường. Theo tui thấy, từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường đã dẫn đến một thực trạng bạo lực xã hội đáng báo động. Tình trạng bạo lực hiện nay không còn là câu chuyện của một cá nhân hay gia đình mà là vấn đề của cả xã hội. Chấm dứt hoặc hạn chế tình trạng bạo lực có nghĩa là chúng ta đang tiến tới hạn chế, chấm dứt nhiều tệ nạn trong cuộc sống của chính mình”.
Nghe Hai Sài Gòn và Tư hưu trí giải thích xong Ba thợ hồ mới ngạc nhiên: “Thì ra, bấy lâu nay nhiều người đã vô tình gieo hình ảnh bạo lực cho trẻ mà không biết. Từ nhận thức sai lầm như “Thương cho roi cho vọt” mà người lớn đã gieo lại hành vi bạo lực cho con trẻ”.
Tư hưu trí nói tiếp: “Nếu như ai cũng hiểu được tác hại, sang chấn tâm lý của việc sử dụng bạo lực trong việc giải quyết mâu thuẫn hay như nuôi dạy con trẻ thì có lẽ xã hội sẽ bớt đi nhiều các thể loại như: “Lương y như phù thủy”, “Cô giáo như mẹ mìn” như hiện nay”.
Đồng tình với ý kiến của Tư hưu trí, Hai Sài Gòn còn cho rằng: “Ngoài cách thức sử dụng bạo lực để nuôi dạy con trẻ của nhiều người thì hình ảnh bạo lực trên phim ảnh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của trẻ. Anh ba có biết không? Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa của Mỹ cho rằng trẻ thường xuyên tiếp xúc với các hình ảnh bạo lực này sẽ làm gia tăng suy nghĩ, hành vi hung hăng của trẻ. Đặc biệt là các game bạo lực ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của chúng sau này. Đó là chưa kể trẻ chứng kiến hình ảnh bạo lực qua hình thức “trực tiếp” cảnh đánh nhau được đăng tải trên nhiều trang mạng.
Ba thợ hồ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: “Nghe mấy anh nói mà tui giật cả mình. Nhìn đi nhìn lại, con em mình ngày nay toàn tiếp xúc với cảnh bạo lực. Chúng không bị tiêm nhiễm bởi hình ảnh, hành vi bạo lực trong gia đình, nhà trường thì cũng bị tiêm nhiễm các hình ảnh bạo lực qua các phương tiện truyền thông. Chả trách sao con người ngày nay thường sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Vậy mà từ trước đến giờ tui chỉ thấy tác hại trước mắt của việc bạo hành trẻ mà không nhận ra đằng sau đó là cả một “mầm mống” của “bạo lực xã hội” trong tương lai”.
Hai Sài Gòn vỗ vai Ba thợ hồ nói: “Để thay đổi thói quen sử dụng bạo lực trong xã hội thì trước tiên mọi người cần thay đổi nhận thức trong cách giáo dục con người, trong đó ưu tiên chú trọng công tác giáo dục mầm non đó anh Ba à!”.