Chọn hình thức nào cho môn toán trong thi tốt nghiệp

(VOH) - Thưa bà con, mấy bữa rày nội dung chọn hình thức nào cho môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 là đề tài tranh luận sôi nổi trong giới thầy cô giáo, đồng thời cũng là nỗi lo “anh ách” của cha mẹ, của các em các cháu đang học lớp 12.

Hai Sài Gòn cho là lý lẽ của Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra có sức thuyết phục, nhưng có điều là hình thức trắc nghiệm môn Toán quá mới, kể cả thầy cô giáo dạy môn Toán, rồi sách giáo khoa dạy cách làm bài trắc nghiệm môn Toán cũng chưa nhiều làm sao hướng dẫn cho học sinh đây.

Tư hưu trí chưa đồng tình với Hai Sài Gòn bởi cách đây 42 năm kỳ thi Tú tài năm 1974 tất tần tật các môn thi đều là trắc nghiệm, nên tụi tui đậu Tú tài đôi mấy năm trước gọi mấy cô cậu tú năm đó là Tú IBM.

Anh nhớ trước năm 1974, Bộ Giáo dục đã cho thi một số môn khác bằng trắc nghiệm như sử, địa, sinh ngữ để đánh động dần trong xã hội.

Về chương trình và cách dạy học ở trường không mấy thay đổi, thỉnh thoảng giáo viên cho làm bài kiểm tra trắc nghiệm để học sinh quen dần với cách làm bài thi, còn sách tham khảo luyện thi trắc nghiệm thì bao la, được viết và in ấn công phu. Vậy nên năm 1974 mấy em không bỡ ngỡ.

Còn bây giờ phải nói thật là nhiều người lo là phải. Hai Sài Gòn cho là Bộ Giáo dục Đào tạo đã chuẩn bị cả 10 năm nay rồi. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi văn Ga về khách quan, đề thi trắc nghiệm Toán giúp học sinh có tư duy nhanh, làm bài với tốc độ nhanh, phù hợp thời đại.

Nếu bài thi tự luận thí sinh phải nắn nót trình bày, viết chữ sao cho đẹp, thì câu hỏi thi trắc nghiệm chỉ mất vài giây để giải. Làm đề thi trắc nghiệm cũng là cách học sinh rèn luyện để có kỹ năng thi cử ở môi trường quốc tế, nếu không sẽ không thể hội nhập.

Riêng về môn Toán chúng ta có thể giải theo nhiều cách nhưng chỉ có một đáp số. Vì thế, những em học giỏi sẽ tìm ra đáp án nhanh hơn, dành thời gian làm những câu khác.

Bộ đã tính đến việc thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2006, nhưng xã hội chưa đồng tình vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong 10 năm qua, chúng ta đã học tập kinh nghiệm từ các nước khác nên Bộ GD&ĐT giao Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện kỳ thi Đánh giá năng lực bằng trắc nghiệm hoàn toàn…

PGS.Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp thêm: “Trắc nghiệm là một trong những loại hình đánh giá. Hạn chế của phương pháp này là không phát huy được tính sáng tạo khi câu trả lời chỉ có phương án đúng và phương án sai. Nhưng cái được là đánh giá nhanh, cụ thể, chứ không chung chung. 

Để đánh giá con người có nhiều phương thức khác nhau. Nhưng để đánh giá đồng loạt nhiều người trong thời gian ngắn thì trắc nghiệm là phương thức ổn nhất. Và trong điều kiện hiện nay để đánh giá một số lượng lớn thí sinh, thay thế cho 180 phút ngồi làm bài tự luận, thì trắc nghiệm là phương thức tối ưu…”.

Tư hưu trí chận họng Hai Sài Gòn liền: “Nhưng Hội Toán học VN thì nói ngược lại nè. GS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng, mục tiêu giảng dạy môn Toán ở cấp THPT của Việt Nam không chỉ là truyền đạt kỹ năng tính đạo hàm, tích phân mà quan trọng hơn là truyền đạt phương pháp tư duy, khả năng đặt và giải quyết vấn đề.

Ông khẳng định phương pháp tư duy toán học còn dành cho việc học tập các môn khác về khoa học vì mục tiêu đào tạo môn Toán ở cấp THPT là truyền đạt phương pháp tư duy chứ không phải chỉ là một số kỹ năng. Kỹ năng cũng cần nhưng ở mức độ thấp hơn”.

Từ đó, GS Hải cho rằng, việc thi môn Toán bằng hình thức trắc nghiệm sẽ làm hỏng chủ trương và mục tiêu đào tạo của môn Toán. Nhìn bề dày của Toán học Việt Nam, học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài học có thế mạnh về Toán. Chúng ta thay đổi hình thức thi có ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đến thành tựu mà cho đến bây giờ giáo dục Việt Nam đạt được về truyền đạt tư duy Toán học”.

Một trong những lý do GS Phùng Hồ Hải không “mặn mà” với cách thi trắc nghiêm môn Toán là: “cho tới hiện tại chưa có bất cứ đánh giá cụ thể nào được công khai về kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội do đó chưa nên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội một cách đại trà ngay trong năm nay.

Hai Sài Gòn biết cuộc tranh luận giữa anh và Tư hưu trí không thể đi đến hồi kết được, bởi ai cũng giữ quan điểm của mình, nên Hai Sài Gòn lấy ý kiến của GS Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nhận định với tư cách cá nhân rằng, thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định.

Không có phương thức nào ưu điểm hẳn cũng không có phương thức nào nhược điểm hẳn. Vì vậy, trên thế giới vẫn tồn tại song song 2 kiểu thi trắc nghiệm và tự luận chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Hữu Dư cho rằng, điều cần thiết là khi lựa chọn phương thức nào thì cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, cần thiết về các mặt tổ chức như nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả, tâm lý của thí sinh và xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự tổng kết đánh giá kết quả của các kỳ thi trắc nghiệm đã tổ chức trước đó để có cơ sở quyết định hình thức thi phù hợp của các kỳ thi trong tương lai…”.

Tới đây thì Tư hưu trí mới nhứt trí OK.