50 năm trước trận đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn

(VOH) – Kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, chúng ta tiếc thương tất cả xương máu, tính mạng của chiến sĩ.

Thưa Bà con! Hai Sài Gòn nói với anh em trong nhóm “nếu tính theo dương lịch thì hôm nay đúng 50 năm ngày Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968, nhanh thật mới đó mà đã qua 50 năm.

Nhắc đến cuộc Tổng tiến công 50 năm trước ở miền Nam, mà không nhắc đến Sài Gòn là thiếu sót”.

Nhiều anh em thuộc thế hệ trẻ “dí” tới, “tại sao như vậy”, Hai Sài Gòn cho là vì Sài Gòn là thủ đô của miền Nam, nơi các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, của quân đội Mỹ và chư hầu đều ở đây và đặc biệt trong cuộc tổng tiến công 50 năm trước lực lượng tinh nhuệ, nhứt là các đội Biệt động Thành dưới sự chỉ huy, điều động tài tình của Đại tá Nguyễn Đức Hùng có bí danh là Tư Chu - Sau năm 1975, ông là Phó Tư lệnh Quân khu 7 - 50 năm trước các đội biệt động nầy tấn công vào toàn mục tiêu rất hiểm như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh Sài Gòn.

Nhắc đến Đài phát thanh, anh em “dí” ngay Hai Sài Gòn vì anh vốn là nhà báo từng công tác ở Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM gần 40 năm. Đã vậy, Tư hưu trí còn “đổ dầu vô lửa” nữa khi giới thiệu Hai Sài Gòn nguyên là phóng viên phụ trách mảng nội chính, nên hầu như năm nào kỷ niệm tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân, Hai Sài Gòn đều gặp phỏng vân Ông Tư Tăng, Ba Tẻo là cán bộ khung của các đội biệt động đánh vào các mục tiêu hiểm.

Hai Sài Gòn cho rằng cái hay, cái “tuyệt vời” của lực lượng biệt động thành là không những đánh được các mục tiêu này, còn chiếm giữ một thời gian chờ viện binh tới nữa.

Tư hưu trí hỏi Hai Sài Gòn “tui nhớ tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân xảy ra đêm Mùng 1 rạng Mùng 2 Tết, bây giờ tui thấy một số tài liệu, kể cả sách giáo khoa của mấy đứa trẻ đều nói diễn ra đêm 30 rạng Mùng 1 Tết, thế là sao? Hai Sài Gòn khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968, cả miền Nam tức B2 cũ, đều tiến hành đêm Mùng 1 rạng Mùng 2 Tết, năm đó tui 18 tuổi rồi, tui nhớ như in mà. Hơn nữa vì lệch múi giờ nên hai miền Nam - Bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân chênh nhau 1 ngày.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân hỏi thăm sức khỏe nhân chứng lịch sử của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: Dantri

Còn theo Đại tá Nguyễn Văn Tàu, anh hùng Lực lượng vũ trang, cụm trưởng Cụm tình báo H63 thì giờ G trên toàn miền Nam được quy định từ 0 đến 2 giờ ngày 31/1/1968, tức đêm Mùng 1, rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân. Một sự việc đáng tiếc là do sự đổi lịch ở miền Bắc, nên hướng Quân khu 5 và Tây Nguyên vẫn theo lịch cũ, nổ súng trước, còn B2 nổ súng sau theo lịch mới. Mặc dù vậy, chấp hành quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, đêm 31/1, rạng 1/2/1968, quân dân B2 đã thực hiện tổng công kích và nổi dậy đồng loạt tại Sài Gòn và hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn.

Tư hưu trí đề xuất Hai Sài Gòn kể lại diễn biến trận đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn cho anh em nhứt là mấy bạn trẻ biết. Hai Sài Gòn thông tin “Tại Đài phát thanh Sài Gòn, Đội biệt động số 4 (cụm 1) do đồng chí Nguyễn Văn Tăng, tức Tư Tăng chỉ huy, sau ba phút chiến đấu đã chiếm được Đài, loại khỏi vòng chiến đấu một trung đội cảnh sát dã chiến bảo vệ. Nhưng nhân viên kỹ thuật và bộ phận chính trị phụ trách phát thanh giải phóng đã bị ngăn chặn ở Phú Thọ Hòa, không đến kịp nên kế hoạch sử dụng Đài phát thanh Sài Gòn làm công cụ tuyên truyền, gây tiếng vang dư luận không thực hiện được.

Nhận rõ vị trí quan trọng của Đài phát thanh, ngay sau khi Đài bị mất, quân Mỹ đã dùng cả trực thăng vũ trang, xe tăng yểm trợ nhanh chóng tổ chức lực lượng phản kích. Chỉ 15 phút sau khi biệt động nổ súng, quân Mỹ đã bao vây toàn khu vực. Đơn vị giải phóng quân chủ lực không đến chi viện kịp như đã hiệp đồng.

Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt, những chiến sĩ biệt động còn sống sót quyết định dùng biện pháp cảm tử, dùng bộc phá phá hỏng một góc Đài phát thanh Sài Gòn. Lực lượng biệt động thương vong gần hết.

Tư hưu trí cũng có người anh hy sinh năm Mậu Thân đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, nên mỗi khi nhắc nhớ chuyện nầy, Tư hưu trí rất đau khổ. Anh nhớ lại hồi còn khỏe, Chú Tư Chu, tức Đại tá Nguyễn Đức Hùng thường nói “Anh em biệt động, người là thằng Năm, thằng Bảy, thằng Mười.. tôi không biết họ là con ai, quê ở đâu. Biệt động mà, để tránh bọn chiêu hồi chỉ điểm, chúng tôi chỉ biết nhau qua bí số, bí danh... Mặt cũng luôn bịt kín nên chỉ thấy nhau qua ánh mắt. Sau trận đánh, tôi làm đủ cách để tìm kiếm hài cốt họ nhưng không thấy. Đó là máu của anh em mà tôi nợ suốt đời”.

Không phải chỉ có ông, những người lãnh đạo, những đồng đội cũ lúc nào cũng trăn trở, nhất là những câu hỏi của gia đình các chiến sĩ biệt động đeo bám suốt 50 năm qua. Anh em hy sinh ngay trong khuôn viên Đài phát thanh Sài Gòn, khuôn viên sứ quán Mỹ, ngay trong mấy cứ điểm anh em chiến đấu trước mắt mình chớ đâu, nhưng giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, chúng ta tiếc thương tất cả xương máu, tính mạng của chiến sĩ. Riêng ở TPHCM, chúng ta càng thương tiếc những chiến sĩ biệt động thành. Họ là những chiến sĩ vô danh. Chúng ta những người đang sống và hưởng yên vui bên gia đình còn nợ những chiến sĩ vô danh này.