Bệnh "trên nói dưới không nghe" khó chữa trị

(VOH) - Tư hưu trí “dí” Hai Sài Gòn: Lúc này tui thấy rộ lên chuyện các doanh nghiệp tặng xe sang, hàng hiệu cho lãnh đạo mấy tỉnh mà giá trị xe từ gần 2 tỷ trở lên, phải chi lãnh đạo mấy tỉnh vận động doanh nghiệp dùng số tiền đó phục vụ dân sinh, phúc lợi thì hay quá đi chứ.

Ba thợ hồ “ba chớp ba nháng” cho là nghe nói Thủ tướng đã cấm chuyện này rồi mà, sao kỳ vậy, chẳng lẽ lãnh đạo mấy tỉnh lại bệnh trầm kha “trên nói dưới không nghe” sao?”.

Hai Sài Gòn cho biết, sau khi Đà Nẵng đã nhận xe Toyota Avalon trị giá 1,3 tỷ đồng của doanh nghiệp, tỉnh Cà Mau cũng nhận 2 xe Lexus có tổng trị giá trên 6,2 tỷ đồng từ doanh nghiệp, trong phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 127, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan nhà nước nhận xe biếu, tặng của các doanh nghiệp.

Tư hưu trí bàn liền: Thủ tướng chỉ đạo hồi cuối tháng 2, và ngày 3/3 Thành ủy Đà Nẵng và UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định trả lại những chiếc xe ôtô sang mà doanh nghiệp trên địa bàn tặng.

Vậy mà sau đó cả tháng trời, ngày 17/4, ông Bạch Văn Mạnh, Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn Tỉnh ủy Đắk Lắk, xác nhận nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk đang đi xe Toyota Land Cruiser V8 mang biển xanh là do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tặng vào năm 2016. Theo ông Mạnh, chiếc xe được Agribank hỗ trợ trọn gói từ mua, sang tên đổi chủ rồi bàn giao vào tháng 5/2016. Tính trọn bộ xe có giá trị khoảng 2,8 tỷ đồng.

Nghe nội dung bài viết

Chiếc Land Cruiser V8 của Tỉnh ủy Đắk Lắk do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tặng. Ảnh: VNN

Còn ở Nghệ An, Tổng Công ty xây dựng giao thông 4 (Cienco 4) đã trao tặng tỉnh Nghệ An một xe Toyota Land Cruiser 4.7 VX mới 100% (trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng).

Ngày 8/3, tại cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tháng, trả lời câu hỏi về việc doanh nghiệp tặng tỉnh Nghệ An 2 ôtô (một xe do Văn phòng UBND tỉnh quản lý như nêu trên, xe còn lại là Văn phòng Tỉnh ủy), ông Hồ Phúc Hợp, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy không xác nhận là doanh nghiệp tặng cho tỉnh 1 hay 2 xe mà chỉ ghi nhận về báo cáo để lãnh đạo nắm bắt…

Nghe Tư hưu trí nói vậy, Hai Sài Gòn cung cấp thêm: Chưa hết đâu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông cũng được doanh nghiệp tặng 2 xe cùng nhãn hiệu Toyota Land Cruiser VX, mỗi xe trị giá 2,8 tỷ do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc tặng, hiện thuộc sở hữu của Văn phòng Tỉnh ủy. Xe còn lại trị giá 3,72 tỷ đồng do Ngân hàng NN & PTNT tặng đang được Văn phòng UBND tỉnh sở hữu, quản lý.

Hay như ở Ninh Bình, Công ty Cổ phần đầu tư, xây dựng và thương mại Hoa Lư (đóng tại huyện Nho Quan, Ninh Bình) mua 3 xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, mang nhãn hiệu Toyota Land Cruiser VX với tổng trị giá khoảng 6,6 tỷ đồng tặng cho UBND tỉnh Ninh Bình để làm xe công vụ...

Nghe 2 ông bạn liệt kê mà "nổi da gà" luôn, Ba thợ hồ “ôn cố tri tân”: Tui không nhắc hồi kháng chiến gian khổ mà mới đây thôi, cỡ sau năm 2000, tui nhớ lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo thành phố mình đi mấy xe Lada của Liên Xô, không có máy lạnh mà chỉ đạo công việc cứ rét rét ngon lành chứ cần gì xe xịn.

Tư hưu trí theo dõi giải thích của lãnh đạo mấy tỉnh được tặng xe xịn mà cười ra nước mắt “không có tiêu cực trong việc tặng xe, các doanh nghiệp tặng xe cũng thề thốt mình tặng xe với động cơ trong sạch”.

Hai Sài Gòn cười ngất “còn chỗ nào để thanh minh nên lấy lời thề kiểu “leo ngọn ớt, trèo ngọn hành” ra để chạy tội thôi, mà theo tui xét về luật, giao dịch cho tặng xe không trái với Bộ Luật dân sự hiện hành. Tuy nhiên, nếu đem “soi” dưới góc độ xã hội, công tác điều hành thì rõ ràng có điều gì đó không ổn, thậm chí bất thường.

Từ việc tặng xe với mục đích không hợp lý kèm theo những đơn giá “rẻ bất ngờ”, dư luận có quyền nghĩ đến một kịch bản của các bên dựng lên để lách thuế, lách luật (không vượt quá tiêu chuẩn quy định tại điều 5 khoản 2 quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm hợp thức hóa món quà “trên mức tình cảm”.

Một điều không thể không đặt ra nữa là liệu có sự minh bạch, vô tư đối với việc cho tặng này không? Tại sao không phải ai tặng mà chính doanh nghiệp đang có lợi ích kinh tế ở địa phương? Rất khó có thể chứng minh việc cho, nhận có tiêu cực hay không, nhưng dư luận có quyền hoài nghi khi đặt vấn đề sau khi nhận xe, địa phương có ưu ái, hỗ trợ cho doanh nghiệp theo kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại”?

Tư hưu trí hoàn toàn đồng tình với lập luận của Hai Sài Gòn, anh còn bổ sung thêm: vấn đề là chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, của lãnh đạo các tỉnh thế nào, tại sao Thủ tướng chỉ đạo gần 3 tháng nay, Đà Nẵng, Cà Mau “rốp rẻn” trả xe liền, trong khi đó lâu lâu lại “xì” ra thêm tỉnh này nhận 1 xe, tỉnh kia nhận 2 xe với lập luận tỉnh nghèo, phương tiện đi lại khó khăn xin được hợp thức hóa vào tài sản của nhà nước.