Gãi đúng chỗ ngứa

(VOH) - Thưa bà con! Sáng qua “bàn tròn cà phê” của nhóm Hai Sài Gòn rôm rả hẳn lên chung quanh Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp.

Có nhiều ý kiến, Ba thợ hồ phấn khởi cho biết điều làm anh sướng nhứt là “Thủ tướng quyết ngay trong hội nghị là Thanh tra kiểm tra không được quá 1 lần trong 1 năm đối với doanh nghiệp, thứ hai là ngay khi kết thúc hội nghị.

Thủ tướng họp Chính phủ liền để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, tui không dám so sánh các nhiệm kỳ Chính phủ, nhưng tui hỏi mấy anh có thấy nhiệm kỳ nào mà chính Thủ tướng quyết định một cách rốp rẻn như vậy không?”. 

Tư hưu trí là người chuyên moi móc những lổ hỏng quản lý của nhà nước, vậy mà anh cũng cho là nhờ có hội nghị này, anh biết thêm những con số “hành là chính” của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp. Anh dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp than phiền các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà vẫn còn. Nhiều doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.

Quý vị có thể nghe nội dung bài viết Gãi đúng chỗ ngứa hoặc đọc chi tiết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần (Ảnh: LĐO)

Các doanh nghiệp thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục về cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, đủ thứ phí lót tay. Hai Sài Gòn bổ sung thêm “cái này mới nổi da gà nè”, hiện chi phí tiếp cận điện của Việt Nam dù đã được cải thiện nhưng vẫn cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore. 

Về chi phí logistics, phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Đây thực sự là một vấn đề làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh. Nghe mấy thông tin nầy hầu như anh em ngồi trong bàn cà phê ai cũng chắc lưởi hít hà hết, ai cũng cho là không tháo gở mấy vướng mắc nầy bao giờ nước mình mới cất cánh đây.

Hai Sài Gòn nói “đâu phải chỉ bấy nhiêu đó, tại hội nghị ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Vì lẽ đó nên doanh nghiệp phải “đi đêm”, “chung chi”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. 

Nghe anh em thông tin mà ""nóng gà", Tư hưu trí nói: “Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa thì bộ máy đang thừa 50% cán bộ. Họ đi chơi rất nhiều, ngồi bói chữ nhiều hơn là làm”. Rồi ông kiến nghị cần chấm dứt tình trạng, cái gì thuận thì đẩy cho công làm, còn khó thì lại đẩy cho tư. Lúc nhà nước đang khó khăn, các doanh nghiệp đầu tư được thì nhà nước thôi, đừng làm nữa, chứ nếu cứ lấy tiền nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn… 

Theo Hai Sài Gòn, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh với Thủ tướng nỗi nhiêu khê trong quá trình hoạt động, tuy nhiên điều lắng đọng cho doanh nghiệp, người dân như anh em thảo luận nãy giờ là Thủ tướng, Chính phủ giải quyết ngay, tức thì như ngay trong hội nghị lúc 13h, Thủ tướng đã ký Chỉ thị không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần đối với doanh nghiệp, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng.

Thủ tướng nói, Chính phủ kiến tạo không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh. Trong năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân". 

Những kết quả bước đầu là đáng được động viên, khích lệ nhưng cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho phát triển doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp Chính phủ định hình giải pháp, chương trình hành động đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chính phủ cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt: Một là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư.

Hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế. Thủ tướng lưu ý, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém. 

Hai Sài Gòn thông tin thêm “Nói đi đôi với làm, tại hội nghị nầy, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã khẳng định với doanh nghiệp “Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đặc biệt nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh. Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách; chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lợi”. 

Càng nghe anh em bàn luận Ba thợ hồ càng sướng. Anh rất khoái khi Thủ tướng nói: “Bình minh đang đến với đất nước ta, tôi tin tưởng các doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng cho đất nước Việt Nam thân yêu. Chính phủ cũng mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường". 

Cha ông ta đã nói dân giàu thì nước thịnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém, cơ quan quản lý, địa phương cần có chương trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Tôi nhắc lại Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói, “phải tự cứu mình trước khi trời cứu, phải tự đổi mới, tự cải cách”, là công nhân anh tin là các doanh nghiệp nước mình sẽ “ăn nên làm ra” nhanh chóng sau khi Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc các chánh sách chủ trương mới từ sau hội nghị này, mà doanh nghiệp khá thì công nhân mấy anh mới bảnh tỏn.