Quy trình

(VOH) - Sáng nay trong quán cà phê anh em bàn thảo rôm rả về việc bổ nhiệm hay luân chuyển đề bạt cán bộ, khi có dư luận này nọ, một số quan chức, cơ quan có thẩm quyền lúc nào cũng trả lời là làm đúng “quy trình”.

Tư hưu trí có cái cười mỉm khó hiểu khi dẫn chứng lời ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nói về việc bổ nhiệm bộ sậu gia đình ông vào 8 chức danh lãnh đạo của Tỉnh: “Ông Vinh khẳng định quy trình bổ nhiệm đối với những người này đều tuân theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và thực tế, cá nhân ông không chỉ đạo bổ nhiệm người nhà và cũng “không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo.”

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh (thứ hai từ trái sang). Ảnh: NLĐO

Hai Sài Gòn cho là về nguyên tắc tổ chức thì ông Bí thư tỉnh Ủy Hà Giang nói là đúng, tuy nhiên vấn đề là người đứng đầu của Tỉnh mà ông không ý kiến ý cò gì khi xảy ra vụ việc thì dư luận râm ran là phải.

Ba thợ hồ lại nói khác “chẳng lẽ ông làm chức lớn như vậy mà vợ con, em út ổng lại làm cu ly thì coi sao được, tui thấy cũng bình thường thôi, sách thánh hiền dạy rồi: “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá cây, ý quên lá đa”.

Tư hưu trí cho đây là chuyện có tính nguyên tắc, mình là “phó thường dân Nam Bộ” là dân “xách xi măng đi tô” mà bàn bạc vụ này dễ bị cho là không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất mà cũng “bày đặt” này nọ. 

Hai Sài Gòn đề nghị đưa ý kiến của những người nổi tiếng nhận xét về vụ này cho khách quan. Anh em cả bàn nhất trí cái rụp.

Người đầu tiên Hai Sài Gòn giới thiệu là trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân Khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa 12, ông nói: “Việc bổ nhiệm hàng loạt người thân vào các vị trí lãnh đạo trong địa phương mình lãnh đạo là không nên. Nếu những người đó làm việc không ra gì, không hiệu quả, thăng tiến chỉ vì là người nhà của lãnh đạo thì càng không thể chấp nhận được”. Nếu ai cũng đưa người nhà vào bộ máy để mà trục lợi thì đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng “tìm người tài chứ không tìm người nhà”.

Những người là thân nhân, họ hàng ông Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh mà giỏi thực sự thì nên thi thố, vươn lên ở địa phương khác, chứ nếu được bổ nhiệm ở nơi người thân mình làm lãnh đạo tỉnh thì không nên, người dân cũng không phục, dư luận cũng dễ xôn xao. Theo tướng Nguyễn Quốc Thước, nếu ông Bí thư đã muốn gạt ra thì ông phải quyết liệt từ đầu, nghĩ vậy thì phải làm vậy. Nhiều khi, cán bộ cấp dưới cũng muốn nịnh bợ cấp trên, cho nên người lãnh đạo phải “tỉnh táo và quyết liệt, công tâm và sáng suốt”.

Nghe xong, Anh em ai cũng cho là ý kiến của tướng Thước rất là xác đáng và hỏi tiếp Hai Sài Gòn còn có ý kiến của ai nữa không? Hai Sài Gòn liền dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét về “quy trình”, bà Phạm Chi Lan cho rằng quy trình đều nằm trong tay những người có thẩm quyền, nếu quy trình đúng mà dẫn đến sai sót thì phải xem lại, điều chỉnh cái quy trình đó cho chặt chẽ hơn chứ không phải dùng để biện minh cho những sai sót. Tất cả quy trình đều nằm trong tay những người có quyền quyết định hết mà. Bao giờ chả đúng quy trình. Đúng quy trình thì vẫn có những Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh… Chưa kể đúng quy trình còn có con ông nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Đáng lẽ tình trạng diễn ra như vậy thì bản thân những người có quyền quyết định về mặt nhân sự dứt khoát phải rà soát lại toàn bộ quy trình đó, nhất là sau vụ Dương Chí Dũng. Nếu thấy những khâu không đúng thì phải bỏ đi và nhất là phải minh bạch hoá việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Xảy ra bao nhiêu chuyện mà rồi vẫn cứ nói ráo hoảnh với nhau là “đúng quy trình” thì nó thành một thứ mà nói như Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đó là sự trơ trẽn.

Bình luận về Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang “trải lòng” không muốn người thân mình đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo mà tại “tổ chức” làm theo “quy trình” nên “đành chịu”, bà Phạm Chi Lan nói: “Tôi không tin thế. Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thực sự không muốn những người thân của mình được bổ nhiệm thì đã dứt khoát không chấp nhận. Hoặc ông ấy sẽ yêu cầu người thân của mình đi về các tỉnh khác mà ứng cử hoặc làm việc. Trong việc này, nếu Bí thư Tỉnh đã kiên quyết thì đố ai dám trái ý”. Anh em cùng uống cà phê vỗ tay khen phát biểu của bà Phạm Chi Lan là hay và rất, rất là chính xác trong tình hình hiện nay...

Nghe anh em bàn tán sôi nổi quá, Tư hưu trí dẫn chứng luôn lời nhà sử học Dương Trung Quốc nói bên hành lang trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14. Về việc bổ nhiệm cán bộ, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: Có điệp khúc mà mọi người hay nói "quy trình thì đúng mà kết quả thì sai" thì vấn đề ở đâu? Rõ ràng có kẽ hở để người ta lách. Họ tinh vi lắm chứ không yếu kém chút nào. Điều này trở thành không bình thường. Người có trách nhiệm, làm thất thoát tài sản như Trịnh Xuân Thanh lại được thăng chức. Trong khi đó, chúng ta luôn luôn nói đến trách nhiệm, nhưng trách nhiệm lại là khái niệm rất trừu tượng. Theo tôi lúc này phải gắn với trách nhiệm cá nhân là hết sức quan trọng. Khen chê là phải rõ, cụ thể, cái gì cũng do con người làm, tức là phẩm chất của người thực hiện. Cái quan trọng thứ hai là sự giám sát của nhân dân, không có sự giám sát đó nên xảy ra những sai phạm xung quanh việc bổ nhiệm cán bộ”.

Nghe Tư hưu trí thông tin, anh em ai cũng im lặng suy gẫm, bỗng Ba thợ hồ lên tiếng “tui nhớ ngày xưa Bác Hồ đã từng dạy “khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà chúng ta “lấy dân làm gốc” mà hà cớ gì nhiều người lợi dung “quy trình” trót lọt vậy?”. Hai Sài Gòn tiu nghỉu: “Anh hỏi tui, tui biết hỏi ai?”.